Nấc thang nguy hiểm

Căng thẳng thương mại, các vòng xoáy bạo lực, cùng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang gia tăng ở nhiều nơi, mở ra những nguy cơ.
Cuộc không kích dữ dội chưa từng thấy của không quân Israel.
Cuộc không kích dữ dội chưa từng thấy của không quân Israel.

1. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc báo động về tình trạng bạo lực leo thang giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, cảnh báo rằng cuộc xung đột Trung Đông đang bị đẩy lên một “nấc thang” mới. Sau gần một năm giao tranh giữa lực lượng Hezbollah và Israel tại khu vực biên giới Lebanon, các cuộc không kích cuối tuần qua là những cuộc tấn công dữ dội nhất, kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas bùng nổ ở Dải Gaza. Chỉ trong ngày 23/9, Israel tiến hành ba đợt không kích, nhắm vào hơn 300 địa điểm tại Lebanon, làm ít nhất 182 người thiệt mạng.

Sau cuộc họp bên lề Khóa họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7, ra tuyên bố nêu rõ: “Các hành động và phản ứng hiện nay có thể khuếch đại vòng xoáy bạo lực nguy hiểm, kéo toàn bộ Trung Đông vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn với hậu quả khôn lường”. G7 kêu gọi chấm dứt ngay chu kỳ bạo lực đang diễn ra trong khu vực, đồng thời khẳng định không quốc gia nào được lợi từ sự leo thang tình hình hiện tại ở Trung Đông.

2. Căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc leo thang, khi Ủy ban châu Âu (EC) đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), về việc Bắc Kinh khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU. EC cũng nói rõ việc đệ đơn kiện lên WTO chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp của cơ quan này. Nếu không có được một giải pháp thỏa đáng, EC sẽ yêu cầu thành lập hội đồng giải quyết tranh chấp trong WTO.

Trước đó, hồi tháng 8, Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra sau khi EU áp mức thuế nặng vào xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuộc điều tra này liên quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu, đặc biệt là sữa và các chế phẩm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đệ đơn kháng cáo lên WTO và tiến hành điều tra một số sản phẩm thịt lợn và rượu mạnh của Lục địa Già.

3. Trang mạng “The Strategist” của Australia ngày 24/9 đăng bài viết của tác giả Jason Van der Schyff cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Hezbollah bằng máy nhắn tin và bộ đàm đã được vũ khí hóa là lời nhắc nhở nghiêm khắc về mối nguy hiểm của việc chuỗi cung ứng bị xâm phạm. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, nguy cơ phần cứng bị xâm phạm ở các nước, bao gồm cả ở Australia, là có thật và đáng báo động.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngay từ năm 2011 đã cảnh báo: Các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng gây ra mối đe dọa an ninh mạng. Đối với các quốc gia như Australia, hậu quả có thể vô cùng thảm khốc. Các thiết bị điện tử như bộ định tuyến, điện thoại và thậm chí cả ô-tô có thể bị xâm phạm ở bất kỳ giai đoạn nào trong hành trình từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Thiết bị điện tử bị xâm phạm có thể mở ra cánh cửa cho các hoạt động gián điệp, phá hoại và tấn công mạng, gây ra thảm họa đối với an ninh quốc gia.

Nấc thang nguy hiểm ảnh 1

Thủ tướng Pháp Michel Barnier và chính phủ mới đối diện tứ bề sức ép.

4. Áp lực đè nặng lên Chính phủ mới của Pháp ngay sau khi tân Thủ tướng Michel Barnier công bố thành phần chính phủ mới, với 39 thành viên đến từ các đảng trung dung và cánh hữu.

Ngay sau khi danh sách được công bố, Chủ tịch đảng Xã hội (PS) Olivier Faure cho biết đảng này đang có kế hoạch thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới vào ngày 1/10 tới. Ông Jordan Bardella, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) - lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Quốc hội Pháp, cũng phản đối thành phần chính phủ mới. Không chỉ đối mặt với sức ép từ phía các đảng phái đối lập, chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier cũng đang phải chịu áp lực lớn về việc giải quyết tình hình tài chính bấp bênh, đòi hỏi cần có các biện pháp mạnh để hạn chế chi tiêu công và tăng thu ngân sách, nhằm giúp khôi phục nền kinh tế.