1. Thủ tướng Anh Keir Starmer vừa thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Anh tới Ireland trong vòng 5 năm qua. Chuyến thăm được Văn phòng Thủ tướng Anh mô tả là một "khoảnh khắc lịch sử cho quan hệ Anh-Ireland", báo hiệu đổi thay tích cực, trong mối quan hệ đã từng khá căng thẳng.
Phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Simon Harris, Thủ tướng Starmer nhấn mạnh: Hai bên sẽ xác định cụ thể cách thức "cài đặt lại" quan hệ song phương một cách thực tế cho công dân hai nước, gắn kết với những giá trị như hòa bình, thịnh vượng, tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tổ chức Hội nghị cấp cao Anh-Ireland lần đầu vào tháng 3 năm sau, nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như an ninh, khí hậu, thương mại và văn hóa. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Anh cũng khẳng định: Ông mong muốn London có quan hệ hợp tác tốt hơn với các nước Liên minh châu Âu (EU).
2. Điện Kremlin cho biết: Nga sẽ áp đặt những hạn chế với truyền thông Mỹ, nhằm đáp trả động thái mới đây của Washington. Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, các biện pháp hạn chế đối với truyền thông Mỹ tại Nga sẽ tính đến chính sách biên tập của những phương tiện truyền thông này.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nga là Rossiya Segodnya. Trong số các công dân Nga bị trừng phạt có Tổng biên tập Rossiya Segodnya, bà Margarita Simonyan, cũng như các cấp phó của bà. Tài sản của các cá nhân và tập đoàn này ở Mỹ bị phong tỏa. Ngoài ra, họ bị cấm thực hiện giao dịch ngân hàng và các giao dịch khác, cũng như hạn chế về thị thực. Từ năm 2022, các nước phương Tây áp đặt khoảng 150 hạn chế đối với các phương tiện truyền thông và nhà báo Nga.
3. Chính phủ Venezuela công bố quyết định thu hồi quyền đại diện của Brazil cho lợi ích của quốc gia Argentina và các công dân Argentina trên lãnh thổ Venezuela. Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil nhấn mạnh Venezuela "buộc phải đưa ra quyết định này dựa trên những bằng chứng liên quan đến việc cơ sở vật chất của Đại sứ quán Argentina đang được sử dụng để lên kế hoạch khủng bố".
Ngay lập tức, Chính phủ Argentina đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc từ Venezuela. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Brazil nhấn mạnh: Trụ sở Đại sứ quán Argentina mà nước này đang thay mặt bảo vệ là quyền bất khả xâm phạm. Brazil sẽ tiếp tục trông coi và bảo đảm quyền lợi của Argentina cho tới khi Chính phủ Argentina chỉ định một nhà nước khác tiếp quản cơ quan đại diện của mình. Brazil đã tiếp nhận trụ sở Đại sứ quán Argentina và Peru tại Venezuela, cũng như đại diện cho lợi ích của hai quốc gia này từ đầu tháng 8, sau khi Chính phủ Venezuela trục xuất tất cả các nhân viên ngoại giao bảy nước Mỹ latin.
4. Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết bất lợi cho các tập đoàn công nghệ Apple và Google của Mỹ, trong hai vụ kiện riêng rẽ trị giá hàng tỷ euro với Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, ECJ yêu cầu Apple hoàn trả 13 tỷ euro tiền thuế cho Chính phủ Ireland. Vụ kiện chống lại Apple bắt nguồn từ năm 2016, khi EU tuyên bố nhà sản xuất iPhone đã "né" được hàng tỷ euro tiền thuế.
Ngoài ra, ECJ cũng giữ nguyên mức phạt 2,4 tỷ euro đối với Google, trong một loạt vụ kiện chống độc quyền của EU nhắm vào "gã khổng lồ" công nghệ này. Tòa án đã bác đơn kháng cáo của Google và công ty mẹ Alphabet về khoản tiền phạt áp dụng cho công cụ tìm kiếm này vào năm 2017. Google sẽ phải đối mặt với một thử thách khác vào tuần tới khi tòa án cấp cao nhất của EU sẽ quyết định mức tiền phạt nhỏ nhất trong số các án phạt, trị giá khoảng 1,49 tỷ euro. Apple và Google đã bày tỏ thất vọng về các quyết định mới nhất của ECJ.
ECJ giữ nguyên những phán quyết cứng rắn đối với các "đại gia công nghệ" Apple và Google. |