1.
Chính phủ Yemen cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng y tế, khi nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm nghiêm trọng. Hãng thông tấn nhà nước Saba dẫn thông báo của chính phủ nêu rõ do nguồn tài trợ quốc tế sụt giảm, hơn 1.000 cơ sở y tế quan trọng sắp bị đóng cửa, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của 500.000 phụ nữ tại quốc gia Arab đang xảy ra tình trạng xung đột này. Bộ trưởng Y tế và dân số Qasim Buhaibeh cho biết: Tình trạng thiếu kinh phí đã khiến 600.000 trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, đồng thời làm suy yếu khả năng ứng phó với dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc.
2.
Thủ tướng Yemen, ông Ahmed Awad bin Mubarak đã triệu tập cuộc họp chính phủ tại Aden, kêu gọi thành lập một ủy ban chính phủ nhằm đánh giá nhu cầu của ngành y tế và xác định các biện pháp can thiệp quốc tế cần thiết. Ông cũng kêu gọi các đối tác quốc tế và khu vực tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành y tế Yemen, để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 46% số cơ sở y tế tại Yemen chỉ còn hoạt động một phần hoặc đã ngừng hoạt động hoàn toàn do thiếu nhân lực, kinh phí, điện, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cảnh báo: "Những kẻ côn đồ sẽ phải hối hận vì các hành vi bạo lực", trong bối cảnh bất ổn và bạo loạn tiếp tục gia tăng tại Anh. Phát biểu tại phố Downing, Thủ tướng Anh tuyên bố: Những kẻ gây rối nhằm vào người dân chỉ vì mầu da của họ không đại diện cho nước Anh, chúng sẽ bị tạm giam và bỏ tù ngay sau khi bị bắt, với các bản án thích đáng.
Làn sóng biểu tình bạo lực chống nhập cư bùng phát trên khắp nước Anh bắt đầu từ ngày 30/7, sau vụ đâm dao tại Southport, do thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về danh tính và tôn giáo của nghi phạm. Đây là vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ năm 2011, với hơn 50 cảnh sát bị thương cùng với gần 250 vụ bắt giữ. Tại các thành phố như Liverpool, Southport, Manchester, nhà chức trách đã áp dụng lệnh trao quyền cho lực lượng cảnh sát được phép dừng, khám xét và yêu cầu bỏ khẩu trang, mũ trùm đầu đối với bất cứ đối tượng bị nghi ngờ nào.
3.
Chính phủ Australia đã nâng mức cảnh báo về mối đe dọa khủng bố từ mức "có nguy cơ" lên mức "có thể xảy ra", với lý do khả năng xảy ra một cuộc tấn công trong 12 tháng tới là hơn 50%. Thủ tướng Anthony Albanese cho biết đã nâng cảnh báo theo khuyến nghị của các cơ quan an ninh, sau khi nhận được báo cáo là ngày càng có nhiều người Australia đang chấp nhận các hệ tư tưởng cực đoan đa dạng hơn.
Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh tình báo Australia Mike Burgess nhấn mạnh: An ninh tại Australia đang xấu đi, dễ biến động và khó lường hơn; mối lo ngại của Australia hiện nay chủ yếu là bạo lực mang động cơ chính trị cùng với gián điệp và sự can thiệp của nước ngoài. Ngày càng nhiều người Australia có tư tưởng cực đoan, trong khi sự phân cực chính trị đang gia tăng. Căng thẳng ở Trung Đông cũng là yếu tố khiến Australia nâng cao cảnh báo về nguy cơ khủng bố.
4.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4/8 cho biết đang cân nhắc thành lập một ủy ban khẩn cấp, để đưa ra đánh giá về khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ đang hoành hành tại châu Phi. Trong thông báo trên nền tảng X, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó đợt bùng phát, tuy nhiên cần thêm kinh phí và hỗ trợ để có thể phản ứng toàn diện.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. WHO từng ban bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023.
Bệnh đậu mùa khỉ đang hoành hành tại châu Phi. |