1. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) nhận định: Sudan đang ở “điểm bùng phát thảm họa”, với hàng chục nghìn người đang lâm vào tình trạng nguy hiểm. Giám đốc khu vực Đông và Bắc Phi của IOM, ông Othman Belbeisi, cho biết, nạn đói và lũ lụt đang làm tăng thêm những thách thức mà hàng triệu người dân ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này phải đối mặt, dẫn tới nguy cơ về cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới. Hơn 10,7 triệu người phải di dời trong nước ở Sudan, trong khi 2,3 triệu người đã di cư sang các nước láng giềng.
IOM nhận định: Điều kiện nhân đạo ở Sudan là một trong những nơi tồi tệ nhất trên thế giới. Nếu không có phản ứng toàn cầu ngay lập tức, mang tính bao trùm và phối hợp, Sudan sẽ phải gánh chịu hàng chục nghìn ca tử vong. Xung đột tại Sudan bùng phát từ tháng 4/2023 giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, cùng khoảng 25 triệu người dân Sudan lâm vào nạn đói.
2. Giới phân tích cho rằng một cuộc xung đột toàn diện có thể khiến nền kinh tế Lebanon sụp đổ hoàn toàn, giữa lúc quốc gia Trung Đông này vẫn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế-tài chính.
Nền kinh tế Lebanon, vốn đã rất mong manh và suy yếu sau nhiều năm bất ổn chính trị, hiện phải đối mặt nhiều rủi ro lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đồng nội tệ của Lebanon đã mất 95% giá trị so với USD kể từ năm 2019, với hơn 80% dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ. Cuộc xung đột hiện nay ở miền nam Lebanon có thể gây thiệt hại đối với ngành du lịch hơn hai tỷ USD, cùng với sự gián đoạn trong hoạt động nhập khẩu và giao dịch ngân hàng. Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, thiệt hại có thể lên tới 24-25% GDP.
3. Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Medicine, khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới mắc các triệu chứng và di chứng hậu Covid-19 kéo dài. Trong vòng bốn năm kể từ khi căn bệnh này được xác định lần đầu, phí tổn kinh tế ước tính (từ các yếu tố như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người mắc Covid-19 kéo dài không thể quay lại làm việc...) là khoảng 1.000 tỷ USD trên toàn thế giới mỗi năm, tương đương 1% GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, khoảng 6% người trưởng thành trên toàn thế giới đã mắc các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài; nhiều người vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, và việc điều trị căn bệnh này vẫn là một trong những thách thức lớn nhất.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: Hiện số ca mắc Covid-19 ngày càng gia tăng. Ở châu Âu, tỷ lệ xét nghiệm dương tính là hơn 20%. WHO cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể nghiêm trọng hơn, khi virus tiếp tục lây lan và tiến hóa, có thể dẫn đến một biến thể kháng lại sự can thiệp của y tế. WHO kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, nhằm bảo đảm rằng các nhóm có nguy cơ cao nhất sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 mỗi năm một lần.
Nhóm có nguy cơ cao nhất được khuyến cáo tiêm vaccine phòng Covid-19 mỗi năm một lần. |
4. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khả năng tử vong do đột quỵ ở những người trong độ tuổi trung niên tại nước này hiện nay cao hơn so với khoảng 20 năm trước đây. Theo báo cáo mới của CDC Mỹ, hơn 19.700 người từ 45 đến 64 tuổi đã tử vong do đột quỵ vào năm 2022, tức là cứ 100.000 người trong nhóm tuổi này thì có khoảng 24 người tử vong vì đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 ở Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết: Trong thập niên qua, xu hướng gia tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nhóm trung niên trái ngược với xu hướng giảm ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, nam giới trung niên có khả năng tử vong do đột quỵ cao hơn phụ nữ trung niên.