Hành động quyết liệt

Tình trạng bất ổn an ninh, thâm hụt ngân sách, thiên tai... đang đe dọa nhiều nước, nhiều khu vực, đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh để ổn định tình hình.
Nước Đức mở rộng kiểm soát biên giới.
Nước Đức mở rộng kiểm soát biên giới.

1.

Đức sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát biên giới từ ngày 16/9 đối với tất cả chín quốc gia láng giềng, nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Bất chấp sự phản đối từ các thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), động thái này được đưa ra sau một loạt vụ tấn công do các phần tử cực đoan tiến hành, khiến dư luận Đức quan ngại.

Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết: Theo kế hoạch ban đầu, biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được áp dụng trong sáu tháng. Nhà chức trách sẽ thiết lập các trạm kiểm soát tạm thời tại các cửa khẩu đường bộ và kiểm tra tại chỗ. Bộ Nội vụ Đức lưu ý du khách cần mang theo giấy tờ tùy thân khi qua biên giới. Hai quốc gia láng giềng là Ba Lan và Áo đã bày tỏ quan ngại trước quyết định trên. Ủy ban châu Âu cũng cảnh báo các quốc gia thành viên EU chỉ được áp dụng các biện pháp như vậy trong những trường hợp đặc biệt.

2.

Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên bố sẽ phủ quyết mọi đề xuất, dự thảo và kế hoạch ảnh hưởng tới cân bằng ngân sách nhà nước, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” và kỷ luật tài chính. Phát biểu trước Quốc hội về phương hướng dự thảo ngân sách nhà nước năm 2025, Tổng thống Milei cho biết: Chính phủ sẽ cắt giảm 60 tỷ USD ngân sách dành cho các tỉnh nhằm giảm chi tiêu công xuống mức tương đương 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đưa mức thâm hụt ngân sách về mức 0% vào cuối năm tới.

Tổng thống Milei cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước hiện đại, hiệu quả, tinh gọn và không cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, chính phủ sẽ đơn giản hóa hoạt động và quy trình thủ tục, thông qua việc số hóa và loại bỏ những khâu trung gian, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ông cho biết sẽ tăng cường minh bạch tài chính trong các tập đoàn và công ty nhà nước, cũng như trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng các nguồn đầu tư công, bên cạnh quá trình tư nhân hóa các công ty thuộc sở hữu nhà nước.

3.

New Zealand tuyên bố xóa bỏ nhiều rào cản thương mại để thúc đẩy kinh tế. Bộ trưởng Thương mại và Nông nghiệp New Zealand Todd McClay nêu rõ: Năm qua, nước này đã xóa bỏ được 14 rào cản phi thuế quan, tạo thuận lợi đáng kể cho các nhà xuất khẩu, cũng như cho hàng nghìn người trong nước, do 25% số việc làm ở New Zealand gắn liền với thương mại.

Bộ trưởng McClay khẳng định việc tập trung vào gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan tiếp tục là ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ các nhà xuất khẩu New Zealand, tiến tới đạt mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu trong vòng 10 năm, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ đó New Zealand mới có thể nâng cao thu nhập, giảm chi phí sinh hoạt và cung cấp các dịch vụ công mà người dân nước này xứng đáng được hưởng.

4.

Nhiều nước châu Âu phải nâng mức báo động, tăng cường ứng phó lũ lụt khi bão Boris tràn qua. CH Czech đã nâng mức độ báo động lên cấp 3 tại hàng chục khu vực. Ba Lan đã đóng cửa khẩu biên giới Golkowice với Czech, sau khi một con sông tràn bờ, đồng thời phong tỏa một số tuyến đường và tạm dừng các chuyến tàu nối hai thành phố Prudnik và Nysa. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk công bố khoản viện trợ trị giá 260 triệu USD để hỗ trợ các nạn nhân lũ lụt. Ở Tây Bắc Hungary, chính phủ đã nhanh chóng xây dựng rào chắn lũ, do nước sông Danube dâng cao.

Tại châu Á, lũ lụt và sạt lở đất đã khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Myanmar, Việt Nam, Lào và Thái Lan… sau khi bão Yagi càn quét khu vực. Trong khi đó, bão Bebinca khiến Bộ Thủy lợi Trung Quốc phải kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với tình trạng ngập lụt ở Thượng Hải cùng các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy. Cùng lúc, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đánh giá đợt lũ lụt ở miền bắc Thái Lan là nghiêm trọng nhất trong 80 năm qua, gây thiệt hại 811 triệu USD đối với nền kinh tế nước này.

Hành động quyết liệt ảnh 1

Bão Yagi tàn phá Myanmar khiến lực lượng cứu hộ phải đưa người dân trú ẩn tại các điểm an toàn.