Băn khoăn với dạy nghề, hướng nghiệp

Năm học 2023-2024 này là năm cuối cùng ngành Giáo dục và các trường phổ thông thực hiện chương trình 2006 ở cả ba cấp học. Đối với học sinh lớp 9 ở cấp trung học cơ sở, đây đang là giai đoạn “nước rút” để được xét tốt nghiệp và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Những bất cập trong hoạch định hướng nghiệp sớm vẫn đang dẫn tới không ít băn khoăn lo lắng cho người học, phụ huynh, cả nhà trường và cơ quan quản lý ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng nghiệp sớm để bảo đảm cơ cấu lao động đang là đòi hỏi cấp thiết của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Hướng nghiệp sớm để bảo đảm cơ cấu lao động đang là đòi hỏi cấp thiết của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

MỚI đây, một đoạn clip ghi lại cảnh một phụ huynh có con đang học lớp 9 bức xúc, phản ứng gay gắt về cách hướng nghiệp của nhà trường và cách tiếp cận của một số trường nghề đã nhận được nhiều chia sẻ, quan tâm của cộng đồng mạng. Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình, với các em học sinh cuối cấp trung học cơ sở, lứa tuổi có nhiều xáo động về tâm sinh lý, đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển cấp, vào lớp 10, một số em định hướng học nghề sớm thì cần có những tiếp cận, hướng dẫn, chính sách phù hợp hơn, tránh gây thêm căng thẳng cho học sinh và gia đình.

Trước hết, đây là thời điểm hầu hết địa phương trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025. Các trường học cũng tích cực triển khai kế hoạch ôn luyện, giúp thí sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi cam go sắp tới.

Ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, tình trạng quá tải với hệ thống trường công lập vẫn tiếp tục diễn ra. Năm nay, theo kế hoạch, kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thủ đô sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6. Thí sinh sẽ làm bài thi ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Toàn thành phố có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tăng hơn 5.000 em so năm ngoái. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cho biết, sẽ có khoảng 60% số học sinh được vào công lập, số còn lại vào trường tư, giáo dục thường xuyên và học nghề.

Báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội các năm gần đây chỉ rõ, việc xây các khu đô thị mới thiếu quy hoạch trường học. Vì thế, việc giám sát chủ đầu tư để bảo đảm quỹ đất dành cho giáo dục là rất cần thiết, phải yêu cầu thực hiện đúng cam kết.

Đề cập vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội) phân tích, từ năm 2017, vấn đề này đã được công khai chất vấn tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố. Thế nhưng, “chừng nào Sở Giáo dục và Đào tạo (phía đưa ra nhu cầu), Sở Tài nguyên và Môi trường (phía giữ đất và giao đất xây trường), cả Sở Quy hoạch kiến trúc (phía giải trình và có phương án khắc phục) vẫn chưa có ý kiến cụ thể, quyết liệt thì chừng đó tình trạng quá tải, thiếu trường lớp còn nan giải”, ông Ánh nêu quan điểm.

Đành rằng thực trạng quá tải trường lớp ở các thành phố lớn luôn là vấn đề không dễ giải quyết, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc đầu tư kinh phí, quỹ đất, Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến số lượng giáo viên, bảo đảm tỷ lệ, số lượng và chất lượng giáo viên đồng đều giữa các trường công lập ở nội thành và ngoại thành, khắc phục xu hướng học sinh dồn về các trường “hot”, trường điểm.

THEO các chuyên gia, muốn “hạ nhiệt” cuộc đua vào lớp 10 công lập, nhất là ở các địa bàn trường lớp đang bị quá tải, đòi hỏi công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở cần phải được làm tốt, hợp lý hơn nữa. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quá tải vào lớp 10 trường công hiện nay là do công tác phân luồng hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở tại Hà Nội nói riêng và ở hầu khắp tỉnh, thành phố trên cả nước còn chưa hiệu quả. PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng: “Đây là vấn đề, nhiệm vụ liên ngành. Để bảo đảm các mục tiêu đã đặt ra, cả trung hạn và tầm nhìn xa, ngành giáo dục cần phải làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nhằm tăng cơ hội cho người học lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình cũng như cơ cấu lao động của từng địa phương. Cùng đó, hệ thống các trường nghề cũng cần khẩn trương tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm người học ra trường đáp ứng nhu cầu lao động của các cơ quan, doanh nghiệp”.

Theo số liệu thống kê mới đây của ngành giáo dục, đến nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tăng 671 cơ sở giáo dục nghề nghiệp so năm học 2013-2014), trong đó, có 1.196 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 63,4%; tăng 228 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so năm học 2013-2014).

Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp đã tăng từ 8% giai đoạn 2011-2015 lên 15% giai đoạn 2016-2020, cao hơn đáng kể so mức trung bình của các nước khu vực; đặc biệt, học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề giai đoạn 2016-2020 đã tăng khoảng 2,5 lần so giai đoạn 2011-2015.

Trên thực tế, những năm gần đây, nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới; lao động Việt Nam từng bước tham gia và đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm. Rõ ràng, kết quả giáo dục nghề nghiệp đã và đang góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, số lượng học sinh tham gia học nghề có tăng nhưng chưa đáng kể so với yêu cầu đặt ra và nhu cầu xã hội. Cùng với đó, chất lượng giáo dục phổ thông thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các cấp học; chưa đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục toàn diện cũng như yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước...

Trong khi, nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới rất coi trọng và đã thực hiện tốt việc phân luồng, hướng nghiệp sớm, từ sau bậc trung học cơ sở. Vì thế, việc điều chỉnh, bổ sung các chính sách tổng thể cũng như chuyên ngành cho mục tiêu này là yêu cầu cấp thiết, cần sớm được quan tâm đúng mức.