“Giảm tải” cho nhân viên y tế

Áp lực từ quá tải công việc, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều y, bác sĩ xin nghỉ việc. Dù đã có một số giải pháp, song, những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách còn tồn tại khiến đội ngũ nhân viên y tế chưa an tâm phục vụ, làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Công việc nhiều áp lực nhưng thu nhập chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc. Ảnh: Huy Anh
Công việc nhiều áp lực nhưng thu nhập chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc. Ảnh: Huy Anh

Quá tải về sức khỏe tinh thần

Chia sẻ tại hội thảo Các phương pháp và chương trình tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, mới đây, TS, BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sau đại dịch Covid-19, bệnh viện đã thực hiện khảo sát mức độ trầm cảm, lo âu, stress với 1.300 nhân viên y tế. Nhiều nhân viên y tế cho biết, bản thân gặp áp lực trong công việc, thu nhập, giờ giấc làm việc, chuyện gia đình... đã khiến họ rơi vào tình trạng stress, trầm cảm; thậm chí nhiều nhân viên đã xin nghỉ việc.

Theo khảo sát, có 42,2% số nhân viên gặp vấn đề về lo âu, 24,3% số nhân viên trầm cảm và có 16,5% số nhân viên gặp stress. “Kết quả khảo sát thật khủng khiếp và chúng tôi nhận ra rằng, cần phải có những giải pháp can thiệp kịp thời, tháo gỡ tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhiều hơn nữa cho nhân viên y tế”, bác sĩ Phan Thị Hằng cho hay. Ban Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng đỡ tâm lý cho nhân viên y tế, như tổ chức các buổi trò chuyện “vòng tròn chia sẻ”, “sơ cứu tâm lý”… Sau can thiệp và triển khai các kế hoạch hỗ trợ, số nhân viên gặp các vấn đề về rối loạn tinh thần giảm từ 1.186 xuống còn 1.098 nhân viên.

TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế Thành phố không chỉ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận hàng triệu người đến từ các địa phương khác. Năm 2023, số bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện của thành phố chiếm một phần tư tổng lượt khám toàn quốc. Khối lượng công việc lớn, bên cạnh đó là áp lực từ lãnh đạo, từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, mỗi một lần điều trị thất bại hay sai sót y khoa, nhân viên y tế phải đối mặt áp lực khủng khiếp. Nếu không có giải pháp ngăn ngừa, can thiệp, họ sẽ bị tình trạng quá tải về sức khỏe tinh thần, gây ra “hội chứng burnout” suy kiệt cả thể chất và tinh thần. Do đó, các nhà quản lý cần nhận biết vấn đề hiện hữu về sức khỏe tâm thần của nhân viên, từ đó có hướng giải quyết thích hợp.

Còn theo chia sẻ của nhân viên điều dưỡng có 15 năm công tác tại một bệnh viện, với lượng công việc quá tải của bệnh viện chị phải mang về nhà làm, có khi một đêm chỉ ngủ được 2-3 giờ, thường xuyên làm cả thứ bảy, chủ nhật hay những ngày nghỉ lễ, thời gian ở bên gia đình rất ít, không thể chăm lo cho con cái hay gia đình nhiều khiến tâm lý rất buồn chán.

Chế độ đãi ngộ cần tương xứng

Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội đã nêu rõ, nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, cùng với đó, khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Nhiều ý kiến chuyên gia nêu quan điểm, Nghị quyết của Quốc hội đã có, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã có, mong rằng, các chính sách về tiền lương, phụ cấp cũng như chế độ đãi ngộ đủ sức thu hút, giữ chân nhân lực y tế ở cơ sở sớm được ban hành. Đối với Bộ Y tế, cần kịp thời tháo gỡ những vấn đề liên quan đến mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho người bệnh, giúp bảo đảm công tác và có chính sách tăng thu nhập giúp đời sống nhân viên y tế không bị sụt giảm, an tâm công tác, gắn bó lâu dài.

Cụ thể hơn, trước thực tế địa phương, TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Nâng mức lương cơ bản của bác sĩ, điều dưỡng và viên chức làm việc trong ngành y nói chung. Ban hành chính sách cho nhân viên y tế được hưởng chế độ thâm niên nghề y. Xem xét điều chỉnh các quy định chế độ phụ cấp như: độc hại nguy hiểm, ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm chuyên ngành truyền nhiễm đối với các trường hợp không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm... Sớm ban hành cơ cấu giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và sớm có quy định việc bác sĩ, điều dưỡng có nghĩa vụ làm việc có thời hạn tại tuyến y tế cơ sở.

Cùng đó, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp để giảm tải áp lực cho nhân viên y tế. Đơn cử như phân bổ biên chế công chức hằng năm phù hợp với khối lượng công việc; hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm và sắp xếp công chức, viên chức theo vị trí, nhiệm vụ phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ thu nhập mua, thuê nhà cho công chức trẻ, làm việc ở các vị trí đặc thù khó khăn.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhân viên y tế dễ mắc hội chứng quá tải công việc thì các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần là điều cần thiết.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, trên cả nước có hơn 345.000 nhân viên y tế; trong số đó, lực lượng bác sĩ khoảng 55.000 người, tương đương tỷ lệ 7,2 bác sĩ/1 vạn dân. Số lượng y tá và hộ lý chiếm hơn 105.000 người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân.