Sigiriya - “Pháo đài trên không trung”

Không chỉ được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, Sigiriya - viên ngọc kiến trúc của cả nhân loại còn luôn giữ vị trí tốp đầu của nhiều danh sách đề cử và bình chọn Kỳ quan thứ tám của thế giới trong nhiều năm qua. Sừng sững trường tồn qua bao biến thiên thời cuộc, Sigiriya ngày nay đã trở thành một di chỉ khảo cổ cực kỳ giá trị, một viện bảo tàng ngoài trời hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến với đảo quốc xinh đẹp Sri Lanka.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Sigiriya, từ góc nhìn trên cao (nguồn ảnh: PINTEREST)
Toàn cảnh Sigiriya, từ góc nhìn trên cao (nguồn ảnh: PINTEREST)

Từ phế tích chìm trong quên lãng

Dù chỉ sở hữu diện tích bằng phân nửa Việt Nam, hòn ngọc Ấn Độ Dương Sri Lanka vẫn trở thành điểm đến du lịch Nam Á hấp dẫn hàng đầu, khi có tới tám cái tên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO vinh danh là Di sản thế giới (trong đó có sáu di sản văn hóa và hai di sản thiên nhiên). Đó cũng là lý do khiến xứ sở yên bình này được mệnh danh là “miền đất của những di sản”.

Sigiriya thường được gọi bằng cụm từ tiếng Anh Lion Rock (Núi đá Sư tử), thay vì cái tên gốc khá trúc trắc, khó nhớ, khó đọc với du khách nước ngoài. Tòa thành này sánh vai cùng thành cổ Polonnaruwa và thành phố linh thiêng Anuradhapura (ba cái tên cùng nằm trong danh mục “Di sản văn hóa thế giới”) để xác lập một “tam giác văn hóa” - điểm nhấn vô cùng giá trị ôm chứa những tinh hoa lịch sử và tín ngưỡng khiến quốc đảo này luôn rất đỗi tự hào.

“Pháo đài trên không trung” Sigiriya nằm trên một ngọn núi đá granite cao xấp xỉ 350 mét so với mực nước biển và phô bày vẻ kỳ vĩ trên nền trời từ chiều cao khoảng 180 mét, so với vùng rừng rậm xanh mướt bao phủ chung quanh. Chuyện kể rằng, nhà vua Kashyapa I - người trị vì xứ Sinhalese trong 18 năm ngắn ngủi (từ năm 477 đến năm 495 sau Công nguyên) đã cho xây dựng một cung điện nguy nga mang dáng hình uy dũng của một con sư tử mà phế tích còn lại tới ngày nay là đôi chân phô diễn bộ móng vuốt đầy đe dọa trấn giữ ngay tại lối vào. Chọn một ngọn núi cao, tại một vùng đất hẻo lánh rất khó tiếp cận từ mọi hướng làm đại bản doanh là một nước cờ đầy tham vọng của vị quân vương, với mong muốn biến công trình kiến trúc đặc sắc này thành một pháo đài bất khả xâm phạm trước mọi cuộc tấn công từ mọi kẻ thù nguy hiểm nhất.

Thế nhưng, sau bi kịch gia đình “nồi da nấu thịt” (con trai giết cha để lên ngôi) rồi “huynh đệ tương tàn” (người anh cùng cha khác mẹ phải sống lưu vong rồi thành lập đội quân để quay lại trả thù), Lion Rock dù kiên cố đến đâu cũng không thể bảo vệ nổi vị hôn quân vô đạo. Bị quân lính quay lưng, lại không muốn chết dưới tay kẻ thù, Kashyapa I đã tự sát. Sigiriya trở thành cố đô, rồi sau đó trở thành phế tích. Biến thành một tu viện Phật giáo rồi chính thức bị bỏ hoang, bị rừng rậm tấn công và che phủ hoàn toàn từ thế kỷ XIV, Lion Rock chìm dần vào quên lãng và trở thành một trong bảy di tích lịch sử nổi tiếng nhất thế giới bị thiên nhiên nuốt chửng hoàn toàn nhiều thế kỷ (cùng với thành phố La Mã Thamugadi, quần thể Angkor Wat, di tích Stonehenge Tây Ban Nha hay ngôi làng Mexico mang tên San Juan Parangaricutiro...). Nhờ cuộc thám hiểm vào giữa thế kỷ XIX của George Turnour - một công chức người Anh đam mê sử học, kỳ quan cổ xưa này mới có cơ hội phát lộ, và khiến hậu sinh ngạc nhiên khi bóc tách từng lớp giá trị từ mỹ thuật, kiến trúc tới quy hoạch đô thị, bố trí công năng cho từng hạng mục. Tiến sĩ Bandaranayaka, người dành trọn 5 năm (1947-1952) khai quật và nghiên cứu từng hố khảo cổ đã mô tả Sigiriya là “một tập hợp độc đáo của nghệ thuật kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật ấn tượng cùng quy hoạch đô thị, kỹ thuật làm vườn, công nghệ thủy lực, lưu trữ nguồn nước... được tập trung trên đỉnh một núi đá khổng lồ có vẻ đẹp tự nhiên kỳ ảo. Đây cũng là công trình có giá trị nhất, được xây dựng công phu nhất tại Nam Á trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên với sự kết hợp tuyệt vời các khái niệm đối xứng-bất đối xứng trong sự đan xen có chủ ý của quy hoạch mang tính hình học và dạng khối tự nhiên”.

Sigiriya - “Pháo đài trên không trung” ảnh 1

Du khách Việt Nam chụp hình lưu niệm tại Cổng Sư tử. Ảnh: HUYỀN NGA

Đến đỉnh cao kiến trúc và mỹ thuật của người xưa

Ba thành lũy kiên cố cùng hai hào nước uốn lượn bao quanh tạo thành hai lớp bảo vệ vững chắc đầu tiên. Bốn cổng thành mở ra lối vào lâu đài đã được phát hiện, những nền móng khảo cổ phát lộ khắp chốn giúp người đời sau hình dung rõ nét quy mô bề thế ban đầu của kỳ quan này với chiều dài khoảng 3km và chiều rộng 1km. Kết quả thu được sau nhiều lần khai quật cho thấy có tới 150 ngôi làng cùng 200 bể chứa nước cực lớn vây quanh tòa thành trên đá. So với những di sản kiến trúc cùng thời, chúng chứng tỏ ưu thế vượt trội khi được bố trí tiên tiến, hiện đại, tích hợp cùng lúc nhiều công năng sử dụng.

Cơ sở hạ tầng được thiết kế khoa học bao gồm bể chứa khổng lồ, hệ thống đường ống cấp thoát nước, các khu vườn được bố trí với tỷ lệ đối xứng tuyệt đẹp. Thật khó có thể tưởng tượng, một số đài phun nước hiện vẫn còn hoạt động tốt trong mùa mưa, dù đã tồn tại 16 thế kỷ. Đặc biệt, khu vườn thượng uyển là một thí dụ độc đáo về mô hình vườn cảnh quan lâu đời nhất thế giới, với sự kết hợp sáng tạo giữa vườn nước, vườn hang động cùng đá tảng nguyên khối và vườn bậc thang bao quanh các khối đá tự nhiên.

Những gờ tường, chân cột phủ kín bề mặt di chỉ giúp ta mường tượng những sân thượng, hội trường, hồ bơi, cung điện đã từng phô bày vẻ lộng lẫy, xa hoa nơi đây. Từ trên đỉnh núi cao xấp xỉ 200 mét, những vạt rừng xanh thẫm ken dày, trải dài phía dưới mang lại cho người thưởng lãm góc nhìn toàn cảnh say lòng.

Nhưng Sigiriya không chỉ mang giá trị kiến trúc, nó còn cất giữ một kho báu mỹ thuật-thư pháp vô giá mà hiếm di sản nào có được. Leo lên một cầu thang xoắn ốc chóng mặt, du khách sẽ đến với Bức tường Gương nổi tiếng, nơi lưu giữ những bức bích họa trên đá tuyệt mỹ còn vẹn nguyên đường nét và sắc mầu tươi tắn, dù đã nghìn năm lịch sử lướt qua. Được coi là tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới, với kích thước dài 140 mét và cao 40 mét, những mỹ nữ Sigiriya với vẻ đẹp quyền quý hút hồn được lưu lại cho muôn đời hậu thế, với bút pháp thể hiện tương tự những bức tranh trong hang động Ajantha của Ấn Độ. Khoảng 500 bích họa trên đá từng bao phủ bề mặt phía tây của Lion Rock là con số mà sử sách còn lưu lại, tiếc là chỉ 22 bức trong số đó còn lại được đến ngày nay. Không những thế, có vẻ việc để lại bút tích trên những công trình cổ kính của du khách thời xưa không bị coi là xâm hại di tích mà còn được khuyến khích nên phía bên kia của Bức tường Gương còn được phủ kín bởi khoảng 1800 đoạn văn xuôi, thi phẩm, bình luận, chia sẻ cảm xúc của những người đã từng đặt chân. Phần lớn thể hiện trình độ hiểu biết văn hóa và cảm thụ nghệ thuật cao, với những cảm nhận và đánh giá khá sâu sắc. Được viết bằng tiếng Sinhala, tiếng Phạn, tiếng Tamil..., bức tường đặc sắc này cung cấp một cái nhìn toàn diện, đa chiều về lịch sử cũng như sự phát triển ngôn ngữ của Sri Lanka trong suốt 8 thế kỷ. Đây cũng là nơi duy nhất trong di tích mà du khách bị cấm chụp hình, cấm chạm tay vào mọi chữ viết lẫn bích họa. Sau hành động phá hoại bằng cách vẩy sơn tung tóe lên bề mặt bức tường vào năm 1967 khiến đội ngũ chuyên gia mất tới nửa năm để làm sạch và phục chế nguyên trạng, đó là một hành động cần thiết để cách bảo vệ nghiêm ngặt những giá trị ít ỏi còn trường tồn tới ngày nay!

Sigiriya - “Pháo đài trên không trung” ảnh 2

Nền móng tuyệt đẹp của một công trình được bảo tồn gần như nguyên vẹn dù 16 thế kỷ đã trôi qua. Ảnh: HUYỀN NGA

Sigiriya luôn được giới thiệu là “kỳ quan thế giới thứ tám”. Dù chưa hề có một văn bản chính thức đồng thuận từ mọi quốc gia, nhưng danh xưng này thường được dùng để chỉ những công trình có thể sánh ngang với bảy kỳ quan thuộc thế giới cổ đại về mức độ ảnh hưởng. Và việc xếp Sigiriya ngang hàng với hàng loạt di sản kiến trúc kỳ vĩ, tuyệt đẹp được bàn tay khối óc của bao thế hệ đi trước kiến tạo nên như đền Taj Mahal (Ấn Độ), quần thể đền tháp Angkor (Cambodia), căn phòng Hổ phách ở Saint Petersburg (Nga), đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc)... cho thấy thế giới đánh giá pháo đài bất khả xâm phạm này cao tới mức độ nào!