Rộn ràng làng nghề vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều làng nghề truyền thống khắp cả nước đang rộn ràng vào vụ mùa kinh doanh sôi động nhất trong năm. Ở đó, dưới mỗi mái nhà, trong mỗi cửa hàng, hộ kinh doanh (có khi đã lên doanh nghiệp) - mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân lưng đẫm mồ hôi đang tất bật làm nghề với niềm hy vọng được mùa Tết, và một năm mới thương hiệu vươn thật xa.

Thương hiệu cá kho làng Nhân Hậu dậy hương, lan xa ra ngoài nước.
Thương hiệu cá kho làng Nhân Hậu dậy hương, lan xa ra ngoài nước.

Giữ lửa nghề

Ðể đến vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), viên ngọc giữa núi rừng Tây Bắc, giờ không còn khó khăn như trước. Muốn tìm những câu chuyện đời sống dân sinh thú vị, theo chiếc xe máy anh bạn dẫn đường, chúng tôi từ trung tâm thị trấn Bắc Hà vào trung tâm xã Bản Phố, đi hai khúc cua dốc nữa để đến nhà nghệ nhân Ma Seo Dín, gia đình sáu đời làm nghề đúc lưỡi cày.

Nhà nghệ nhân Ma Seo Dín nép dưới bóng những cây mận đang trổ nụ, chỉ chờ xuân đến là nở hoa. Ðón khách với nụ cười vồn vã, nghệ nhân hỏi: “À, cái nhà báo đến làm gì đấy?”. Chúng tôi thưa: “Chúng cháu muốn tìm hiểu về nghề đúc lưỡi cày ạ”. Lão nghệ nhân thốt lên: “Vui thế! Nhưng không vào nhà uống một chén rượu trước là không tiếp đâu”.

Người vùng cao là thế. Hào sảng và thật cái bụng. Ông Dín cười sảng khoái, dẫn khách vào nhà. Rượu ngô ủ bằng men hồng my (một loại kê trên núi cao) được rót ra chén. Chủ và khách cùng nâng, rượu thấm tê rồi chuyển sang ngọt ở đầu lưỡi. Chén rượu bình dị làm ấm câu chuyện về nghề đúc lưỡi cày, một nông cụ từng rất quan trọng ở các làng quê, và đến nay vẫn được người nông dân Bắc Hà sử dụng. Theo nghệ nhân Ma Seo Dín, nghề đúc lưỡi cày Bản Phố đã có lịch sử phát triển 200 năm. Lật một lưỡi cày mới ra lò, ông Dín tự hào chia sẻ rằng, lưỡi cày cứng và sắc bén rất quan trọng đối với người nông dân khi canh tác trên những vùng đất dính sỏi, đất xen lẫn đá. “Thép thì chúng tôi chọn loại tốt. Khi rèn một yếu tố quan trọng là luyện thép, với tỷ lệ nhiệt độ, nước thật chuẩn xác, theo công thức gia truyền thì mới cho ra đời những lưỡi cày ưng ý”, ông Dín chia sẻ.

Ngày nay dù số người dùng lưỡi cày ít dần, song vẫn là vật dụng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, Bản Phố vẫn còn 10 gia đình tâm huyết, giữ nghề để phục vụ cho người dân trong tỉnh, ở Văn Yên (Yên Bái), Mường Nhé (Ðiện Biên)… Những ngày cuối năm, những phiên chợ Tết, người Mông vùng cao nơi đây có tập tục mua lưỡi cày như là cách để cầu may. Nên dù lưỡi cày không dùng cho việc ăn Tết, nhưng đó là nông cụ cùng với con trâu khởi đầu cho một năm làm mùa đạt kết quả tốt, mưa thuận gió hòa. Anh Ma Seo Áo, con trai nghệ nhân Ma Seo Dín, chia sẻ: “Mỗi năm gia đình tôi đúc từ 300 đến 400 lưỡi cày. Những phiên chợ Tết sẽ bán nhiều hơn mà! Các nhà cũng trông vào ngày đó chuyển lưỡi cày đến chợ”.

Vào thời điểm trước Tết, đến làng Vũ Ðại (nay là Nhân Hậu) thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) chúng tôi lạc vào không khí của ngôi làng chiêm trũng còn giữ được nhiều vẻ đẹp giản dị, đặc trưng của miền quê Bắc Bộ và gìn giữ nghề làm cá kho rất tốt. Ngay từ đầu làng đã thấy một mùi hương của sự đầm ấm. Nơi các hộ làm nghề kho cá, những đống củi nhãn khô xếp cao bên những niêu đất nung cũng đã sẵn sàng. Sát Tết, dưới những nếp nhà theo nghề kho cá có những đêm không ngủ, bởi người đốt lửa suốt đêm cho cá chín, chờ xuất bán. Ông Trần Luận, một chủ cơ sở lớn ở Nhân Hậu cho hay, làng cung cấp sản phẩm quanh năm, riêng dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán, số lượng tăng nhiều, có khi cao điểm đạt hơn 100 niêu/ngày, cơ sở phải thuê 30 người phụ giúp.

Còn theo lãnh đạo xã Hòa Hậu, hiện trong làng Nhân Hậu có 32 hộ gia đình làm nghề. Nghề kho cá là nghề đã có lâu đời, song có lúc trầm xuống. Hơn chục năm qua, nhờ cách quảng bá thương hiệu tốt, cộng với uy tín của làng nghề, những niêu cá kho của làng đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Mỗi mùa Tết, Nhân Hậu cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn niêu. Mỗi niêu có giá từ 500 đến 1,2 triệu đồng tùy từng loại lớn nhỏ.

Vậy điều gì đã khiến tiếng tăm làng nghề dậy hương?

Qua tìm hiểu, cá kho Nhân Hậu chủ yếu là trắm đen kho trong niêu đất, đun bằng củi nhãn và vỏ trấu. Ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH TM Ðặc sản Việt Nam (xuất phát từ một cơ sở sản xuất cá kho truyền thống) cho hay, để có món cá ngon phục vụ khách phải trải qua những công đoạn cầu kỳ, từ chọn cá, ướp đến kho. Ngay như trắm đen cũng phải chọn những con bụng nhỏ, nặng từ 3 đến 12 kg. Rồi niêu đất, phải đặt niêu tốt, được nung ở làng nghề Trù Sơn (Ðô Lương, Nghệ An) mới bảo đảm giữ nhiệt và chất lượng. Cá ngon hay không còn ở gia vị. Về tầm quan trọng của gia vị, ông Trần Luận nói thêm: “Một niêu cá kho chuẩn phải đủ các loại gia vị đồng quê: Riềng, nước chanh, nước dừa, nước cốt cua đồng, nước mắm, mì chính, hạt tiêu, ớt, gừng, hành khô. Thiếu một trong 10 loại ấy thì niêu cá kho sẽ không đạt”. Bà Quách Thị Xuân, một người kho cá lâu năm ở Nhân Hậu rất vui khi kể câu chuyện vì sao mà cá kho làng bà có cơ hội xuất khẩu. Thoạt đầu là một số khách người Ô-xtrây-li-a làm việc ở Hà Nội ăn rồi mê, mấy năm đều về tận làng mua cá kho. Khi sản phẩm của làng có điểm bán ở trung tâm thành phố thì họ đến đó mua. Tiếng đồn lan xa, người ăn cá kho Vũ Ðại không những ở khắp nơi trên đất nước, mà còn ở cả nước ngoài nữa…

Rộn ràng làng nghề vào vụ Tết ảnh 1

Người Mông vùng cao có tập tục mua lưỡi cày đầu năm để cầu may.

Và đưa nghề lan xa

Theo dọc dài đất nước còn có biết bao làng nghề độc đáo, đang náo nức chuẩn bị cho mùa Tết, mà ở mỗi làng đều có vẻ đẹp, đặc trưng khác nhau. Nhưng họ đều chung một niềm thắc thỏm, là mong đắt hàng. Như làng bánh chưng Bờ Ðậu (Phú Lương, Thái Nguyên); làng khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực, Nam Ðịnh); làng lá dong Tràng Cát (huyện Thanh Oai) và làng gói bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì) thuộc Hà Nội; làng mứt Thanh Tiên (TP Huế) hay những làng hoa kiểng ở miền bắc, miền nam đất nước…

Có mặt tại làng bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì) chúng tôi cũng nhận ra không khí chuẩn bị vào vụ sôi động nhất của năm. Dẫu đó là công việc quanh năm và ngày nào, đứng ở những con ngõ của làng đều thấy thoảng mùi bánh chưng. Chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất 2018, các gia đình đã tích gạo nếp ngon, đậu xanh và các gia vị. Có hộ chỉ một mối hàng đặt đã lên đến 1.000 chiếc bánh.

Một trong những điều quan trọng để mặt hàng của các làng nghề độc đáo được tin dùng là chất lượng và gìn giữ được uy tín. Những lời chia sẻ của ông Bùi Văn Hưng, làng nghề sản xuất khăn xếp Giáp Nhất (Nam Ðịnh) thật có lý khi đặt câu hỏi vì sao nhiều làng nghề khác đã mai một, nhưng khăn xếp Giáp Nhất vẫn được tin dùng? Có lẽ câu trả lời là ở việc người nghệ nhân đã gửi vào những sản phẩm khăn xếp của mình cả niềm đam mê và tình yêu với nghề gia truyền. “Nếu làm tốt, thì sản phẩm khăn xếp bằng chất liệu nhung, sa-tanh có thể hút thêm người sử dụng. Dịp xuân về, nhu cầu chụp ảnh, tổ chức đám hỉ rất lớn, mà điều vui là giờ không ít bạn trẻ lựa chọn mặc áo dài, đội khăn xếp vui xuân”, ông Hưng phấn khởi chia sẻ.

Chung tâm sự này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết thêm, để làng nghề có thể sống tốt, không chỉ là bán được sản phẩm trong mỗi dịp Tết đến xuân về, mà cần có hướng đầu ra ổn định quanh năm, muốn vậy cần chú trọng thương hiệu, mẫu mã, chất lượng. Ông Dần cũng lấy thí dụ, vì sao một món ăn như cá kho lại được ưa chuộng, lại có thể xuất ngoại, rồi nhờ đó, người dân cũng được đi ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm?

Rồi hay như do hiểu về giá trị của chất lượng thương hiệu, uy tín, nên làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang cố gắng gây dựng, xứng đáng với danh hiệu làng nghề truyền thống lâu đời. Ông Nguyễn Tài Tiến đưa ra con số chứng tỏ họ sống tốt với nghề: “Với hơn 250 hộ dân thì 70% số hộ dân ở làng Tranh Khúc sống bằng nghề. Chúng tôi mang ơn nghề, nên thận trọng trong sản xuất, không làm lấy lãi bằng mọi giá”. Còn ông Nguyễn Văn Na, Bí thư Chi bộ làng Tranh Khúc cho biết: “Các đoàn kiểm tra huyện, xã hằng tháng đều về kiểm tra vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền công tác này, vừa để bảo đảm vệ sinh, vừa giữ thương hiệu”.

Nghĩ sâu hơn về cách làm, kinh doanh và bảo vệ thương hiệu, một thanh niên làng cá kho Nhân Hậu nâng niu niêu cá, bảo rằng “chúng tôi giữ tiếng cho nghề lắm, vì một sự bất tín là vạn sự bất tin”. Vâng, nhờ thế nên Xuân 2018 này làng tấp nập đơn hàng được đăng ký, hứa hẹn một xuân ấm, lửa sẽ hồng trong những căn bếp với các niêu cá kho dậy hương.