Phát triển các vùng sản xuất tập trung

Xác định nông nghiệp là lợi thế, động lực để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Nhờ thế đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của nông sản, nâng cao đời sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng trồng na dai xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Vùng trồng na dai xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

HUYỀN Sơn đã trở thành "vựa na" của huyện Lục Nam. Các vườn na đang phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch. Chủ tịch Hội Nông dân xã Huyền Sơn Nguyễn Đức Bồn cho biết, do quả na dai thơm, ngon thu hút nhiều người biết đến, nên đã trở thành cây phát triển kinh tế chính của vùng quê này. Na dai Lục Nam vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng rồi đến khu vực miền trung…

Điều đáng nói, người dân xã Huyền Sơn có "mẹo" để quả na trổ ra từ thân. Quả hút dinh dưỡng trực tiếp từ thân cây nên căng mọng, ngọt lịm và nhiều nước. Ông Phương Minh Hiến, chủ một vườn na ở xóm Khuyên chia sẻ: "Dù ra hoa chậm hơn một tháng, nhưng bù lại năng suất đạt gần 20 tấn/ha. Đó là thành tích mơ ước của người trồng na". Đại diện lãnh đạo xã Huyền Sơn cho biết, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ổn định từ cây trồng này, Đảng ủy xã có nghị quyết định hướng nhân rộng diện tích trồng na ở những địa hình phù hợp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, giúp nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Không chỉ Huyền Sơn, các xã Nghĩa Phương, Đông Phú, Lan Mẫu cũng phát triển các vườn na. Những ngày này, thương lái mua bán na rất nhộn nhịp. Theo người dân nơi đây, cây na được trồng trên địa bàn huyện từ năm 1960, nhưng chỉ khoảng 16 năm trở lại đây, người dân mới phát triển mạnh giống cây cho trái này. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp giúp na dai luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Phát triển các vùng sản xuất tập trung ảnh 1

Na Lục Nam ngày càng được người dân ưa chuộng.

SẢN phẩm na ở Lục Nam được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao. Điểm nổi bật của na dai Lục Nam những năm gần đây là quả trái vụ. Nhờ áp dụng biện pháp rải vụ, kỹ thuật thụ phấn nhân tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12, các chủ vườn không chịu nhiều sức ép trong khâu tiêu thụ, thị trường tiêu thụ quả tương đối thuận lợi, do đó giá trị kinh tế, chất lượng quả na được nâng lên rõ rệt.

Ngoài phát triển vùng sản xuất na tập trung, Lục Nam cũng tích cực sản xuất vùng nhãn tập trung, vải thiều tập trung. Vùng sản xuất nhãn tập trung tại hai xã Lục Sơn và Đan Hội với quy mô 750 ha, lớn nhất tỉnh Bắc Giang, sản lượng bình quân khoảng 9.600 tấn/năm, doanh thu 192 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 150 tỷ đồng/năm. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm 40% tổng diện tích, trong đó diện tích được cấp chứng nhận GlobalGAP là 10,2 ha, cấp chứng nhận VietGAP 280 ha. Sản phẩm quả nhãn tươi được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, bà con trong vùng sản xuất còn làm long nhãn, sản phẩm "Long nhãn Đan Hội" được đăng ký chứng nhận hàng hóa, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng. Đây là một trong những vùng sản xuất nổi bật của huyện, tỉnh được các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Huyện Lục Nam khuyến khích các xã áp dụng quy trình thâm canh mới, đưa các giống nhãn chín muộn vào trồng nhằm rải vụ; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng từ 20-30% so các giống nhãn cũ. Toàn huyện đã nhân rộng hơn 300 ha trồng giống nhãn chín muộn, trở thành cây hàng hóa chủ lực có thế mạnh của địa phương.

Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Nam cho biết thêm: "Huyện đã xây dựng và duy trì sản xuất 33 mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa chất lượng với diện tích hơn 800 ha được cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch".

Cũng theo lãnh đạo huyện Lục Nam, địa phương xác định thời gian tới nông nghiệp vẫn là trụ đỡ trong phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định an ninh trật tự ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn sinh học theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tập trung .