Pháp luật và lòng trắc ẩn

Mỗi tháng, phòng xử án của hạt Providence, bang Rhode Island (Mỹ) lại chứng kiến một tuần làm việc rất đặc biệt của thẩm phán Frank Caprio. Mỗi phiên xử của vị quan tòa tuổi ngoại bát tuần luôn kết thúc theo hướng chẳng ai ngờ tới. Có những lúc tất cả đều bật cười, nhưng cũng không ít lần Caprio khiến cả khán phòng cảm động đến rơi nước mắt.

Không ít lần Caprio tham vấn ý kiến con trẻ để đưa ra mức phạt cho các bậc phụ huynh.
Không ít lần Caprio tham vấn ý kiến con trẻ để đưa ra mức phạt cho các bậc phụ huynh.

Giác quan thứ sáu

Tháng 2/2019, Alyssa Supriano phải ra hầu tòa ở hạt Providence vì tội lái xe quá tốc độ. Súng bắn tốc độ ghi nhận Alyssa chạy xe ở mức 48 km/giờ trên đoạn đường giới hạn tốc độ tối đa cho phép là
40 km/giờ. Cô khẩn khoản mong bồi thẩm đoàn cho qua trường hợp của mình, vì cô bị bắn tốc độ lúc giảm ga ngay sau khi thấy biển giới hạn.

Trên ghế quan tòa, vị thẩm phán già Frank Caprio hấp háy đôi mắt nhìn vào cử chỉ và giọng nói của bị can. "Cô biết không, trong quá trình làm công việc này, đôi lúc tôi cảm thấy mình như có giác quan thứ sáu đấy", Caprio nửa đùa nửa thật, "Tôi cá là cô đã, hoặc đang làm công việc gì đó liên quan đến lĩnh vực giải trí, như kiểu vũ công chẳng hạn".

Thật kỳ lạ. Alyssa Supriano đúng là một vũ công chuyên nghiệp đã giải nghệ. "Tôi có thể nhảy, thậm chí trồng chuối ngược rất thẳng đấy! Nếu tôi trồng chuối ngược giữa phòng xử án này, liệu tòa có thể bỏ án phạt và thay bằng việc cảnh cáo, nhắc nhở được chứ?". Nói là làm, Alyssa lập tức thực hiện giữa tiếng cười thích thú của hàng chục người có mặt trong phòng. Lúc Alyssa kết thúc "màn trình diễn" cũng là thời điểm Caprio mỉm cười đồng ý bỏ án phạt cho cô.

Sau này, Caprio lý giải: Alyssa được tha vì thứ nhất, như Alyssa đã giải thích, thời điểm cô bị bắn tốc độ là lúc cô giảm ga sau khi nhìn thấy biển giới hạn. Thứ hai, cô đã dành hai phút tạo sự chú ý đặc biệt cho cả khán phòng. Việc đó có thể xem như lao động công ích.

Những phiên xử của vị thẩm phán 85 tuổi luôn đặc biệt như vậy, tới mức em trai ông khuyên ông nên làm… một chương trình truyền hình.

Pháp luật và lòng trắc ẩn -0
Caprio ở tuổi 85 vẫn duy trì công việc của thẩm phán.

Nụ cười và nước mắt

Và điều đó trở thành hiện thực. Bắt đầu lên sóng truyền hình từ năm 2018 đến nay, Caught in Providence (tạm dịch: Bị bắt ở Providence) là một chương trình thực tế với Caprio là diễn viên kiêm thẩm phán. Mỗi lần ghi hình đều là một phiên xử thật, được ghi lại trong hồ sơ tố tụng của chính quyền hạt Providence. Cứ mỗi khi Caprio xuất hiện là một lần mọi người được chứng kiến phong cách xử án "không giống ai" của ông.

Tuy nhiên, không cần đến máy quay, Caprio đã luôn xét xử theo hướng thấu tình đạt lý kể từ ngày đầu tiên ông trở thành thẩm phán hạt Providence. Nếu như câu chuyện Alyssa Supriano trồng cây chuối trong phòng xử án khiến ai cũng phải bật cười, thì không ít lần Caprio làm tất cả bật khóc. Vị thẩm phán 85 tuổi thường xuyên gây bất ngờ cho các bị cáo, bởi ông rất chăm chú lắng nghe câu chuyện họ nói.

Tháng 8 vừa rồi, Yanelle Goran phải hầu tòa lần đầu tiên trong đời ở hạt Providence vì lỗi đỗ xe qua đêm bốn lần trong tháng. Cô gái trẻ không thanh minh gì về lỗi lầm mình mắc phải, bởi cô biết việc mình làm là phạm pháp. Yanelle chỉ yêu cầu thay vì phải đóng tiền phạt ngay lập tức, liệu tòa có thể hoãn sang tháng 10 cho cô được không.

"Xe của tôi chưa đăng ký, thế nên chưa thể thanh toán tự động. Kính mong tòa hoãn nộp phạt đến tháng 10 bởi đó là lúc tôi bắt đầu đi làm và có lương", Yanelle nói. Trao đổi thêm với cô gái trẻ, Caprio mới biết Yanelle là một bà mẹ đơn thân có cô con gái mới 10 tháng tuổi. Trong lúc Yanelle hầu tòa, cô phải để con gái ở nhà mà không có ai chăm sóc.

Caprio truyền đạt từng lời đến bồi thẩm đoàn để tìm giải pháp cho trường hợp của Yanelle. "Tôi chắc chắn không thể một mình nuôi con, nhất là một đứa nhỏ mới 10 tháng tuổi. Cô ấy đang lâm vào cảnh bần cùng", vị công tố viên có tên Quinn trả lời ông. Lúc này, Yanelle mới biết phiên tòa được phát sóng và gây quỹ trực tiếp để mọi người có thể giúp đỡ cô. Từ chỗ tưởng như phải nộp phạt 400 USD, Yanelle có 50 USD mang về từ những nhà hảo tâm tại tòa.

Tài và tâm

Caprio từng bảo: "Dưới tấm áo choàng thẩm phán của tôi không có huân chương nào cả. Tôi chỉ có một trái tim".

Tầm nhìn của Caprio từ lâu đã vượt qua những phiên xử đơn thuần. Tại sao mọi người lại mắc lỗi? Họ thật sự cố tình hay chỉ vô ý vi phạm? Liệu có câu chuyện nào đằng sau việc họ vi phạm hay không? Làm thế nào để mọi người không tái phạm lỗi họ từng mắc phải?

Trên thực tế, không phải phiên tòa nào Caprio phân xử cũng có những bị can thân thiện như Alyssa và Yanelle. Một vài người biết mình có thể xuất hiện trên truyền hình, nên họ cố "diễn", giải thích tình cảnh vi phạm giao thông theo cách lâm ly bi đát. Tuy nhiên, chẳng lời nói dối nào có thể qua mắt Caprio. Nếu một bị can nói họ vượt đèn đỏ do tín hiệu đèn giao thông quá khó nhận biết, luôn có một máy quay ghi lại vụ việc để kiểm chứng cùng bồi thẩm đoàn.

Vậy đâu là lý do khiến Caprio luôn cố gắng thực hiện bản án "giơ cao đánh khẽ"? Vị thẩm phán già quan niệm: Hình phạt không phải cách phù hợp để yêu cầu người dân tuân thủ luật lệ. Việc giáo dục họ, giúp họ nhận ra sai lầm có thể mang đến hiệu ứng tích cực hơn. Trên thực tế, hạt Providence là một trong những nơi có tỷ lệ vi phạm giao thông thấp nhất nước Mỹ, và hình phạt cũng không quá nghiêm khắc.

Quan trọng hơn cả, Caprio tin rằng tình thương yêu có thể lan tỏa bằng cách thấu hiểu và cho đi. Ở cuối phiên xử bà mẹ đơn thân Yanelle, Caprio đã nói: "Tôi và những nhà hảo tâm không giúp đỡ cô vô điều kiện. Hãy luôn nhớ: Nếu một ngày nào đó cô thoát khỏi khó khăn, hãy quay lại giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Dù sao cô chắc chắn sẽ làm điều đó, phải không?"