Pháp luật & chất lượng thực thi

Thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có nhiều bước tiến đổi mới, đạt được nhiều thành tựu, dần tiệm cận chuẩn mực quốc tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Quốc hội, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ luôn xác định việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội, Chính phủ hiện ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về hoàn thiện xây dựng thể chế. Ảnh: Đức Hoàng
Quốc hội, Chính phủ hiện ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về hoàn thiện xây dựng thể chế. Ảnh: Đức Hoàng

Hệ thống pháp luật đồ sộ và phức tạp

Từ năm 1998 đến nay, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung nhiều lần theo hướng ngày càng minh bạch và cởi mở hơn, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của Nhà nước ngày càng quan trọng và rõ nét hơn. Quy trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng được đổi mới, tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ, nâng cao trách nhiệm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ tính riêng việc để thực hiện Luật Đất đai 2013, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ đã ban hành đến 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, bảy nghị định sửa đổi, bổ sung và hai nghị định ban hành thay thế); các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư và thông tư liên tịch, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư. Chính vì tính phức tạp như vậy nên quá trình thực hiện Luật rất khó khăn.

Hệ thống pháp luật đồ sộ đã làm giảm tính ổn định và dự đoán được trong thực thi văn bản pháp luật của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành các cuộc điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp trong cả nước. Kết quả cho thấy, khó khăn nhất với doanh nghiệp nhỏ là tiếp cận nguồn lực kinh doanh như vốn, đất đai, mặt bằng kinh doanh, thị trường khách hàng… trong khi với doanh nghiệp lớn, khó khăn lớn nhất là rủi ro về thay đổi chính sách cùng với thủ tục hành chính.

Sự phức tạp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta đã và đang dẫn đến nhiều vấn đề lớn trong quá trình thực thi. Trước hết, đó là tình trạng chồng chéo và xung đột pháp luật. Nhiều luật/bộ luật cùng điều chỉnh một lĩnh vực, mỗi luật lại có các nghị định, thông tư hướng dẫn cùng các quy trình thủ tục hành chính. Điều lo ngại là các quy định và quy trình này lại xung đột, chưa thống nhất, tạo ra nhiều khó khăn cho nhà đầu tư và các cơ quan hành chính cấp cơ sở. Một nghiên cứu rà soát mà VCCI thực hiện cuối năm 2019 cho thấy, chỉ tính trong nhóm thủ tục liên quan đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đã có ít nhất 25 điểm chồng chéo giữa các đạo luật. Tình trạng này đã tạo nên sự đình trệ của nhiều dự án đầu tư tại các địa phương.

Một vấn đề lớn khác trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay là thiếu một góc nhìn lợi ích chung của Nhà nước: Hiện nay, mỗi bộ, ngành đều xây dựng luật, nghị định từ góc nhìn quản lý của mình, chưa có cơ quan chủ trì đánh giá dựa trên lợi ích chung của cả nền kinh tế-xã hội. Việc đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện và khách quan chưa phổ biến. Theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo (thường là một bộ, ngành) đóng vai trò chính. Các thành viên khác dù có thể đại diện nhiều nơi, nhiều tổ chức nhưng chưa có vai trò quan trọng.

Cải thiện chất lượng thực thi

Để quá trình thực thi tốt, trong thời gian tới, có nhiều việc cần phải làm nhưng trong đó, việc đặc biệt quan trọng là cải thiện chất lượng quy định pháp luật. Đây là mệnh lệnh từ cuộc sống, là nhu cầu của các doanh nghiệp và người dân. Việt Nam cũng đã tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có nhiều cam kết cao về chất lượng và sự tin cậy của hệ thống pháp luật, về môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi. Quốc hội, Chính phủ hiện cũng đặt ra yêu cầu cao về hoàn thiện xây dựng thể chế.

Thời gian tới cần phải thực hiện các giải pháp như: thường xuyên rà soát và loại bỏ những quy định không thuận lợi, gây khó khăn, phiền hà; tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh. Việt Nam cần tiếp tục có nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hơn nữa. Vì vậy, việc soạn thảo quy định cần triệt để chống việc cài cắm lợi ích: Tách bạch soạn thảo và cấp phép, có sự rà soát của cơ quan phòng, chống tham nhũng; tích cực chống chồng chéo pháp luật, có cơ chế đánh giá, loại bỏ chồng chéo, xung đột biểu hiện "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách"; tăng cường công khai, minh bạch lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân khi xây dựng chính sách, pháp luật; tính toán đầy đủ chi phí lợi ích khi ban hành các quy định pháp luật...

Hệ thống quy định pháp luật Việt Nam hiện đã khá đồ sộ và tương đối phức tạp. Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến 20/7/2020, chúng ta có 112 luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội; 645 nghị định của Chính phủ, 232 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2.532 thông tư cấp bộ. Như vậy, hiện nay, một luật kèm theo trung bình 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25,8 thông tư cấp bộ…