Ông Sin bí thư & cây hoa hồng

“Păng Ting Sin được tín nhiệm làm bí thư chi bộ bốn nhiệm kỳ rồi, nó là người nổi tiếng về sản xuất hoa hồng dưới chân núi Langbiang này”, Krajăn Mơ, người có uy tín ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng nói, khi tôi hỏi thăm về Bí thư chi bộ Tổ dân phố Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương.

Ông Păng Ting Sin (trái) trò chuyện cùng tác giả trong vườn hoa hồng của gia đình.
Ông Păng Ting Sin (trái) trò chuyện cùng tác giả trong vườn hoa hồng của gia đình.

Theo lời ông Krajăn Mơ thì Păng Ting Sin gọi ông bằng chú, nhà hai người chỉ cách nhau con đường nhựa. “Xưa, ở những buôn làng người Cơ Ho Lạch nơi đây được đi học cái chữ, rồi làm ông giáo như Păng Ting Sin hiếm lắm, nên nó được xem là “đôi mắt” của dân làng, ai không rõ cái gì thường đến hỏi nó. Sau này, khi lấy vợ, nó theo vợ và chuyển sang làm nông. Păng Ting Sin là người đầu tiên trong đồng bào dân tộc ở đây trồng cây hoa hồng thương phẩm”, ông Mơ kể.

Không khó để tìm nhà Păng Ting Sin, người nổi tiếng ở vùng đất hơn 70% là người dân tộc thiểu số bản địa sinh sống này. Trong ngôi nhà khang trang ở trung tâm thị trấn, Păng Ting Sin và con trai cả Rơ Ông Krin (mang họ mẹ, người Cơ Ho theo chế độ mẫu hệ - PV) đang kết nối lại hệ thống điều khiển, tưới vườn từ xa. “Làm nông nghiệp giờ sướng thế đó, không như trồng cây lúa nước một vụ trước đây của cha ông, cực mà cũng chẳng đủ ăn”, ông Sin mở lời.

- Anh nổi tiếng thiệt, hỏi nhà ông Sin bí thư hoặc ông Sin hoa hồng dân làng đều biết! - Tôi gợi chuyện. “Với bà con buôn làng, mình có tiếc gì đâu, biết gì thì chỉ lại cho họ, nên nhiều người tin tưởng, quý mến thôi”, Păng Ting Sin cười hiền.

Như bắt được mạch nguồn, Păng Ting Sin kể, ông vốn xuất thân là nghề giáo, rồi rẽ ngang làm nông nghiệp như cơ duyên. Năm 1987, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt và được bố trí dạy tiểu học ở phân trường Păng Tiêng, huyện Lạc Dương, sau đó được “rút” về phụ trách mảng thiết bị trường học ở phòng giáo dục huyện. Hai năm sau, ông trở lại công tác tại phân trường Păng Tiêng với vai trò phó hiệu trưởng. “Năm 1990, Rơ Ông Gly “bắt chồng”, mình theo vợ về làm nông phía chân núi Mẹ Langbiang”, ông Sin thổ lộ.

Huyền thoại kể rằng, xưa, núi Langbiang trong dãy Bidoup - Núi Bà là đồi trọc. Do K’Srai trừng phạt những người không tốt bụng. Cư dân vùng này làm rẫy thì bị nhổ hết cây và trồng ngược ngọn xuống đất, cỏ gai mọc um tùm. Từ đó, vùng này gọi là “lạch”, nghĩa là đồi trọc. “Đây là vùng đất thiêng, nhưng cư dân thì nghèo khó, bởi cảnh du canh, du cư và chỉ quẩn quanh với cây lúa nước. Giờ thì khác nhiều lắm rồi. Nhất là từ khi buôn làng từ thôn “lên” tổ dân phố cách đây hơn 15 năm...”, ông Păng Ting Sin nói. “Lạch” là đồi trọc, “Đơng (Dơng)” là cánh đồng. Nhưng giờ là những cánh đồng rau, hoa công nghệ cao thay cho cây lúa nước. “Chuyện xưa không kể hết, giờ bà con đang chung sức để xây dựng đô thị văn minh”, Păng Ting Sin nói.

Năm 2010, Păng Ting Sin bén duyên với hoa hồng, là người tiên phong mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị trấn Lạc Dương. Ông kể, khi mới làm quen với cây hoa hồng, nhiều thứ với ông đều mới mẻ, từ kỹ thuật canh tác, nguồn vốn đầu tư thiết bị, nhà kính, rồi nhân công, tìm kiếm thị trường... Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu tài liệu, mạnh dạn cầm “sổ đỏ” vay vốn, kết nối thị trường, đã mang lại kết quả khả quan và “ông Sin hoa hồng” đã được mang danh từ đó. “Công nghệ giờ đã có con trai lo liệu; nhân công mình thuê “cứng” bốn người, trả lương bảy triệu mỗi tháng; đầu ra ký kết hợp đồng theo năm. Giờ chỉ chăm cho cây ra hoa chất lượng để đạt giá cao nhất”, ông Sin cho hay.

Rơ Ông Krin học công nghệ thông tin, anh ra trường và đã có việc làm ở TP Hồ Chí Minh, nhưng nhìn thấu dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở quê nhà, Krin quyết định trở về buôn làng, cùng cha “nâng tầm” cây hoa hồng dưới chân núi Langbiang.

12- san xuat nncnc tai huyen lac duong.jpg -0
 Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng.

Nam Tây Nguyên mùa nắng lạnh. Dẫn tôi đi thăm vườn hoa hồng của gia đình, Păng Ting Sin kể: “Đây là mảnh vườn hơn 0,5 ha trước đây trồng lúa nước của cha mẹ để lại, giờ mình mua thêm, mở rộng lên 2 ha và chia cho Krin một ít. Tất cả đều làm nhà kính, quy trình sản xuất hoa hồng khép kín, có hệ thống tưới nước và bón phân tự động. Hàng năm, trừ chi phí, bình quân lợi nhuận hơn một tỷ đồng”. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm và có chút “của ăn, của để” sau nhiều năm theo nghiệp hoa hồng, cùng sự chỉ dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp địa phương, giờ đây, những bông hồng của “ông Sin bí thư” đã vượt núi, vươn ra thị trường rộng lớn. Tại Festival hoa Đà Lạt 2015, Păng Ting Sin là một trong 126 gương mặt trồng hoa tiêu biểu được tôn vinh.

Qua hơn mười năm gắn với nghiệp hồng hoa, khi đã chắt chiu được chút vốn liếng, kinh tế gia đình khá giả, cùng với trọng trách “người dẫn đường” cho buôn làng theo Đảng, Păng Ting Sin quyết tâm giúp đỡ bà con dân làng thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu bằng chính hoa hồng. Hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi Langbiang đã mạnh dạn học hỏi, làm theo tấm gương Păng Ting Sin mà cuộc sống trở nên khấm khá. “Nhờ anh Sin giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực tế, mình mới dám chuyển sang canh tác trong nhà kính. Giờ không lo cái ăn, cái mặc nữa, chỉ mong con cái học hành thành đạt”, anh Păng Ting Diệp chia sẻ.

Không những là nông dân sản xuất giỏi, Păng Ting Sin còn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ tổ dân phố nay đã bốn nhiệm kỳ. “Trong hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thị trấn vừa qua, Chi bộ tổ dân phố Bon Đơng 1 làm tiểu phẩm chủ đề: “Người dân tộc thiểu số nói không với cái nghèo”, đó chính là hình ảnh mô hình sản xuất của Bí thư Păng Ting Sin”, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Dương Bùi Văn Thụy cho biết. Qua những mô hình “điểm” như thế, giờ đây, tư duy làm nông nghiệp công nghệ cao đã lan tỏa mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Với các nhà nông công nghệ cao như Kră Jăn Théo, Cil Nôm, Cil Mup Noa, Păng Ting Kris..., Lạc Dương đã trở thành vùng trồng hoa hồng có tiếng của tỉnh Lâm Đồng và thương hiệu “Hoa hồng Langbiang” đang được huyện thực hiện thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ. Có lẽ, “nội hàm” của thương hiệu đó, có những giọt mồ hôi và công sức của những người con dân tộc Cơ Ho dưới chân núi Mẹ!

Bí thư Păng Ting Sin cho rằng: “Phải thấu hiểu cuộc sống của bà con buôn làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng, là cán bộ, đảng viên thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước. Nhưng muốn làm gương thì phải có kiến thức, phải hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quan trọng là chọn “kênh” tuyên truyền, phổ biến phù hợp”.

Tổ dân phố Bon Đơng 1 có 267 hộ, hơn 90% là bà con đồng bào Cơ Ho bản địa. Với vai trò bí thư chi bộ, Păng Ting Sin luôn đau đáu về sự đổi thay của dân làng. Ông bảo: “Cái bụng mình muốn mọi người hỗ trợ nhau phát triển, đừng trông chờ ỷ lại. Phải phấn đấu vươn lên làm giàu”. Nghĩ là làm, anh đã chắt chiu thời gian để trực tiếp giúp đỡ các nông hộ canh tác hoa hồng, kết nối thị trường và vận động bà con tham gia kinh tế hợp tác để ổn định đầu ra. Song song chuyện phát triển kinh tế, Păng Ting Sin luôn quan tâm vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Chiều buông, những cánh chim C’rao tung cánh giữa đại ngàn. Trong khu nhà kính dưới chân Langbiang huyền thoại, những nụ hồng của “ông Sin bí thư” đang chúm chím đợi xuân...