Chính sách-Cuộc sống

CHỐNG LÃNG PHÍ: MỘT HÀNH TRÌNH BẮT ÐẦU TỪ TƯ DUY

Chống lãng phí không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị và đạo đức, đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành động.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án ngăn triều với tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng ở TP Hồ Chí Minh sau hơn 8 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành. Ảnh | THẾ ANH
Dự án ngăn triều với tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng ở TP Hồ Chí Minh sau hơn 8 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành. Ảnh | THẾ ANH

Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với thách thức về tài nguyên hạn hẹp và nhu cầu phát triển bền vững, việc xây dựng triết lý chống lãng phí là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thịnh vượng lâu dài.

Triết lý đầu tiên là nhận thức rằng không có tài nguyên nào là vô tận. Dù đất nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng quản lý yếu kém, sử dụng không tối ưu có thể dẫn đến những tổn thất không thể bù đắp. Chúng ta đã chứng kiến sông bị ô nhiễm, rừng bị tàn phá và đất đai bị bỏ hoang, phản ánh tình trạng lãng phí làm cho tài nguyên bị suy kiệt.

Triết lý thứ hai là trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Tài nguyên hôm nay không chỉ của thế hệ hiện tại, mà còn là tài sản chung của con cháu mai sau. Lãng phí tài nguyên chính là đánh đổi cơ hội của tương lai. Vì vậy, mọi chính sách, từ đầu tư công đến sử dụng ngân sách, cần đặt trọng tâm vào hiệu quả lâu dài thay vì chỉ chú trọng thành quả ngắn hạn.

Triết lý thứ ba, thời gian và cơ hội là những nguồn lực dễ bị lãng quên nhưng lại quý giá nhất. Trong quản trị công, thủ tục hành chính phức tạp, các cuộc họp không hiệu quả hay dự án bị đình trệ đều là biểu hiện của lãng phí thời gian và cơ hội. Thời gian là tài sản quý giá, mỗi phút giây bị lãng phí không chỉ làm chậm tiến trình phát triển mà còn mất đi những giá trị vô hình mà chúng ta không thể đo đếm.

Lãng phí cơ hội cũng là một dạng lãng phí nguy hiểm. Những chính sách chậm trễ, sự không kịp thời trong cải cách hành chính hay thu hút đầu tư có thể khiến đất nước mất đi cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế. Do đó, việc tối ưu hóa quy trình, tinh giản thủ tục và đưa ra các quyết định nhanh chóng, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết để chống lãng phí trong quản lý nhà nước.

Triết lý thứ tư, minh bạch và trách nhiệm giải trình là công cụ hữu hiệu nhất để chống lãng phí. Những dự án không hiệu quả, các khoản chi tiêu không được kiểm soát chặt chẽ và tình trạng tham nhũng đều làm xói mòn tài sản công và niềm tin xã hội. Mọi quyết định sử dụng tài nguyên phải được công khai, giám sát và có trách nhiệm rõ ràng. Triết lý này cũng giúp nâng cao niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, bởi nó bảo đảm rằng nguồn lực công được sử dụng đúng mục đích và mang lại giá trị thiết thực. Việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình không chỉ ngăn ngừa lãng phí, mà còn góp phần tạo động lực để các cá nhân và tổ chức hành động hiệu quả hơn.

Triết lý thứ năm, lợi ích toàn xã hội là mục tiêu tối thượng. Mọi nguồn lực quốc gia đều phải phục vụ lợi ích chung. Lãng phí không chỉ là tổn thất kinh tế, mà còn làm suy giảm sự công bằng xã hội, khi những nguồn lực đáng lẽ phải phục vụ cộng đồng lại bị sử dụng sai mục đích. Những dự án kém hiệu quả, chi tiêu không hợp lý vừa làm mất đi nguồn lực, vừa tạo ra cảm giác bất công và làm giảm niềm tin vào chính quyền.

Vì vậy chống lãng phí không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề đạo đức nhằm bảo đảm rằng mọi nguồn lực đều được sử dụng để mang lại lợi ích lớn nhất cho số đông, đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và tham gia tích cực của người dân.

Không thể chỉ dừng lại ở lời nói hay khẩu hiệu, khi triết lý chống lãng phí được thấm nhuần trong tư duy của mỗi cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân, sẽ được chuyển hóa thành những hành động cụ thể, từ việc tiết kiệm trong công sở, tối ưu hóa sản xuất trong doanh nghiệp đến giảm thiểu rác thải trong gia đình. Những hành động thực tế này cần được hỗ trợ bởi các chính sách và thể chế phù hợp. Chính quyền cần cải cách mạnh mẽ để loại bỏ những rào cản gây lãng phí, từ thủ tục hành chính phức tạp đến cơ chế quản lý không hiệu quả. Đầu tư vào giáo dục và nâng cao ý thức xã hội về chống lãng phí cũng là yếu tố quan trọng để duy trì sự bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chống lãng phí không chỉ là một nhiệm vụ quốc gia, mà còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Khi mọi nguồn lực được sử dụng hiệu quả, đất nước sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường sức mạnh kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, chống lãng phí ở tầm triết lý giúp định hình tư duy và hành động cho một xã hội bền vững, nơi giá trị thực chất được đề cao và mỗi nguồn lực đều được trân trọng. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt, mà còn là chiến lược lâu dài để Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường phát triển thịnh vượng.