Nước mắt sau những công trình

NDO - Phần lớn họ là nông dân nghèo khó, quanh năm tay cuốc tay cày. Khi đất ruộng bị thu hẹp, vào những dịp nông nhàn họ lại rủ nhau bỏ quê đi "bán sức" ở những công trường xây dựng. Tại đây các tai nạn như ngã giàn giáo, điện giật, cháy nổ... xảy ra thường xuyên. Nhẹ thì bị thương, nặng thì tàn phế, thậm chí có người bỏ mạng...
Mỗi khi nhớ đến chồng, nước mắt chị Ðiển lại rơi.
Mỗi khi nhớ đến chồng, nước mắt chị Ðiển lại rơi.

Khi "trụ cột" gặp nạn

Mất đi khi tuổi đời còn quá trẻ và nhiều ước mơ, Nguyễn Tiến Sang (con ông Nguyễn Tiến Ðê - thôn Dươi, xã Ðoàn Thượng, Gia Lộc, Hải Dương) để lại người vợ và đứa con nhỏ lâm vào cảnh nheo nhóc. Cho đến giờ chị Lê Thị Ðiển, vợ anh Sang vẫn chưa nguôi những đớn đau và mất mát, nhưng phải gắng gượng làm lụng nuôi con. Bề ngoài, chị cố tỏ ra cứng rắn và lấy việc làm ruộng, chăm sóc đầm ao thả cá để vợi bớt nỗi đau, nhưng cứ ai nhắc đến chồng là nước mắt lại trào. "Từ cuối năm 2011, em ở nhà trông đầm để lấy tiền về sửa mái nhà cho khỏi nóng, anh ấy đi làm thợ xây rồi chẳng may bị thiệt mạng. Hai chúng em chưa bao giờ cãi nhau hay giận hờn, em cũng nghĩ lúc nào đó thử hờn dỗi cho biết cảm giác, ai ngờ chưa kịp giận nhau một lần thì đã...".

Anh Sang sinh năm 1979, chị Ðiển sinh năm 1981 tại Lang Chánh (Thanh Hóa), gần chục năm trước do cùng làm trong một công ty ở Bình Dương nên hai người quen nhau. Tình yêu nảy nở, họ cưới nhau nơi đất khách quê người và cố gắng bám trụ lại đây để mưu sinh. Năm 2007, ông Ðê bố anh Sang gọi hai con về, giao cho một mẫu đầm ao để làm ăn. Sang là người tham việc, lúc ngơi tay là giao đầm ao cho vợ, còn mình theo các tổ công nhân tự phát "bán sức" cho các công trình xây dựng. Ông Nguyễn Tiến Ðê cho biết, trong vụ sập giàn giáo tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Ðông - Hà Nội) hôm 21-2-2012 có năm nạn nhân thì con ông "xấu số" nhất.

Nạn nhân nặng thứ hai của vụ tai nạn này là anh Phạm Văn Toàn (thôn Nội, xã Toàn Thắng, Gia Lộc), người bị gãy xương đùi, bốn xương sườn và đa chấn thương đến nay vẫn phải điều trị. Hôm xảy ra tai nạn, anh Toàn và các công nhân khác được đưa vào Quân y viện 103. Tại đây Toàn được các bác sĩ tận tình cứu chữa, sau ba tuần được chuyển sang Bệnh viện Ðiều dưỡng, tròn năm tháng thì "về nhà vợ chăm". Qua trò chuyện, đến giờ anh Toàn vẫn phải tập đi, chiếc đinh nẹp còn nằm trong đùi chưa biết ngày nào tháo ra, sức khỏe sẽ bị giảm sút nhiều phần. Toàn khéo tay, trước khi đi làm "lính" đã từng tổ chức một tốp thợ nhận làm vài công trình nhỏ. Khi công việc khó khăn, Toàn theo ông Phạm Văn Lại người cùng xã, làm công nhân của các công trình lớn, được vài tháng thì gặp nạn.

Vài tháng qua, ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tại các công trình xây dựng, khiến cho nhiều "trụ cột" gia đình thiệt mạng. Thật xót xa và thương tâm.

Mồ hôi mà đổ... công trình

Leo lên một công trình xây dựng dở dang ở quận Hà Ðông giữa lúc "đội quân xây dựng" đang ăn trưa. Người lớn tuổi nhất trong đội là anh Phạm Năng Tuấn (43 tuổi, quê Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình) cầm đầu một lô lốc toàn các cháu đi khắp các công trình cả trong nam, ngoài bắc. Anh cho biết: "Tôi có thâm niên 15 năm trong nghề, đi khắp nơi, ăn ở lán trại, thậm chí ở ngay tại công trường, chấp nhận bẩn thỉu, hôi hám, thiếu thốn đủ thứ chỉ để có tiền gửi về đỡ vợ nuôi con. Ði nhiều cũng đã mỏi chân, tôi ước có thể được làm việc ổn định ở một công ty nào đó nhưng thật khó. Nhà bốn con, vợ làm ruộng, tiền công mỗi ngày được hơn trăm nghìn, tuy rẻ mạt nhưng nếu cai thầu trả sớm còn đỡ, chứ bị ăn quỵt thì khổ lắm. Nắng nôi, mưa gió vẫn phải đu mình trên giàn giáo. Nói chung đã xác định làm nghề thì phải chịu đựng uống mồ hôi trên mặt mình chảy xuống". Cũng theo anh Tuấn, quê hương anh có nhiều "đội quân xây dựng" tự phát tung hoành ở nhiều nơi, nhưng vướng phải lúc thị trường bất động sản đóng băng, ảnh hưởng đến xây dựng, công nhân bị quỵt hoặc chậm trả lương nhiều, cuộc sống đã khổ lại càng khốn khó hơn.

Ấy vậy, dù biết đó là nghề "ăn công trình, ngủ công trình" nhưng nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, có sức vóc nên đã chấp nhận dấn thân, thậm chí có người bị bệnh tim vẫn chấp nhận làm việc trên cao. Phía sau họ là gánh nặng gia đình, là sự trông đợi của người thân...

Giữ giá cho ước mơ

Ở xã Toàn Thắng có hơn 30 tổ thợ xây dựng tự phát, trong đó thôn Bái Hạ có tới hơn 10 tổ, với khoảng 200 người. Họ thực chất là những người nông dân chỉ quen cày cuốc muốn kiếm thêm tiền cải thiện cuộc sống gia đình nên đã tìm đến những công trình xây dựng. Tổ thì xây dựng nhà cửa cho cá nhân, tổ khác tìm ra thành phố nhận làm công cho những chủ thầu phụ (chủ thầu phụ lại được chủ thầu lớn hơn thuê) và chịu biết bao khổ cực.

Qua khảo sát, nhiều địa phương ở Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa... cũng có những tổ công nhân tự phát bán sức ở khắp nơi. Ða số họ làm việc theo sự chỉ đạo của các cai thầu (các doanh nghiệp xây dựng khoán trắng việc tuyển dụng cho cai thầu) nên hình thức kiểm tra sức khỏe hết sức sơ sài hoặc chỉ làm cho có hình thức. Người lao động cũng chẳng được ký hợp đồng lao động nên khi xảy ra tai nạn chỉ được hỗ trợ ít tiền, rồi... tự thân phải lo!

Vợ chồng ông Ðê khóc con, chị Ðiển khóc chồng và biết bao dân nghèo "hiến" người thân cho công trình, để những tòa cao ốc mọc lên. Làm sao để công nhân xây dựng làm việc trong an toàn là điều không dễ. Chừng nào các cơ quan chức năng chưa có cơ chế chặt chẽ trong quản lý xây dựng, các nhà thầu không quan tâm đến an toàn ở các công trình thì khi đó vẫn còn những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

* Ông Phạm Văn Thép - Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng:Nhiều người thấy làm xây dựng thu nhập khá hơn làm ruộng, nên để ruộng cho vợ chăm nom, còn mình đi "bán sức", có khi cả năm mới về nhà. Do cá nhân không biết cách bảo hộ tính mạng, không được hướng dẫn về an toàn lao động hoặc chủ công trình "không chịu đầu tư" nên năm nào địa phương cũng có người bị tai nạn.