Dè dặt mô hình “gần dân”
Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) là phường đi đầu trong việc triển khai “khu dân cư, tổ dân phố điện tử” với cách thức khá mới: Sử dụng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư và đặt máy tính kết nối in-tơ-nét, cử người trực hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể là Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 6, phường Hạ Đình, có cán bộ hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3). Tại đây còn có máy scan, máy in để người dân in sao các giấy tờ cần thiết trong quá trình làm thủ tục. Ông Trần Văn Thức, người dân phường Hạ Đình chia sẻ: “Trước đây để làm các thủ tục liên thông với cấp quận (48 thủ tục hành chính mức độ 3), người dân phải đến trụ sở UBND phường ít nhất hai lần (khai nộp thủ tục và nhận kết quả). Điều đó gây khó khăn cho người dân vì chỉ thực hiện được trong giờ hành chính, nếu tôi đến làm thì phải nghỉ việc. Theo mô hình này, bộ phận “một cửa” của phường đã về tận nơi dân ở. Ai có nhu cầu chỉ cần đến Nhà sinh hoạt cộng đồng khai thủ tục, tới ngày hẹn trả kết quả mới phải đến UBND phường, tiện lắm!”.
Sau những kết quả đạt được từ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai tại Khu dân cư Hapulico (phường Thanh Xuân Trung). Tuy nhiên từ đó đến nay việc triển khai mô hình này khá dè dặt. Tìm hiểu ở các địa bàn khác, như tại quận Hoàng Mai, mô hình này mới manh nha thực hiện ở phường Đại Kim. Nhiều quận khác vẫn đang thăm dò. Thừa nhận việc ứng dụng CNTT chưa đáp ứng được đòi hỏi công việc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thừa nhận: “Tiến độ triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, giải quyết TTHC còn chậm, chưa có đột phá. Phần mềm quản lý tiếp nhận, giải quyết TTHC còn một số lỗi”.
Còn ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Nội vụ (UBND quận Hoàng Mai), cho biết: Đa số công dân trong độ tuổi thạo sử dụng máy tính thì đi làm, còn người đến làm TTHC phần lớn là người già, có tuổi, không thạo CNTT. Như vậy thì cán bộ phải là người hướng dẫn, thậm chí làm thay cho người dân.
Theo ông Kỳ và ngay cả các lãnh đạo quận Thanh Xuân chia sẻ, thì việc triển khai “khu dân cư, tổ dân phố điện tử” rất hiệu quả, người dân hài lòng vậy, vì sao chưa được nhân rộng? Không ít cán bộ phường và chuyên gia cho rằng, việc đưa cán bộ và công nghệ đến gần dân cũng chưa phải là cách hay, trước mắt mới làm người dân hài lòng, còn cán bộ thì phải căng mình ra. Một cán bộ phường xin giấu tên chia sẻ: “Nếu mỗi phường bố trí ba điểm ở ba khu dân cư thôi, thì người đâu ra để trực dưới đó? Vậy còn ai giải quyết việc ở phường?”.
Tính toán yếu tố lâu bền
Cũng phải thừa nhận, từ cấp thành phố Hà Nội tới các phường, quận, huyện đã nỗ lực trong áp dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Song đó mới chỉ dừng ở việc đầu tư máy móc và đào tạo “công chức điện tử”. Lâu dài hơn, người dân là đối tượng phục vụ, đối tượng để cơ quan Nhà nước hướng đến và cải cách TTHC, thì chính họ phải được đào tạo, tuyên truyền để trở thành những “công dân điện tử”, giống như cách “cho cần câu chứ không cho cá”.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay: “Nhà nước cần xây dựng, thực hiện các chương trình truyền thông, đào tạo để người dân hiểu và có khả năng sử dụng in-tơ-nét cũng như dịch vụ công trực tuyến; tập trung xây dựng các dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân; các dịch vụ này cần đơn giản dễ thực hiện và đặc biệt là phải có hướng dẫn chi tiết cụ thể để người dân có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi”.
Cũng theo ông Phúc và nhiều chuyên gia, dù nhiều người dân có tuổi, thiết bị điện tử thông minh, nhưng không phải ai cũng có thói quen truy cập vào kê khai, thực hiện dịch vụ trực tuyến. Bởi thế, đây là quá trình lâu dài đòi hỏi phải nỗ lực đào tạo, khích lệ, tạo thói quen thay đổi cho người dân. Cơ quan chức năng cần cài đặt phần mềm phục vụ tốt, ít thao tác, có tính bảo mật cao, và rút ngắn tới mức tối đa thời gian giải quyết hồ sơ so với thực hiện thủ công.
Một trong những mô hình cần được nhân rộng tại quận Thanh Xuân chính là việc đào tạo học sinh lớp 8 trên địa bàn quận thành những tuyên truyền viên nòng cốt trong tuyên truyền dịch vụ hành chính công trực tuyến. Hay một số phường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ đoàn để giúp hướng người dân đăng ký làm các TTHC. Ngoài ra, một trong những yếu tố khá quan trọng để tạo ra những “công dân điện tử”, thì cơ quan chức năng ngoài cung cấp dịch vụ, nên có chức năng đối thoại, tương tác với người dân, để người dân được quyền bày tỏ quan điểm, phản biện trong hệ thống các Cổng thông tin của địa phương. Sự tương tác ấy không chỉ tạo nên sự gần gũi, mà còn tạo sự hào hứng khi người dân tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến.