Ðại tá Lê Văn Chương - Bộ Công an:

Cần phòng, chống quyết liệt hơn nữa

NDO - Phòng, chống mua bán người (MBN) đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thời kỳ hội nhập, tội phạm không từ bất cứ thủ đoạn nào để buôn người, thu lợi. Những thông tin của Ðại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy (Bộ Công an) giúp độc giả hiểu rõ hơn sự cam go và phức tạp trong công tác này.
Cần phòng, chống quyết liệt hơn nữa

- Dường như càng bị tiến công, truy quét mạnh, tội phạm MBN càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn để đối phó?

- Vì lợi nhuận, tội phạm không từ bất cứ thủ đoạn nào, lừa phỉnh bất kể nam hay nữ, già hay trẻ, thậm chí MBN trong bào thai, mua bán nội tạng, miễn có thể thu lợi bất chính. Năm 2012, cả nước xảy ra 475 vụ MBN, 603 đối tượng với 782 nạn nhân bị lừa bán. Nóng nhất là MBN trong nội địa, chủ yếu đưa vào động mại dâm, lừa phụ nữ ra nước ngoài dưới chiêu bài xuất ngoại tìm việc làm, bán vào các nhà chứa làm nô lệ tình dục; MBN dưới dạng xuất khẩu lao động (XKLÐ) gia tăng nhức nhối. Tại các tỉnh giáp biên giới phía bắc đã phát hiện 11 vụ bắt cóc trẻ em trong nội địa, thủ phạm thường quen thân với các gia đình khá giả, ít có điều kiện kèm cặp con cái để tống tiền. Mở cửa, hội nhập quốc tế vẫn len lỏi "làn gió độc", thất nghiệp nhiều, lối sống thực dụng, công nghệ thông tin phát triển mạnh (game, chat) trong khi quản lý Nhà nước sơ hở chính là tác nhân để nạn MBN người gia tăng.

- Ðáng báo động, MBN dưới dạng cưỡng bức lao động xuất hiện ngay trong nước, nhưng xử lý còn hạn chế?

- Ðúng vậy. Tại tuyến biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia hay ở vùng xa, hẻo lánh xuất hiện tình trạng thu gom, cưỡng bức lao động ở các điểm khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, còn gặp vướng do chưa xử lý hình sự được các đối tượng. Cần có chế tài cụ thể làm căn cứ xác định nạn nhân MBN dạng này như sử dụng lao động không có hợp đồng, sai hợp đồng, sai quy trình, công việc thỏa thuận, bắt làm thêm giờ, trả lương rẻ mạt... để không bỏ lọt tội phạm và bịt các lỗ hổng trong quản lý.

- XKLÐ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng không ít người bỏ trốn hoặc XKLÐ chỉ là trá hình đã trở thành nạn nhân của bọn MBN?

- Mỗi năm có 85 nghìn người XKLÐ hợp pháp, chưa kể bất hợp pháp. Có công ty phái cử lao động chỉ chú trọng đến chỉ tiêu mà xem nhẹ chất lượng và bảo vệ an toàn cho lao động, thậm chí "đem con bỏ chợ". Nhiều lao động tốn phí cho cò quá cao nên bỏ trốn ra ngoài làm, đối mặt rủi ro, sập bẫy bọn MBN người. Chủ lao động đưa người sang nước ngoài thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, lao động cưỡng bức và bị lạm dụng tình dục (điển hình vụ Công ty Vinastar và Garizon Open tại Liên bang Nga, đưa 100 lao động Việt Nam sang Nga cưỡng bức lao động, bị cơ quan chức năng phát hiện trục xuất về nước).

Ðể ngăn chặn người đi lao động ở nước ngoài không bị biến thành "nô lệ hiện đại", thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hành vi phạm tội MBN đang được hoàn thiện, trong đó hướng dẫn thực hiện Ðiều 3 Luật phòng, chống MBN nhằm quét hết các hành vi phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm. Cần sớm tổng kết thực hiện Nghị định 126/2007/NÐ-CP nhằm đánh giá hiệu quả đưa người XKLÐ, từ đó sửa đổi, điều chỉnh các quy định, bảo vệ quyền lợi người lao động, tránh bị xâm hại.

- Lấy chồng ngoại đi kèm không ít hệ lụy. Ðã có nhiều cô dâu Việt chết thảm nơi xứ người, minh chứng gần nhất là vụ cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc ôm hai con nhảy lầu tự tử. Những chuyện đau lòng phải chăng chỉ do nạn nhân nhìn cái lợi trước mắt mà "nhắm mắt đưa chân", đến khi "vỡ mộng" đã tìm cách giải thoát tiêu cực?

- Nhiều đối tượng lợi dụng vào Việt Nam để làm ăn, du lịch, nhưng thực chất là tìm cách môi giới phụ nữ kết hôn với người nước ngoài bằng thủ đoạn gạ gẫm, lấy lòng tin, vẽ ra viễn cảnh đổi đời. Lợi nhuận phần lớn rơi vào kẻ môi giới, gia đình cô dâu hưởng rất ít. Mức phạt thấp, không đủ răn đe, chưa đưa ra được mô hình tư vấn kết hôn, số phụ nữ đến nhờ cậy trung tâm tư vấn pháp lý không nhiều, không đăng ký kết hôn ở Việt Nam mà sang nước ngoài đăng ký rồi gửi hồ sơ về nước. Những khoảng trống đang dần được khắc phục khi ban hành Nghị định hướng dẫn thay thế Nghị định 68 và 69 về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Riêng Việt Nam và Hàn Quốc đang xây dựng một số thỏa thuận về thủ tục pháp lý trong việc kết hôn giữa người mang quốc tịch hai nước...

- Con số bắt giữ vẫn chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm"?

- Năm 2012, cả nước khám phá 428 vụ, bắt 724 đối tượng MBN. Số vụ bắt giữ chủ yếu từ đơn thư tố giác và chỉ là "bề nổi", vì đây là tội phạm ẩn, chưa có lực lượng chuyên trách đấu tranh, thiếu phương tiện, nhân lực. Trong khi đó, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài nên không có điều kiện xác minh, điều tra mở rộng án; thiếu hành lang pháp lý, một số bộ, ngành quan niệm phòng, chống MBN là nhiệm vụ của công an, phối hợp còn chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.

Không thể bắt xuể tội phạm nếu không phòng tốt. Giải pháp bền vững vẫn là tăng cường giáo dục phổ biến pháp luật (ở vùng sâu, vùng xa hiện nay hiệu quả còn thấp), hỗ trợ nạn nhân hòa nhập, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm.

- Liệu nạn nhân MBN trở về có nguy cơ tái trở thành nạn nhân?

- Năm 2012, lực lượng chức năng giải cứu 502 nạn nhân, tiếp nhận thông qua trao trả 204 nạn nhân, 218 nạn nhân tự trở về. Thống kê hằng năm cho thấy, chỉ hơn 30% được hỗ trợ chế độ chính sách, 80% được tư vấn pháp luật, tâm lý, sức khỏe, trong khi chính sách chưa đáp ứng tình hình thực tế. Tâm lý nạn nhân thường tự ti, ngại tiếp xúc, bỏ đi nơi khác tránh áp lực dư luận nên thống kê thiếu chính xác, hỗ trợ gặp trở ngại, dịch vụ và cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân bất cập, lúng túng. Với mục tiêu 100% nạn nhân được hỗ trợ giai đoạn 2011- 2015, các văn bản pháp quy lĩnh vực này đang gấp rút hoàn thiện, xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân bằng cách nâng cấp trung tâm bảo trợ xã hội, xã hội hóa, kêu gọi trợ giúp từ nguồn lực trong và ngoài nước...

- Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2012 về tình hình MBN toàn cầu đã nâng xếp hạng Việt Nam từ nước cần theo dõi lên nước có nỗ lực đáng kể?

Ðó là tín hiệu tốt, khẳng định nỗ lực phòng, chống MBN của chúng ta, nhất là từ khi có Chương trình 130/CP. Tuy nhiên cần phòng, chống quyết liệt hơn nữa, bởi chế độ ưu việt xã hội ta là bảo vệ quyền con người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em, không thể để bọn tội phạm xâm hại.

- Xin cảm ơn ông.

* Không thể bắt xuể tội phạm, nếu không phòng tốt. Giải pháp bền vững vẫn là tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm.