"Tôi ơi đừng tuyệt vọng"
Chúng tôi đến Trung tâm Nhân đạo Quê Hương tại ấp Tân Long, xã Tân Ðông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương) vào một buổi sáng cuối năm se lạnh. Chỉ sau một vài câu giới thiệu làm quen, các em trở nên niềm nở, tự tin chuyện trò như những người bạn. Ðáng chú ý nhất là hai cặp vợ chồng mới được mẹ Huỳnh Tiểu Hương tổ chức lễ thành hôn trong đám cưới tập thể nhân dịp kỷ niệm 11 năm thành lập trung tâm vừa qua. Ðó là Trần Anh Tuấn - Lương Thị Dung và Ðỗ Ðức Thuận - Nguyễn Thanh Thảo.
Người linh hoạt nhất trong hai cặp vợ chồng khiếm thị có lẽ là Trần Anh Tuấn, sinh năm 1990 tại xã Ðức Hợp (Kim Ðộng, Hưng Yên). Tuấn khiếm thị bẩm sinh, vẫn còn nhìn được một phần nên mọi sinh hoạt hằng ngày em được suôn sẻ hơn ba người còn lại. Năm bảy tuổi cậu được gia đình gửi vào hội người mù ở địa phương để em quen dần với cách thức sinh hoạt, học hành dành cho người khiếm thị. Mặc dù còn nhỏ nhưng Tuấn ý thức được về sự khiếm khuyết của mình. Khi tiếp xúc, sinh hoạt với những người cùng cảnh ngộ, em nhận ra rằng mình còn may mắn hơn bao người khác. Vì thế Tuấn xin cha mẹ đăng ký học văn hóa chung với những người bình thường với ước mơ sau này sẽ làm nghề gì đó có ích cho xã hội. Ðể thực hiện hoài bão đó, Tuấn phải cật lực, tập trung cố gắng lắm mới theo kịp các bạn. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện, như miễn cho em môn thể dục, lao động. Khi học đến hết lớp chín, một bên mắt nhìn được của em yếu dần, chỉ còn đủ ánh sáng để dò đường đi, những sinh hoạt hằng ngày cũng như việc học hành gặp rất nhiều trở ngại. Gia đình em nghèo nên không đủ tiền chạy chữa cho con. Với sự giúp đỡ của hội người mù địa phương, Tuấn được gửi lên Hà Nội học nghề mát-xa. Sau ba tháng, em ra xin việc làm tại một cơ sở mát-xa ở Hà Nội. Sau mấy năm làm việc, năm 2010 Tuấn quyết tâm đi học lại. Em được một người tốt bụng giúp lo giấy tờ thủ tục đăng ký học bổ túc văn hóa tại một ngôi trường ở phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay em đang tập trung cho năm cuối cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Còn Ðỗ Ðức Thuận thì hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng. Em sinh năm 1982 ở Hải Phòng. Tuy chịu nhiều thiệt thòi nhưng khi hỏi về những khó khăn, em nói rất nhẹ nhàng: "Cuộc đời bọn em đã vậy rồi nên dù có khó khăn đến đâu cũng phải chấp nhận, phải đối mặt. Con người ta, dù ít hay nhiều, ai cũng sẽ phải trải qua những điều mình không mong muốn, quan trọng là chấp nhận và đối diện nó như thế nào. Nếu xem đó là chuyện tất nhiên thì sẽ đối mặt rất thản nhiên, nếu xem là hệ trọng thì sẽ thiếu tự tin và dễ rơi vào tuyệt vọng...".
Thì ra Thuận đã tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Hải Phòng vào năm 2010. Ðể đạt được kết quả ấy, em đã trải qua biết bao cực khổ nhọc nhằn, cùng với một nghị lực tưởng chừng như không tưởng. Lúc nhỏ, Thuận học tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng một thời gian, sau đó theo học chung với các bạn bình thường cho tới khi tốt nghiệp THPT. Bước vào giảng đường đại học với bốn năm miệt mài tôi luyện, em đã tự vượt lên chính mình để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, bạn bè. Không nhìn được, không ghi chép được như các bạn khác, Thuận chỉ biết chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài. Rồi lúc nhớ lúc quên, Thuận nảy ra sáng kiến kiếm một máy ghi âm. Về nhà em mở đi mở lại bài giảng đến khi hiểu được mới thôi. Ðến kỳ thi, cậu sinh viên đặc biệt này được một sự ưu ái cũng đặc biệt không kém: ngồi riêng một phòng trả lời trực tiếp với giảng viên. Các môn thi em đều thực hiện một cách trôi chảy, mạch lạc, đầy đủ khiến các thầy cô giáo ai cũng gật đầu mãn nguyện.
Ngày nhận bằng tốt nghiệp, Thuận hạnh phúc đến rơi nước mắt. Bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu công sức đã được đền đáp. Ước mơ của Thuận giờ đây là kiếm một việc làm phù hợp. Nhưng cầm tấm bằng cử nhân đi khắp nơi tìm việc, Thuận đều nhận được những cái lắc đầu. Trong thời gian chờ đợi, Thuận đăng ký học vi tính để tiếp xúc với thông tin, trau dồi thêm kiến thức. Nhưng rồi chờ đợi hoài mà không thấy ai hồi âm, em đành theo học nghề mát-xa dành cho người khiếm thị để xoay xở lo toan chuyện "gạo củi muối dầu".
"Nói không buồn không đúng, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Không tìm được nghề như ý thì em cũng đang làm mát-xa mà. Tiền bạc chẳng là bao nhưng cũng đủ cho em trang trải trong khi chờ một tin vui nào đó. À, khi nào hơi buồn buồn hay thất vọng một cái gì đó, em lại nghe bài "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Hay lắm, nghe xong hết liền à", Thuận chia sẻ.
Hạnh phúc đơm hoa
Năm 2004, Trung tâm Nhân đạo Quê Hương có chương trình dạy chữ nổi, vi tính, ngoại ngữ và hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật từ sáu đến 16 tuổi trên toàn quốc. Trung tâm đã cử người đi khắp nơi để chọn lựa những em có khả năng học tập tại các hội người mù, người khuyết tật để đưa về Bình Dương tham gia chương trình. Trong số những người được tuyển về Trung tâm đợt này có hai cô gái khiếm thị quê ở Hà Tây (cũ) là Lương Thị Dung và Nguyễn Thanh Thảo.
Lương Thị Dung sinh năm 1992, quê xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên. Lúc mang thai, mẹ Dung bị một đợt bệnh nặng nên khi sinh ra Dung bị mù một mắt. Bảy tuổi, Dung được gia đình gửi theo học tại Trường Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội. Ðến năm 10 tuổi, căn bệnh teo nhãn cầu đã cướp đi con mắt còn lại, em như rơi vào sự tuyệt vọng không vượt qua nổi. Nhưng rồi nhờ sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô, sự động viên chia sẻ của người thân, em đã vượt qua nỗi đau và tiếp tục theo học tại trường và được chọn vào trung tâm Quê Hương năm 2004. Sau 5 năm được sự che chở, bao bọc của Trung tâm, Dung quay về Hà Nội tìm kế sinh nhai tại một cơ sở mát-xa người khiếm thị. Tại đây, hạnh phúc đã mỉm cười khi em lọt vào "mắt xanh" của Trần Anh Tuấn, hai người đã tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống. Càng hạnh phúc hơn khi hai bên gia đình đều đồng ý cho đôi trẻ quen nhau, tìm hiểu nhau và chờ thời gian thích hợp tổ chức lễ cưới. Nhân kỷ niệm 11 năm thành lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương, Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương - người mẹ đông con nhất Việt Nam đã tổ chức một đám cưới rất đặc biệt cho 12 đôi uyên ương là người khuyết tật, mồ côi từng ở trung tâm. Tuấn - Dung được mẹ Hương mua vé máy bay từ Hà Nội vào để tham dự với tư cách là một trong những nhân vật chính trong sự kiện có một không hai này. Tâm sự với chúng tôi, Tuấn muốn nhờ nhắn gửi đến mẹ Hương những lời biết ơn chân thành nhất: "Chúng con rất cảm ơn mẹ đã mang lại cho chúng con hạnh phúc. Cầu mong mẹ luôn luôn khỏe mạnh để giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh thế hệ sau chúng con!".
Cũng là một trong 12 đôi uyên ương của lễ cưới tập thể, nhưng chuyện tình của Thuận - Thảo không được "suôn sẻ" như Tuấn - Dung. Thảo sinh năm 1989, bị khiếm thị năm lên hai tuổi do di chứng của bệnh sởi. Quen nhau tại Hà Nội, sau ba năm tìm hiểu, Thảo - Thuận quyết định đưa về gia đình ra mắt. Nhưng có lẽ do lo lắng cho cuộc sống của con cái, lường được những khó khăn của đôi trẻ nên gia đình hai bên đều không ủng hộ. Rồi với tài "hùng biện" của anh chàng cử nhân, Thuận đã dần dần thuyết phục được người lớn để bảo vệ hạnh phúc đời mình.
* Ðến với nhau, nguyện bù đắp cho nhau những khiếm khuyết, tất cả các bạn trẻ đều có một quyết tâm lớn. Tự trong sâu thẳm, lúc nào họ cũng mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn và cũng kỳ vọng vào những đứa con sau này. Và, đúng như tâm sự của Thuận, dù khiếm khuyết hay lành lặn, mình cũng phải tự biết thương yêu, trân trọng chính mình...