"Bốn cùng" ở đường biên
Ðồn biên phòng Chi Ma (Lộc Bình) nằm ngay dưới dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ. Mỗi độ đông về, nơi đây hứng chịu đầu tiên những trận rét đậm, rét hại, kèm theo mưa phùn dai đẳng. Thượng úy Phạm Hữu Thắng, cán bộ biên phòng trực ở lán đường mòn biên giới thuộc thôn Nà Phát (Yên Khoái) chia sẻ: Thực hiện kế hoạch ngăn chặn buôn lậu, gần hai tháng nay, mỗi lán trại đều có bốn cán bộ, chiến sĩ thường trực 24/24 giữa đồi núi hoang sơ lạnh giá, có ngày nhiệt độ giảm xuống còn 5 đến 6oC và thực hiện "bốn cùng": ăn, ngủ, tuần tra và vận động bà con vùng biên tăng gia sản xuất, cam kết không vận chuyển hàng lậu, không xuất cảnh trái phép.
Ðối diện khu vực cửa khẩu Chi Ma là thị trấn Ái Ðiểm (Trung Quốc). Lợi dụng đường biên giới dài (đồn biên phòng Chi Ma quản lý hơn 16 km đường biên giới), giao thông khó khăn nên tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm phức tạp. Các đối tượng dùng mọi thủ đoạn tinh vi như xé lẻ hàng, thuê người dân sống gần biên giới mang vác, cất giấu hàng lậu trong các bao hàng hóa, xuất cảnh trái phép qua đường mòn lối tắt... Ðể chống buôn lậu hiệu quả hơn, anh em đồn Chi Ma đã áp dụng liên hoàn biện pháp nghiệp vụ, vận động bà con không tiếp tay đầu nậu. Vì vậy, nạn buôn lậu qua đường mòn hai tháng qua đã giảm 80%, mỗi tuần đồn chỉ bắt vài vụ vận chuyển gia cầm với số lượng nhỏ lẻ. Anh Phạm Văn Tý ở bản Chi Ma cho biết: Do được cán bộ biên phòng giải thích nên bà con không qua biên giới lấy gà Trung Quốc về bán nữa. Trước đây, mỗi ngày chở từ 50 đến 80 kg gà lậu...
Nhọc nhằn chống hàng lậu
Khẳng định nỗ lực và quyết tâm chống lậu ngay trên đường biên giới, đại tá Vi Ðình Diêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy biên phòng Lạng Sơn, cho biết: Ðây là lần đầu tiên trên tuyến biên giới, lực lượng biên phòng quyết định lập 24 lán trại chốt chặt các đường mòn, tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thường trực và lập hàng rào dây thép gai ở những lối mòn điểm "nóng" hàng lậu. Tuy số vụ buôn lậu đã giảm nhiều nhưng thủ đoạn vận chuyển vẫn rất tinh vi. Riêng hàng cấm pháo nổ, dù biết sẽ bị "bóc lịch" nhưng các đối tượng vẫn hám lời, lén lút đi buôn, vận chuyển.
Ðể vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam, các đối tượng đối phó bằng cách vận chuyển nhỏ lẻ dưới 10 kg qua biên giới (hòng trốn truy cứu trách nhiệm hình sự), bố trí "vệ tinh" thám thính báo động trên đường vận chuyển, thấy động sẵn sàng vứt hàng phi tang bỏ chạy... Bịt đường tắt, lối mòn, các đầu nậu lại sử dụng ngón nghề thuê cư dân biên giới gom hàng. Nhiều chuyến hàng, không chờ đến giáp Tết mà từ giữa năm nay, đã có hơn 30 đối tượng vận chuyển pháo nổ lần lượt sa lưới. Trong đợt cao điểm này, không cán bộ, chiến sĩ nào có ngày nghỉ, lăn lộn bám địa bàn nắm tình hình, gồng mình chống lậu.
Theo Quyết định 254/2006/QÐ-TTg của Thủ tướng, công dân có hộ khẩu thường trú tại các khu vực giáp biên được mua bán, trao đổi các mặt hàng phù hợp quy định, được miễn giảm thuế nhập khẩu trị giá không quá hai triệu đồng một người/một ngày. Lợi dụng cơ chế chính sách ưu tiên này, từ đầu tháng 12, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam (Văn Lãng), mỗi ngày có hàng nghìn lượt cư dân biên giới sang lấy hàng. Nhiều đầu nậu thuê sổ thông hành (có gia đình ở bản giáp biên được cấp đến ba sổ: do xã, huyện và tỉnh cấp) để đứng ra kê khai, mang vác hàng qua các cửa khẩu rồi thu gom lại. Khi hàng đã vào sâu trong nội địa lập tức được các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp ở Cao Lộc, Văn Lãng, TP Lạng Sơn xuất hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa vận chuyển về các tỉnh, thành phố phía sau tiêu thụ công khai.
Anh Hoàng Văn Ðức ở thôn Cốc Nam, Tân Mỹ (Văn Lãng) kể, ngày nào cũng sang biên giới lấy hàng thuê cho chủ nậu, tiền công từ ba đến bảy nghìn đồng/kg, mỗi chuyến cũng được 150 đến 200 nghìn đồng. Nhiều nhà huy động cả người già, trẻ em đi lấy hàng, nào là quần áo may sẵn, đồ dân dụng, chăn, ga... tấp nập chẳng khác đi trẩy hội. Phó Chi cục hải quan Cốc Nam Trần Văn Nghĩa bức xúc: Ba tháng trước rất ít cư dân biên giới qua lại trao đổi hàng hóa, nhưng cả tháng qua, ngày nào cửa khẩu cũng kẹt cứng người làm thủ tục xuất, nhập cảnh, chủ yếu là dân biên giới có sổ thông hành theo Quyết định 254, cao điểm lên hơn 1.500 lượt người. Rồi chiêu bài "lách luật" kê giá trị hàng rất thấp cũng được triệt để áp dụng khiến lực lượng hải quan khó kiểm soát. Một chiếc quần bò giá "không tưởng" chỉ từ năm đến 10 nghìn đồng, một bộ ấm chén năm nghìn đồng... Trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường 13 cán bộ hỗ trợ siết chặt kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng được phép nhập, số lượng, kê khai giá cả hợp lý, vận động bà con thực hiện nghiêm việc xuất cảnh trao đổi hàng hóa... để nhanh chóng "hạ nhiệt" tình hình.
Năm 2012, lực lượng chống lậu Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ 3.687 vụ hàng cấm, hàng giả gian lận thương mại..., tịch thu hàng hóa tổng trị giá hơn 51 tỷ đồng (bằng 94% so với năm 2011). Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 127 tỉnh, thừa nhận: Do nhu cầu tiêu dùng giáp Tết tăng cao, tình hình buôn lậu vẫn còn rất phức tạp, nhất là địa bàn giáp biên. Tỉnh đã chỉ đạo thành lập ba phòng tuyến chống lậu: trên biên giới do biên phòng và hải quan đảm nhiệm; phòng tuyến thứ hai do các tổ, trạm kiểm soát, đội cơ động chống buôn lậu thực hiện và phòng tuyến thứ ba do các đội quản lý thị trường, thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát...
* Lạng Sơn không dám bảo đảm 100% ngăn chặn được hàng lậu, hàng cấm. Bởi có căng sức chống lậu, mà không đồng thời triển khai các giải pháp bền vững phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân khu vực biên giới; không có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các lực lượng địa phương phía sau cùng tích cực tuần tra, kiểm soát, bắt giữ thì cũng vẫn chỉ giải quyết được phần ngọn, chẳng khác "ném đá ao bèo".