Phép mầu của lòng tin

NDO - Mất cha từ năm bốn tuổi, lạc mẹ lúc năm tuổi, cậu bé Trương Thế Dũng phải sống lang thang nhờ vào sự bố thí của mọi người và được đưa vào cô nhi viện. Phận mồ côi tưởng không biết về đâu, nhưng không ngờ, bằng một nghị lực phi thường, anh đã vượt qua mọi nghiệt ngã để trở thành bác sĩ được nhiều người quý trọng...
Ngoài thời gian chữa bệnh cứu người, bác sĩ Trương Thế Dũng lại dạy chữ cứu những tâm hồn trẻ thơ bất hạnh.
Ngoài thời gian chữa bệnh cứu người, bác sĩ Trương Thế Dũng lại dạy chữ cứu những tâm hồn trẻ thơ bất hạnh.

Tuổi thơ bất hạnh

Cả quãng tuổi thơ của bác sĩ Trương Thế Dũng là một chuỗi dài bất hạnh. Sinh năm 1970 trong niềm hạnh phúc của cha mẹ, nhưng trớ trêu thay anh là sản phẩm của một tình yêu đầy ngang trái. Năm lên bốn tuổi, cha qua đời, mẹ anh bồng con về quê hương Quế Sơn (Quảng Nam) nhờ cậy ông bà ngoại nhưng bị chối bỏ. Mẹ anh đành phải mang con ra Ðà Nẵng tìm kế sinh nhai. Ðược người bạn là một bác sĩ tốt bụng đang làm việc tại Bệnh viện Ðà Nẵng giúp đỡ, mẹ anh vào làm y tá tại đây. Hằng ngày đi làm, bà phải mang con theo, vừa làm vừa chăm con, tối về tá túc tại một khu nhà trọ rách nát, rẻ tiền.

Bất hạnh thứ hai đổ xuống khi mẹ con anh bị vợ của người bác sĩ tốt bụng nọ ghen tuông vô cớ và tìm cách hãm hại. Và điều tồi tệ đã xảy ra, mẹ vào tù oan vì bị vu khống, Dũng bắt đầu cuộc sống lang thang ăn xin nơi đầu đường xó chợ và sau đó được đưa vào cô nhi viện Ðà Nẵng. Dũng được các sơ rất thương yêu vì viết chữ đẹp, học giỏi, siêng năng... Nhưng sự cảm nhận của mình về mẹ, về quê ngoại cứ thôi thúc anh phải đi tìm. Ðến năm 10 tuổi, Dũng quyết định trốn cô nhi viện đi tìm mẹ, và lại tiếp tục lang thang sống bằng sự bố thí của mọi người, nếm trải không biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục.

Trong một lần đói quá, đi ngang quán thấy tô phở còn thừa, Dũng chạy vào húp lấy húp để và bị một trận đòn nhừ tử. Ðêm đó, vừa đau, vừa đói, Dũng ngất xỉu bên đường ray xe lửa trong sân ga Ðà Nẵng. May mắn, Dũng được một cán bộ công an đi tuần phát hiện được đã ra tay cứu giúp. Ðó là Trương Minh Tuấn, ân nhân cứu mạng rồi sau là anh nuôi, cũng chính là người đã giúp Dũng tìm ra mẹ mình sau hơn 20 năm lưu lạc.

Biết hoàn cảnh éo le, anh Tuấn gửi Dũng về nhờ cậy cha mẹ mình ở Quế Sơn. Nhưng nhà anh Tuấn đông anh em, gia cảnh khó khăn, nên hằng ngày Dũng đi chăn trâu cắt cỏ phụ gia đình, đêm về mượn sách vở của em anh Tuấn ra học. Khi tự học xong chương trình cấp 1, thấy Dũng sáng dạ, cô giáo Phan Thị Chúc từ miền xuôi lên dạy học ở đây thương tình kèm cặp suốt một thời gian dài. Có một điều đặc biệt là dù không ngày nào đến trường nhưng cuối cùng anh cũng tốt nghiệp cấp hai, rồi cấp ba. Tất cả đều nhờ công dạy bảo tận tình của người anh nuôi mà Dũng mang ơn suốt đời.

Bác sĩ của sự tin cậy

Ngày thi đại học, Dũng đậu một lúc hai trường là Ðại học Y khoa Huế và Ðại học Sư phạm Quy Nhơn. Nhưng vì không có điều kiện, anh quyết định chọn học Trường trung cấp Y Ðà Nẵng, vừa học vừa làm đủ nghề để có tiền trang trải, với hy vọng sau này trở thành bác sĩ, giúp đỡ những người cùng cảnh như mình. Một lý do nữa là anh muốn theo nghề mẹ, mà hình ảnh áo trắng y tá không bao giờ quên trong tâm trí anh.

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, Dũng muốn thử sức ở môi trường mới nên quyết định vào TP Hồ Chí Minh học hệ chuyên tu tại Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngành bác sĩ đa khoa. Anh phải làm mọi nghề kiếm tiền trang trải để đi đến tận cùng ước mơ làm bác sĩ. Nhớ lại, anh nói vui: "Tôi không từ bất cứ công việc nào cả, dù cực khổ đến đâu, miễn là lương thiện. Ban đầu tôi quảy một "mớ tùm lum" gồm kính, bật lửa, đồ chơi con nít... đi bán dạo. Sau đó lại xoay sang bán tập vở Vĩnh Tiến ở vỉa hè. Bị công an "hốt" dữ quá, tôi chuyển qua làm bồi bàn phục vụ quán ăn, rảnh rỗi thì chạy xe ôm kiếm thêm, suốt ngày rong ruổi ngoài đường. Tuy cực khổ nhưng vui, và chưa bao giờ mải mê kiếm tiền mà tôi xem nhẹ việc học".

Những cố gắng không ngừng nghỉ của anh cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2004, Dũng tốt nghiệp và tình nguyện làm việc cho một tổ chức nhân đạo trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh) chuyên chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Cũng từ đây, duyên số đã gắn kết anh với những mảnh đời bất hạnh.

Làm việc ở những bệnh viện có tiếng, nhưng không nơi nào giữ chân anh được lâu, vì mỗi lần nghe ở đâu có người bệnh, người cơ nhỡ anh lại bỏ ngang việc, hối hả đến tận nơi cứu giúp. Cũng vì thế, mà anh thường bị "nhắc nhở" là không tuân theo nội quy. Sau này, để thực hiện ý nguyện của mình, anh quyết định mở một "phòng mạch" riêng tại đường Bạch Ðằng (quận Tân Bình). Tên gọi có vẻ "sang", nhưng thật ra đó chỉ là một căn phòng anh thuê bán băng đĩa từ thời sinh viên. Kỳ lạ hơn nữa, tiệm băng đĩa - phòng mạch mang tên Sinh Viên này chỉ đón tiếp những bệnh nhân nghèo, trẻ lang thang, người vô gia cư, thai phụ sắp ngày sinh nở nhưng vì lý do nào đó phải nương nhờ, và cả những bệnh nhân HIV...

Không dừng lại, năm 2008, bác sĩ Trương Thế Dũng còn vận động những người đồng chí hướng thành lập Ðoàn y bác sĩ khám, chữa bệnh từ thiện Niềm Tin để mang đến niềm vui cho những bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Cứ mỗi cuối tuần, anh và những thành viên trong đoàn lại rong ruổi về vùng sâu, vùng xa để thực hiện tâm nguyện của mình. Những chuyến đi có khi kéo dài cả tuần vì đường sá xa xôi, phương tiện di chuyển khó khăn. Dấu chân anh đã in khắp các vùng miền trung, miền nam, Tây Nguyên và sang tận Cam-pu-chia để khám, chữa bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho những Việt kiều khó khăn ở đây.

Có một điều khiến ai cũng xúc động khi biết bác sĩ Dũng là cha nuôi, cha đỡ đầu của mấy chục đứa con. Ðó là những trẻ lang thang, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mà anh tình nguyện mang về chăm sóc. Nhưng vì điều kiện không cho phép, khi chúng cứng cáp, anh phải gửi vào các cô nhi viện để tiếp tục đón những đứa trẻ khác. Anh bộc bạch: "Nói là con, nhưng tôi chưa làm tròn bổn phận của một người cha là nuôi dạy chúng đến lúc trưởng thành! Sau những lần đi khám bệnh, tôi thấy chúng thiếu thốn tình cảm nên nhận làm con nuôi. Cuối tuần, tôi đến trung tâm để kiểm tra sức khỏe, động viên, an ủi các con phấn đấu học tập tốt. Tôi nghĩ, chỉ cần đặt ở chúng niềm tin thì chúng sẽ sống hết mình thôi, cũng như tôi lúc trước vậy". Và đó cũng là lý do khiến anh ấp ủ mơ ước muốn thành lập một cô nhi viện và thuê một căn nhà thật lớn để những mảnh đời đơn côi về tụ họp dưới mái ấm gia đình.

* Cứ hết giờ làm việc ở bệnh viện, bác sĩ Dũng lại về phụ các em bán hàng, chăm sóc bệnh nhân, rồi đi phụ giúp ở các trung tâm HIV cho tới tận hai đến ba giờ sáng. Có khi còn mang về vài đứa trẻ "bụi đời". Vì thế mới có chuyện bị hàng xóm nghi ngờ, báo công an phường xuống kiểm tra. Khi hiểu ra mọi chuyện, cả công an lẫn người dân đều tỏ ra khâm phục, yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ anh.