Khi ánh hào quang đã tắt

NDO - Họ từng là những nghệ sĩ tài danh một thời ở mảng sân khấu cải lương, hát bội, đờn ca tài tử... Cả nửa đời lưu diễn, nay đây mai đó, lấy ánh đèn sân khấu làm niềm vui thì giờ đây tuổi cao, họ về trú ngụ trong khu nhà dưỡng lão đơn sơ. Nhớ nghề nhưng không cưỡng nổi sự khắc nghiệt của thời gian và tuổi tác, các nghệ sĩ chỉ còn biết hồi tưởng lại quá khứ vàng son trên sân khấu.
Sống vui trong nghĩa tình là điều các lão nghệ sĩ rất mong mỏi.
Sống vui trong nghĩa tình là điều các lão nghệ sĩ rất mong mỏi.

Một thời xuân sắc

Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ nằm trong một con ngõ nhỏ ở đường Âu Dương Lân (quận 8, TP Hồ Chí Minh) hiện là "tổ ấm" của 22 nghệ sĩ tuổi đã ngoài thất thập. Trong không khí trầm lắng bao phủ, thi thoảng lại cất lên tiếng đàn, tiếng hát. Dường như trong đó chất chứa nỗi niềm của những nghệ sĩ tuổi đã xế chiều nhưng khát vọng được đứng trên sân khấu thì vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Không còn những sân khấu huy hoàng, đông đúc khán giả, niềm vui với họ chỉ trở lại khi có đoàn tham quan, giao lưu và sân khấu đơn sơ ngay chính nơi họ ở.

Trong số những nghệ sĩ tài danh hiện tá túc tại trung tâm này phải kể đến Lệ Thẩm, Bạch Yến, Tuyết Nga, Thanh An, Thiên Kim, Ngọc Ðáng, Nam Sơn, Bạch Huệ... Nghệ sĩ Thiên Kim hát cải lương từ năm lên tám. Bà tâm sự, nhà quá nghèo nên chẳng thể toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật và cứ phải "chạy sô" đến mướt mồ hôi kiếm tiền. Bà có năm người con nhưng họ đều khó khăn, cuối đời bà quyết định ở trung tâm này cho... gần chị gần em. Trước đây, bà luôn đóng những vai phụ nữ phúc hậu với nụ cười khó lẫn. Giờ, thi thoảng bà vẫn đi đóng phim để có thêm chút tiền chi tiêu. Dù là những vai phụ, phân đoạn ngắn nhưng vẫn tạo cho bà niềm hứng khởi. Có khi, tiền cát-sê chỉ đủ trả... xe ôm.

Thời xuân sắc, nét đẹp dịu hiền của nữ nghệ sĩ Lệ Thẩm, cô gái Bạc Liêu đã khiến biết bao người mê đắm. Từ nhỏ đã thừa hưởng năng khiếu từ cha, một nghệ sĩ đờn ca tài tử, khi mới năm tuổi, cô bé Thẩm đã được diễn trên sân khấu. Từ đoàn nghệ thuật Thái Bình, Thẩm chuyển sang đoàn Năm Châu và sự nghiệp sân khấu từ đó phát triển. Năm 20 tuổi, nghệ sĩ Lệ Thẩm lập gia đình với nghệ sĩ Tuấn Sĩ, rồi lập gánh hát Nhụy Hương. Suốt bao nhiêu năm kiếm sống vất vả, rốt cuộc hai vợ chồng vẫn hoàn tay trắng. Năm 1996 chồng mất, bà cũng già yếu nên cậy nhờ trung tâm dưỡng lão. Những năm gần đây, bà vẫn tham gia đóng các phim "Mùa len trâu", "Vòng xoáy tình yêu", "Dốc tình", "Dòng đời"...Ði đóng phim, bà như thấy mình trẻ lại.  Cũng "ba chìm bảy nổi", nghệ sĩ Bạch Huệ (quê Cần Thơ) hát đờn ca tài tử từ nhỏ. Hôn nhân lận đận, tiền nong chẳng tích cóp được nhiều dẫu bao nhiêu năm mang tiếng hát dâng đời, nay về già lại "về mo". Bà có ba con, tất cả đã lập gia đình nhưng cũng lặn lội kiếm ăn từng bữa. Sắp bước sang tuổi 80, trận tai biến đã cột chặt đời lão nghệ sĩ trên chiếc xe lăn, đôi mắt đục lúc nào cũng chăm chăm nuối tiếc thời xuân trẻ. Hay lão nghệ sĩ Thanh An (quê huyện Hồng Vân, Bạc Liêu) từng tham gia phong trào Ðồng Khởi, được cử đi học ở Ðài Tiếng nói Nam Bộ và theo các đoàn hát phục vụ khán giả. Tiền kiếm được, ông gửi về cho vợ nuôi năm đứa con. Về già, không được nhờ cậy chúng, ông được đưa về sống ở tổ ấm này.

Cơm áo không đùa...

Bất kể ai đến thăm đều được nghe các nghệ sĩ chia sẻ, tâm sự nhiều về một thời đã qua, thời mà họ lấy sân khấu làm nhà và hát phục vụ công chúng là niềm vui. Nhiều trong số đó từng tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt, tù đày.  Khi công lao của họ được ghi nhận, cũng là lúc biết bao khó khăn khác dồn đến. Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ mở ra, là cơ sở duy nhất cả nước nuôi dưỡng các nghệ sĩ lão thành khó khăn. Tuy nhiên, trước cuộc sống đầy biến động, giá cả leo thang, chuyện ăn uống của họ đang rất khó khăn. Ngay cả không gian sinh hoạt cũng có phần kham khổ, mỗi người có riêng một chiếc giường đủ nằm, chiếc tủ nhỏ đựng đồ cá nhân và có một gian phòng chung làm nơi đọc sách, gặp gỡ trò chuyện. Ông Tần Nguyên, Trưởng Ban quản lý Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ cho biết: "Xưa ở thời hoàng kim, người dân cứ có tiền là có thể lập đoàn hát nên rất nhiều gánh hát ra đời. Sau này, các loại hình nghệ thuật truyền thống bị mai một, ở thành phố có đến hơn 500 nghệ sĩ gặp khó khăn. Từ sau năm 1975, Ban Ái hữu, Hội Nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đã xin thành phố cho thành lập Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ, đến năm 1996 được đồng ý cấp đất xây dựng và năm 1998 khánh thành. Trung tâm lựa khoảng 30 người có hoàn cảnh đặc biệt nhất, không nơi nương tựa, nghèo khó để nuôi dưỡng và nay chỉ còn 22 người".

Theo ông Nguyên, ngân sách cấp cho trung tâm rất ít và hơn hai năm qua chưa có. Tuy nhiên, anh em nghệ sĩ phải tự lo, tìm các mạnh thường quân, các nhà tài trợ để bảo đảm các cụ không bị đứt bữa. Tiền không có, nhưng Ban quản lý vẫn phải trả lương công nhân nấu ăn, bảo vệ, dọn vệ sinh. Những cụ già yếu mất đi, những người chịu trách nhiệm phải đi xin tiền mua áo quan. Trung tâm đang có dự án xây thêm phòng, đón thêm các nghệ sĩ nghèo khổ khác về, nhưng giờ không có tiền, chưa biết lấy gì chăm sóc các cụ.

Mong manh hy vọng

Ai đó nói, nghệ sĩ đa sầu đa cảm, thích rong chơi. Và các nghệ sĩ ở trung tâm đều từng rất nổi tiếng, giờ thời gian đã xếp họ ở một nơi chưa thật bình yên. Bình thường tuổi già mong được cậy nhờ con cháu, nhưng với các lão nghệ sĩ thì cái sự bình thường ấy cũng trở thành xa xỉ. Mỗi người một số phận thiệt thòi, người không còn chồng, không có con, người có con nhưng lại không được nhờ vả, có người đã lẫn không còn nhớ rõ chuyện đời chính mình. Trong đôi mắt già nua của họ, nỗi lo lắng vẫn chưa dứt và lửa đam mê chưa tắt. Nhưng chắc chắn, cơ hội cho mỗi người trên sân khấu hoặc vào vai trong phim là không nhiều. Ấy vậy họ vẫn hy vọng một ngày nào đó lại có người đến mời đi đóng phim, và thi thoảng các nghệ sĩ trẻ "kính lão" đến tặng quà, mời đi chơi.

Bấy nhiêu năm sống và cống hiến, giờ  họ tụ bên nhau, tâm sự, an ủi mong dìu nhau đi đến bến cuối của cuộc đời. "Ðã lại cuối năm, năm mới đang gần đến, nhiều lão nghệ sĩ sẽ phải đón xuân trong cô đơn". Tiếng thở dài của ông Tần Nguyên khi nhìn các nghệ sĩ già yếu tóc bạc nghe thật xót xa. Dự định năm nay đón xuân, các nghệ sĩ già sẽ đãi nhau "món" cải lương. Những vở cải lương ấy có làm cho họ vui thêm chút nào không nhỉ?!...

* Mỗi người một số phận thiệt thòi, người không còn chồng, không có con, người có con nhưng lại không được nhờ vả, có người đã lẫn không còn nhớ rõ chuyện đời chính mình. Trong đôi mắt già nua của họ, nỗi lo lắng vẫn chưa dứt và lửa đam mê chưa tắt.