Nan giải "cai nghiện" game online

NDO - Trò chơi trực tuyến (game online) ngày càng xâm nhập và "oanh tạc" đời sống giới trẻ tới mức báo động. Nhiều vụ án, những cái chết thương tâm xảy ra chỉ vì chơi game sex, game bạo lực hoặc game bài bạc... "quá liều"...
Những quán in-tơ-nét như thế này đã cuốn hút các bạn trẻ không thể rời mắt khỏi màn hình máy tính.
Những quán in-tơ-nét như thế này đã cuốn hút các bạn trẻ không thể rời mắt khỏi màn hình máy tính.

Chơi game... hành động như game

Những thói quen tiêu cực trong việc đọc báo, lướt web, chia sẻ qua các trang mạng xã hội như facebook, twitter, yahoo, chat... đã ảnh hưởng khá nhiều đến lối sống ngập chìm trong "thế giới ảo" ở giới trẻ. Từ khi công nghệ 3D ra đời, nó lại... quyến rũ hơn nữa với giao diện đẹp, âm thanh, hình ảnh sống động, nhân vật "sexy", máu me, tàn bạo hơn chẳng thua gì phim sex, phim hành động. Rồi hình ảnh các "anh hùng", "siêu nhân" lực lưỡng súng ống, giáo mác; các "chân dài" bốc lửa trong mọi tư thế từ trên giường ngủ cho đến nơi công cộng xuất hiện nhan nhản trên bìa đĩa phần mềm trò chơi.

Trong khi đó, ai muốn chơi game sex, game bạo lực, chỉ cần 7.000-15.000 đồng là có thể sở hữu một đĩa game đã crack (bẻ khóa) và sử dụng vô thời hạn. Mua bao nhiêu cũng có, từ phiên bản này nâng cấp lên phiên bản khác, chẳng giới hạn máy tính cá nhân, máy tính công cộng hay điện thoại di động. Hoặc chỉ cần vào google và seach (tìm kiếm), sẽ được chỉ dẫn cách driver (cài đặt) trò chơi cụ thể, chi tiết. 

Các nhà sản xuất game đã đánh trúng tâm lý ham khám phá và chinh phục của lứa tuổi vị thành niên. Ở tuổi này, cá nhân nào cũng thích nổi bật, khác người. Nhiều đối tượng chơi game sex ban đầu chỉ là sự tò mò, nhưng dần mắc nghiện... không dứt ra được. Theo lý giải của TS Trịnh Hòa Bình, do các em không dám khám phá, chinh phục nhân vật ngoài đời, nên tìm đến nhân vật trong game. Khi đã bị nhiễm nặng, trở về thế giới thực thì các game thủ đã không thể kiểm soát được bản thân. Kéo theo đó là tình trạng rối loạn tâm sinh lý, hành động đồi bại...

Với game bạo lực, hậu quả cũng không hề nhỏ. Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra: đột tử vì chơi game quá sức, "kết liễu" đời mình vì không vượt qua được kỷ lục bản thân, đổ máu vì ảo tưởng mình là anh hùng nghĩa hiệp, siêu nhân diệt trừ kẻ xấu... Ðau lòng hơn, có đối tượng giết người để kiếm tiền chơi game. Hàng loạt trọng án xảy ra gần đây, con giết cha mẹ, giết bạn, giết hàng xóm... chỉ vì thiếu vài chục nghìn đồng để chơi game là những tiếng chuông cảnh báo toàn xã hội...

Ngay cả game bài bạc cũng vậy. Khi chơi quá đà, các bạn trẻ sẽ trở thành "con nghiện" quên cuộc sống thực của mình, sa đà ham mê cờ bạc, không lối thoát. Ðổi lại sự mê muội quá mức, các game thủ sẽ phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Ðó là chưa kể đến quỹ thời gian "nướng" trên bàn phím máy tính.

Liệu pháp nào "cai nghiện"?

Hơn ba năm trước, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TP Hồ Chí Minh) đã thành lập trung tâm cai nghiện (TTCN) game online đầu tiên, với chương trình "Cai nghiện game online và sử dụng in-tơ-nét có ích" áp dụng cho thanh thiếu niên từ 9 đến 16 tuổi vào dịp hè. Còn với những trường hợp đặc biệt nặng, trung tâm tổ chức những khóa học riêng. Ðến nay, cả nước có thêm một vài TTCN game khác. Các "con nghiện" dù có đến trung tâm cai cũng chỉ là giải pháp tình thế. Thật khó có hiệu quả lâu dài, khi những trò game online thiếu lành mạnh vẫn hằng ngày "oanh tạc" giới trẻ, còn các trung tâm truy cập in-tơ-nét vẫn mọc nhan nhản khắp nơi.

Nói về phương pháp cai nghiện game online, ông Phan Thành Hổ, chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết: "Ở các TTCN game vẫn theo phương châm là thay đổi đam mê này bằng một đam mê khác lành mạnh hơn, chú trọng đến ý thức tự nguyện, tự giác từ phía các em lẫn phụ huynh, để các em tiếp nhận một cách rất tự nhiên, dễ hiểu và thân thiện. Các "con nghiện" sẽ được các chuyên gia về y học, tâm lý giúp đỡ, tư vấn cụ thể và linh hoạt. Chúng tôi không dùng liệu pháp "quân sự" hà khắc như ở Hàn Quốc, và cũng không xem các em là "con bệnh" được đưa vào "bệnh viện game" như Trung Quốc".

Mỗi khóa học ở trung tâm thường kéo dài khoảng 15 ngày, với một thời gian biểu đặc biệt. Các em sẽ được chơi những trò chơi tập thể, tham gia những chuyến đi, làm những bài tập trên máy tính. Thỉnh thoảng trung tâm cho một số "game thủ" tích cực đến trò chuyện với các em. Những cuộc trò chuyện này gây được nhiều hứng thú, dần dần các em hiểu và chơi game đúng mực, lành mạnh.

Các "bang chủ lầm lỡ" chủ yếu là sinh viên, học sinh, khi mới vào "cai", hầu hết đều trong trạng thái "sống trên mây", mơ mộng, ảo tưởng; chỉ khi nói chuyện về game mới tỉnh táo. Ban đầu, các em rất khó chịu, bức bối, khóc, la hét, hoặc dùng dằng đòi trốn về. Nhưng, sau khi hoàn thành khóa học, được gia đình và bạn bè quan tâm chăm sóc, các em đã hòa nhập với cuộc sống thực, hạn chế đáng kể thói quen chơi game, chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn lễ phép hơn. Em Trần Ðức Hùng ở quận 11 (TP Hồ Chí Minh) sau khi "đi cai" đã về nhà tham gia đội dân quân tự vệ của khu phố, rồi thi đỗ vào một trường quân đội.

Tuy nhiên, các TTCN game cũng gặp nhiều khó khăn khác như kinh phí, nhân lực... Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều em "tái nghiện", không duy trì được cảm xúc nên quay lại với môi trường cũ, tiếp tục đắm chìm vào trò chơi trực tuyến.

Chúng ta quen đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, cho công nghệ thông tin phát triển. Song, yếu tố này chỉ là một phần. Sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và chia sẻ từ phía gia đình mới chính là yếu tố quyết định, giúp các em đoạn tuyệt những trò chơi vô bổ. Có thể nói, do việc quản lý các hoạt động in-tơ-nét chưa thật sự chặt chẽ, có nhiều sơ hở, lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho cư dân mạng, nhất là học sinh "khám phá" các trang web đen quá dễ dàng. Gia đình và xã hội cùng phải lên tiếng để các em thấy rõ cả mặt tích cực lẫn hậu quả của game online mà chủ động xa lánh.

* Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Ðào tạo): Thực tế điều kiện sống và cách giáo dục ở nước ta từ bậc tiểu học trở lên đã và đang có những khiếm khuyết trong việc rèn luyện kỹ năng sống, bản lĩnh và sự tự tin cho học sinh, sinh viên. Vì thế, khi phải đối mặt với các cạm bẫy tệ nạn xã hội, các em bối rối, lúng túng và hoang mang không biết cách ứng xử phù hợp, dẫn đến sa đà tiêu cực. Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và các đoàn thể xã hội hành động quyết liệt nhằm đẩy lùi những hậu quả đáng tiếc do trò chơi trực tuyến không lành mạnh và các tệ nạn xã hội đem lại.