Vùng cao không bình yên

NDO - Già Lương Pò Tình, bản Cặp Chạng (xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, Nghệ An), năm nay đã qua 80 mùa rẫy nói giọng trầm buồn: "Bản người Thái từ trước vốn bình yên  và phụ nữ vùng cao bao đời ni sống rất chung thủy, một mực yêu thương chồng con, không có chuyện bỏ nhà đi... Vậy mà bản làng giờ vắng dần tiếng khèn, tiếng pí, lời nhuôn, tiếng lăm... Tại sao lại có những chuyện "động mường" đến vậy?".
Bộ đội Biên phòng huyện Mường Nhé tỉnh Ðiện Biên tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Ảnh: TÔ HỢP
Bộ đội Biên phòng huyện Mường Nhé tỉnh Ðiện Biên tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Ảnh: TÔ HỢP

Chuyện "động mường"

Từ TP Vinh,  ngược quốc lộ 7 hơn 150 km, men theo con đường gập ghềnh, vượt nhiều khe, lắm suối, xuyên qua những cánh rừng đại ngàn vào xã Ðôn Phục, huyện Con Cuông. Bản Hồng Ðiện ở cuối xã vắng lặng, nhiều nhà cửa đóng im ỉm, thi thoảng mới nghe tiếng chó sủa tang tang dội vào vách núi. Qua vách liếp, những cặp mắt tò mò, cảnh giác dõi theo. Ðoán được băn khoăn của tôi, trưởng bản Vi Xuân Hoàng thở dài: "Mấy năm gần đây có chuyện không vui, thanh niên nghiện, buôn ma túy bị bắt đi tù, một số phụ nữ, trẻ em mới lớn mất tích gây "động mường", nên bà con không mấy thiện cảm với người lạ...".

Ông Hoàng đưa tôi đến nhà em Ngân Thị Ứng, một nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài mới trở về. Căn nhà tranh lụp xụp nép mình bên vách núi. Không khí buồn tẻ vẫn bao trùm. Thấy người lạ, Ứng khép nép dò xét. Người nhà em xót xa kể: học hết cấp hai, nhà nghèo, nên Ứng bỏ học, chỉ ở nhà làm ruộng. Cuối năm ngoái, cả tin vào lời rủ rê đường mật xuống TP Vinh làm, lương cao, Ứng và mấy sơn nữ người Thái, Khơ Mú ở Kỳ Sơn, Tương Dương... xuống núi, ai ngờ sập bẫy bọn buôn người, bị đưa sang Trung Quốc bán. Lúc này, tên Phạm Văn Bình, người cùng xã hiện nguyên hình là sở khanh xảo quyệt. Cảnh đời xô đẩy, Ứng bị ép làm vợ gã đàn ông Trung Quốc, chìm đắm trong chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục, rất may được giải cứu trở về. Ông Vi Văn Mùi, trưởng bản Hồng Thắng thở dài tiếp lời: "Bản tôi có ba đứa cũng bị lừa bán". Thật đắng lòng, trong số 20 phụ nữ, trẻ em Ðôn Phục trở thành mồi ngon của bọn buôn người, có tới tám học sinh.

Hà Thị Vân ở bản Huồi Mọi, Lục Dạ (Con Cuông) cũng mắc lừa tên Bình. Nước mắt đầm đìa, Vân uất ức kể, tháng 3- 2011, Bình và một phụ nữ lạ mặt đến bản tuyển nữ công nhân làm tận Hà Nội, lương tháng ba triệu đồng. Ðang thất nghiệp, Vân và Vi Thị Lùn, Lữ Thị Lý ở cùng huyện gật đầu ngay tắp lực, vội vã rời bản. Ba ngày ngủ mê mệt trên xe khách, tỉnh dậy ba cô mắt hoa, đầu nhức vì thuốc mê, hoảng hốt khi biết đã ở bên kia biên giới. Lùn và Lý bị bán cho hai người đàn ông trung niên, còn Vân được mua giá một vạn nhân dân tệ nhưng chỉ hai tháng sau bị thải, vì không đủ tiêu chuẩn làm vợ. Nhân cơ hội này, Vân giả vờ thuyết phục bọn chúng cho về quê để rủ thêm hai đứa em, trẻ đẹp hơn, đưa sang "thế mạng". Về đến bản, cô lập tức làm đơn tố cáo.

Những phụ nữ bỗng dưng biến mất, bỏ đi biệt tăm, để lại những căn nhà quạnh quẽ, chống chếnh. Anh  Lữ Văn Xá ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa (Tương Dương) buồn rầu kể, hôm đi thăm bà con ở bản Na Pu, xã Yên Na về, thì được tin sét đánh, "vợ đã theo người đi Trung Quốc rồi". Hơn bốn năm nay, vẫn chẳng có tin gì. Lên huyện rẻo cao Kỳ Sơn, trong căn nhà mốc thếch ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm nằm chênh vênh bên chân Pu Nhạ Thầu, anh Moong Văn Hồng trầm buồn:  "Tôi đi ở "xa năm"(chòi) trông coi rẫy, trở về không thấy vợ Lữ Thị Nguyệt và con gái đầu  Moong Thị Hằng ở nhà nữa. Tưởng hai mẹ con đi chơi thăm họ hàng, nhưng hỏi thăm chẳng ai biết. Giáp Tết, Hằng gọi điện về, khóc lóc thảm thiết đã bị mẹ và kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc!...

Nhận diện kẻ buôn bán người

Ðã từng cạn khô nước mắt khi bị lừa bán làm vợ lẽ, nhưng Lương Thị Thuyên ở Yên Hòa (Tương Dương) chẳng những không đồng cảm mà còn dã tâm lừa bán các cô gái nhẹ dạ, ngây thơ. Tình cờ gặp Lô Thị Bun ở Bình Chuẩn (Con Cuông) cùng chung cảnh ngộ, cả hai tính kế tìm người lừa bán kiếm lời. Rắp tâm thực hiện mưu đồ đen tối, hai thị về nước cấu kết với Lương Thị Xuân ở Bình Chuẩn (Con Cuông) săn "hàng" là các cô gái trẻ nhẹ dạ và phụ nữ chán chồng với sự trợ giúp đắc lực của Lữ Văn Oanh và Ven Văn Long ở Chiêu Lưu (Kỳ Sơn). Kịch bản lừa phỉnh là gạ gẫm đi làm cho một doanh nghiệp khai thác vàng ở Ðà Nẵng, lương cao. Mới 14 tuổi, ít khi xuống núi, Cụt Thị Na ở bản Nam Tiến 1, Bảo Nam (Kỳ Sơn) nhận lời chẳng chút đắn đo. Khi "cá cắn câu", Oanh và Long chở Na giao cho Bun và Xuân nhận 15 triệu đồng, rồi cô gái bản ngây thơ bị bán sang tay cho Thuyên giá 23 triệu đồng. Ðời Na suýt bị hãm hại, khi sáng 28-4 bọn chúng đưa cô đến thị trấn Hòa Bình, liền bị Công an huyện Tương Dương tóm gọn. Tại phiên tòa, những tú ông, tú bà ăn năn hối hận nhưng đã quá muộn, phải trả giá bằng mức án thích đáng.

Báo cáo của công an tỉnh Nghệ An năm nay tiếp tục cảnh báo thực trạng, sơn nữ trở thành món hàng của bọn buôn người. Dù đánh mạnh nhưng vẫn còn nhiều thủ phạm lọt lưới. Chính quyền các địa phương cũng đang ráo riết "tự phòng", giáo dục, phổ biến cho bà con nâng cao cảnh giác, nhất là với kẻ lạ mặt tới tuyển lao động. Bà Lương Thị Tím, Chủ tịch Hội Phụ nữ  Con Cuông, lo lắng: "Thật đau lòng, nhiều chị em đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ, làm nô lệ tình dục. Hội hỗ trợ, tích cực tuyên truyền, nhưng trước hết mỗi chị em phải biết tự bảo vệ mình, miễn dịch trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu".

 "Biết đến bao giờ, bản mường trở lại yên bình như vốn dĩ tự ngàn xưa". Câu hỏi và lời than đắng lòng của già Tình dường như vẫn còn chất chứa bao nỗi day dứt khôn nguôi.

* Hơn 100 phụ nữ huyện Con Cuông bỗng dưng mất tích, trong đó xã Ðôn Phục là tâm điểm; các huyện khác cũng có tới hàng chục nạn nhân. Nhiều sơn nữ sập bẫy không lối thoát, để lại tiếng nức nở u hoài, mòn mỏi đợi trông của người thân ở quê nhà.