Bao giờ mới hết tạp nham?

NDO - Sự thiếu vắng của "bàn tay" quy hoạch đô thị khiến cho nông thôn Việt Nam trở nên tạp nham quá đỗi. Trong khi, sự "vào cuộc" của các nhà chuyên môn lại chưa tạo kết quả như mong muốn...
Kiểu kiến trúc lai căng, chắp vá xuất hiện khá phổ biến ở các làng quê ngày nay.
Kiểu kiến trúc lai căng, chắp vá xuất hiện khá phổ biến ở các làng quê ngày nay.

Ðua nhau khoe... hoành tráng

Chút chạnh lòng khi một "cây đại thụ" trong làng kiến trúc Việt Nam đã phải thốt lên: Hãy quay mặt về với nông dân! Quay mặt lại để làm gì? Ðể thấy sự đổi thay đến quay quắt...

Lâu nay chúng ta hầu như im lặng, quên nói đến kiến trúc nông thôn, nơi có tới gần 80% dân số đang sống. Trong khi, những người nông dân bỗng chốc "đổi đời" đua nhau khoe hoành tráng với những ngôi biệt thự sang trọng. Nhưng điều đáng nói, cái được gọi là sang trọng ấy lại trở nên lạc lõng giữa một quần thể kiến trúc đã có và tồn tại hàng trăm năm qua.

Theo nhận định của nhiều kiến trúc sư, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng lộn xộn của kiến trúc nông thôn Việt Nam hiện tại là do người nông dân "ngại" thuê các nhà chuyên môn tư vấn. Dễ dãi, lại kèm theo tâm lý ganh đua, thích phô trương đã dẫn đến hệ quả là sự xuất hiện ngày càng tràn lan những mẫu nhà chia lô vốn thịnh hành ở thị thành nhưng lại hoàn toàn không ăn nhập với cảnh quan nông thôn. Kiến trúc nhà ở và không gian truyền thống ở nhiều làng quê Việt Nam đang đổi đẹp lấy xấu, tuỳ tiện, manh mún và mạnh ai nấy làm.

Nguyên nhân khác là thiếu vắng sự can thiệp của "bàn tay" quy hoạch kiến trúc. Một thời gian dài, giới kiến trúc sư Việt Nam chả mấy mặn mòi trước "mảnh đất" này. Kiến trúc nông thôn không đơn thuần chỉ là không gian sống mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, cốt cách và linh hồn của mỗi làng quê. Bởi thế, sự thiếu quan tâm của giới nghề cũng là một sai lầm căn bản, quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam hơn bao giờ hết đang rất cần được tiến hành đồng bộ, với một tầm nhìn xa.

Thiếu những mô hình đẹp và phù hợp

Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng cũng thừa nhận, kiến trúc nông thôn Việt Nam phát triển tự phát, ngẫu hứng và tùy tiện đến thế cũng bởi rất ít có các đơn vị, cơ quan chuyên môn hay những tài liệu hướng dẫn người nông dân cách xây dựng những ngôi nhà ở vừa đẹp, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế và cấu trúc không gian làng quê truyền thống. Cũng rất hiếm hoi những mô hình nhà đẹp, làng đẹp thôn quê được giới thiệu, quảng bá để nhân rộng.

Xuất phát từ thực trạng này, cách đây chừng vài năm, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã triển khai các chương trình khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phát triển kiến trúc nông thôn. Cuộc thi Kiến trúc nhà ở nông thôn cũng đã được tổ chức với hy vọng sẽ phần nào tháo gỡ những nút rối của kiến trúc nông thôn hiện tại. Ði kèm cuộc thi là hội thảo chuyên đề về kiến trúc nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới, đặt ra nhiều vấn đề, những gợi ý mang tính giải pháp về kiến trúc nông thôn, xác định những mô hình hợp lý, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa ở từng vùng, miền.

Rõ ràng, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các ngôi làng cổ quan trọng không kém gì việc bảo tồn các khu phố cổ ở khu vực đô thị. Cũng như, kiến trúc nông thôn đang đứng trước những thách thức gay gắt không kém so với khu vực đô thị với đầy đủ các vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan hay bảo vệ môi trường...

Dẫu có phần muộn màng, cuộc thi Kiến trúc nhà ở nông thôn ngay khi phát động đã được giới chuyên môn đánh giá là một sự nhập cuộc cần thiết. Ít nhất cũng sẽ góp phần cải thiện và gìn giữ nét đẹp truyền thống đã có tự bao đời nay ở các làng quê Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ tìm ra những mẫu nhà đẹp, những kiểu kiến trúc phù hợp, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng "lên dây cót" để sẵn sàng tư vấn các mẫu nhà phù hợp cho các đối tượng nông dân ở các vùng, miền.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, điều nhìn thấy là diện mạo kiến trúc nông thôn vẫn từng ngày, từng giờ biến đổi theo cái mà người nông dân gọi là "xu thế thời cuộc". Ðối tượng hưởng lợi từ cuộc thi sáng tác kiến trúc nhà ở nông thôn là những người nông dân thì chính họ lại hầu như không biết nhiều đến nội dung cuộc thi. Rõ ràng, việc tác động đến ý thức của người dân là một quá trình không đơn giản. Vả lại, cũng không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống mà cần căn cứ trên những đặc thù, sắc thái riêng của mỗi vùng, miền.

Bao giờ kiến trúc nông thôn mới hết tạp nham? Câu hỏi luôn mang tính thời sự này chưa thể được trả lời trong ngày một, ngày hai.