Đừng ngại thay đổi

Để xây dựng thành công chính quyền điện tử ở các địa phương, hướng tới hoàn thiện Chính phủ điện tử, đòi hỏi nhiều yếu tố, từ lãnh đạo, lực lượng, sự liên kết giữa các ngành, đơn vị và phải là quá trình liên tục, thường xuyên. Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đơn vị được phân công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho việc xây dựng chính quyền điện tử trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần về việc cần thiết phải thay đổi nhận thức từ đội ngũ lãnh đạo đến người dân trong ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thủ tục hành chính.
Đừng ngại thay đổi

-Thưa bà, đến nay công việc chuẩn bị, xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chính quyền điện tử ở Hà Nội đã đến mức nào?

- Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác này, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong Chương trình mục tiêu, Kế hoạch ứng dụng CNTT hằng năm của thành phố. Cụ thể, Hà Nội đã làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu chính với đầy đủ cơ sở hạ tầng máy chủ, phần mềm hệ thống, thiết bị bảo mật,... phục vụ cho hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến và các hệ thống thông tin chuyên ngành. Đồng thời, duy trì hoạt động của Trung tâm dữ liệu dự phòng tại Sở Thông tin và Truyền thông, bảo đảm ổn định 24/24 giờ và kết nối liên tục với Trung tâm dữ liệu chính. Hà Nội cũng đã triển khai và duy trì hệ thống mạng WAN toàn thành phố, kết nối 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn... để đồng bộ và liên thông dữ liệu trong xử lý công việc.

Trên nền tảng “phần cứng” đó, thành phố đã đưa các ứng dụng CNTT, các hệ thống thông tin quan trọng phục vụ công tác quản lý như hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư với hơn 7,5 triệu bản ghi, hệ thống dữ liệu tư pháp hộ tịch... Triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp, thay đổi phương thức thực hiện các dịch vụ công. Đến nay, toàn thành phố đã có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, chiếm gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn.

- Liệu cán bộ và người dân có tiếp cận được các thiết bị, hạ tầng kỹ thuật hiện đại này hay không, nhất là còn có tâm lý ngại thay đổi?

- Để việc triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả thì rất cần sự tương tác từ phía người dân, doanh nghiệp. Do đó, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các dịch vụ công trực tuyến, in các tờ thông tin, phát đến tận bộ phận một cửa, tận các trường học... cắt cử đoàn viên, thanh niên tại các đơn vị để hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch trực tuyến... Qua quá trình triển khai với nhiều giải pháp, hình thức đổi mới thân thiện, người dân đã dần tiếp cận với hình thức mới.

Một số dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ sử dụng nhiều như lĩnh vực tư pháp có hơn 90% giao dịch trực tuyến, hơn 80% hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông qua mạng, hơn 70% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng, giao dịch hải quan và thuế đạt gần 100%... Tất nhiên, vẫn còn nhiều công dân chưa thích nghi với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là ở các khu vực ngoại thành xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất và trình độ tin học còn có hạn.

- Trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố đã gặp những khó khăn gì?

- Để việc triển khai tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới thì thành phố cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và nâng cao việc nhận thức tới toàn thể đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp.

Bên cạnh đó, nhiều thủ tục hành chính, quy trình thực hiện còn rườm rà, phức tạp. Một số bộ, ngành khi triển khai các ứng dụng CNTT cho địa phương không có kế hoạch và thông báo trước nên nhiều nội dung trùng lặp với kế hoạch triển khai của thành phố. Việc tích hợp các ứng dụng của bộ, ngành với các hệ thống sẵn có của thành phố chưa tương thích, dẫn kết việc kết nối trao đổi thông tin liên thông gặp khó khăn. Để người dân chấp nhận sử dụng các ứng dụng CNTT này, cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC, quy trình nghiệp vụ.

- Vậy theo bà phải tháo gỡ, khắc phục những khó khăn ấy như thế nào?

- Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác này tới toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, người dân và doanh nghiệp. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo CNTT các cấp, gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với công tác cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, bảo đảm “Ứng dụng CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, lĩnh vực, cơ quan đơn vị”.

Thành phố sẽ nỗ lực phối hợp trao đổi với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai ứng dụng CNTT, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông từ trung ương tới địa phương và khai thác hiệu quả các ứng dụng này.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!