Cũng may rủi như… xổ số
Khi các cuộc thi hát truyền hình tiến thêm một bước nữa, theo định dạng của gameshow truyền hình thực tế, thì bên cạnh giọng hát và ngoại hình, khả năng giao lưu hay đời tư cũng phát huy vai trò thu hút khán giả. Đã có những giải quán quân mà chỉ được lý giải: Do thí sinh có một xuất thân và chuyện đời khiến khán giả đồng cảm đến nỗi khiến họ không thể không bình chọn. Tất nhiên cũng không loại trừ có một thế lực nào đó đứng sau phụ trách bình chọn cho thí sinh.
Không ít những cuộc thi vừa kết thúc thì quán quân cũng bị lãng quên luôn. Yasuy (Quán quân Vietnam Idol 2012), Janice Phương (Quán quân Vietnam Idol 2016) hay Hoàng Đức Thịnh (Quán quân Giọng hát Việt 2019) là những thí dụ điển hình.
Và cũng không hiếm những người chỉ là á quân, thậm chí top 7-8, vẫn khẳng định được tên tuổi và có sự nghiệp vững vàng như Vũ Cát Tường, Trung Quân, Hoàng Dũng, Văn Mai Hương, Bùi Bích Phương, Trúc Nhân, Phương Mỹ Chi…
Khi truyền hình tìm cách câu kéo khán giả qua lá phiếu bình chọn thì vai trò của giới chuyên môn mà đại diện là ban giám khảo cũng phải giảm bớt. Như vậy, các cuộc thi vốn bao hàm sự may rủi, khi lên truyền hình theo format thực tế thì kết quả lại càng… mông lung hơn. Một ban tổ chức khôn khéo hẳn là phải tìm cách nào đó để "bọc lót" cho những thí sinh khá nhất không bị loại sớm.
Nhưng cũng có những sự việc bất ngờ làm thay đổi cục diện không chỉ trong cuộc thi mà cả thị trường ca nhạc sau này. Đã có vài lần ở Giọng hát Việt hay Vietnam Idol, thí sinh này vì cảm phục đối thủ bị loại nên đã tình nguyện nhường suất, nhưng bao giờ cũng bị giám khảo gạt đi. Duy nhất một lần sự nhường nhịn này đã được ban giám khảo và ban tổ chức chấp thuận ngay không đắn đo. Đó là khi Đăng Khoa nhường lại vị trí cho Uyên Linh. Và Uyên Linh từ thân phận bị loại đã trở thành hiện tượng năm đó khi đăng quang ngôi vị quán quân. Đó cũng là kỳ Vietnam Idol thành công nhất cho tới nay cả về hiệu ứng cũng như số lượng ca sĩ thành danh bước ra từ cuộc thi.
Chỗ đứng riêng của Sao Mai
Càng về sau, các cuộc thi hát truyền hình càng gây nhàm chán vì diễn ra liên tục và khiến khán giả mất niềm tin khi không giới thiệu ra thị trường được những giọng ca thực lực. Giọng hát Việt chưa thấy tái xuất kể từ năm 2019. Còn Vietnam Idol cũng phải mất bảy năm để "hồi phục". Nhưng sự giãn cách này xét ra cũng phù hợp quy luật thị trường. Khi những ca sĩ trẻ xuất thân từ cuộc thi cũng cần một khoảng thời gian ít cạnh tranh để phát triển. Và cũng cần có thời gian để các tài năng được sinh ra và trang bị hành trang cần thiết trước khi bước vào thi thố, tránh tình cảnh "gặt lúa non" khi các cuộc thi cứ xoay vòng liên miên.
Sao Mai có sự hậu thuẫn của Đài Truyền hình Việt Nam nên vẫn được tổ chức đều đặn. Nhưng phải thừa nhận các ca sĩ bước ra từ Sao Mai chủ yếu vẫn có sức hút với thị trường phía bắc trong dòng nhạc cách mạng và nhạc âm hưởng dân gian. Một số giọng hát nhạc nhẹ từng thi Sao Mai nhưng vẫn phải kinh qua các cuộc thi khác mới có chỗ đứng trong thị trường. Uyên Linh hay Hoàng Quyên là thí dụ. Dù vậy, vai trò quan trọng của cuộc thi trong việc giữ gìn và phát triển dòng nhạc mang mầu sắc thính phòng và dân gian chính là điều làm nên bản sắc và vị trí "độc tôn" của cuộc thi.
Những kỳ Sao Mai đẩy mạnh phong cách thính phòng, cho phép thí sinh hát cả những aria cổ điển thu hút được nhiều tài năng thanh nhạc. Điều thú vị là những giọng ca thính phòng khi đã thi Sao Mai thì đều giữ được chất học thuật và mở rộng phạm vi hoạt động trong thị trường. Đó là trường hợp của những Đào Tố Loan, Vũ Thắng Lợi, Đỗ Tố Hoa hay Lan Quỳnh… Những ngôi sao hàng đầu hoạt động bền bỉ trong dòng bán cổ điển như Trọng Tấn, Lan Anh cũng đều được chú ý sau khi đạt giải ở Sao Mai.
Thần tượng Vpop hay Kpop?
Vietnam Idol 2023 có nhiều biến đổi về định dạng để phù hợp với tình hình hiện tại. Kỳ thi lần này có cái tên "mở rộng" là Thần tượng Âm nhạc Việt Nam thế hệ mới. Cuộc thi đặt ra một mặt bằng chung cao hơn, đòi hỏi các thí sinh phải có nhiều kỹ năng bổ trợ như rap, vũ đạo, chơi nhạc cụ, sáng tác… Nói chung là tạm biệt khẩu hiệu "Thành người hùng từ số không" (From zero to hero).
Đúng như dự đoán, nhiều tài năng sau thời gian dài bị "dồn toa" đã hội tụ về Vietnam Idol năm nay tạo nên một đại tiệc âm nhạc thịnh soạn để giám khảo tha hồ lựa chọn. Nhưng ngoài ban tổ chức, ban giám khảo, một thành phần đóng vai trò không kém phần quan trọng là giám đốc âm nhạc - là người sẽ quyết định thực đơn của bữa tiệc. Bao gồm tư vấn chọn bài, quyết định phong cách bản phối cho tới thứ tự xuất hiện của thí sinh.
Vì mỗi đêm thi cũng là một chương trình ca nhạc truyền hình cần có lớp lang, thứ tự để nuôi sự chú tâm và cảm xúc của khán giả. Cho nên càng về cuối chương trình bao giờ khán giả cũng bắt gặp những tiết mục bùng nổ hơn, tác động mạnh hơn. Đây cũng có thể coi là một cách đánh giá sơ bộ về thí sinh để giám khảo hoặc khán giả có thể tham khảo khi bình chọn.
Hai đêm thi tại sân khấu gần đây, vị trí vedette lần lượt dành cho Lê Khoa và Hồ Võ Thanh Thảo. Đây đều là hai đại diện tiêu biểu cho thế hệ nghệ sĩ mới, độc lập, hội đủ nhiều kỹ năng trong sáng tạo và sản xuất âm nhạc. Cuộc thi chủ yếu có vai trò giúp họ tiếp cận số đông khán giả. Để đo xem cá tính âm nhạc của bản thân nên thể hiện đến đâu thì vừa- trong trường hợp họ muốn tiến vào thị trường.
Nếu Sao Mai vẫn bảo đảm được tính thuần Việt thì những cuộc thi ứng dụng format nước ngoài như Vietnam Idol luôn tạo điều kiện cho các thí sinh "quốc tế hóa" hết mức có thể.
Họ có thể lấy những nghệ danh là lạ gây tò mò hoặc hoàn toàn "Tây" như Annie hay Hellen. Họ có thể hát, rap bằng tiếng Anh. Các giám khảo vẫn thường xuyên phải nhắc họ về việc hát cho rõ tiếng Việt. Và trên sân khấu họ có một tổng thể hao hao các thần tượng Kpop. Tất nhiên có nhiều kỹ năng rất tốt nhưng nếu lúc nào cũng đem bằng ấy thứ ra khoe một lúc sẽ nhanh chóng khiến khán giả thấy chán. Bởi nói gì thì nói, hạt nhân của cuộc thi vẫn là giọng hát. Hy sinh giọng hát để nhường chỗ cho hình ảnh chưa chắc đã là một lựa chọn khôn ngoan.
Còn sáu đêm truyền hình trực tiếp nữa là một Thần tượng Âm nhạc Việt Nam thế hệ mới sẽ xuất hiện. Quyền quyết định bây giờ chủ yếu nằm trong tay khán giả. Và Ban tổ chức có vẻ cũng muốn đem lại một kết quả thật khách quan, khi mỗi khán giả muốn bình chọn đều phải dùng tài khoản định danh. Hẳn là họ phải hiểu hơn ai hết việc "chọn mặt gửi… quán quân" sẽ đóng vai trò quan trọng đối với thành công và danh tiếng của cuộc thi.