Trong các khu trợ giúp dân thường của Liên hợp quốc ở châu Phi (POC, hay có thể hiểu nôm na là trại tị nạn), lũ trẻ thường lấy dây buộc vào những cái túi đó, rồi chạy, như một trò chơi vui vẻ. Nhưng túi rác thì đâu phải là những cánh diều, đâu thể bay cao được? Chỉ là là mặt đất, rồi rơi xuống khi lũ trẻ ngừng chạy. Đó, phải chăng, cũng chính là ẩn dụ của những quốc gia đang chìm trong vũng lầy của đói nghèo và xung đột? Vậy nên, cần có những cánh tay, để thả lên không trung những cánh diều đích thực…
“Chúng tôi không đi giải cứu thế giới”
Tới bây giờ, tôi vẫn nhớ câu nói giống như lời trách của một chiến sĩ Mũ nồi xanh Quân đội nhân dân Việt Nam đối với “cánh báo chí”: “Cảm ơn các bạn, nhưng xin đừng nói về chúng tôi với những từ ngữ to tát quá. Chúng tôi không phải là những người đi giải cứu thế giới!”.
Tôi đã rất bất ngờ khi nghe điều đó. Cũng đúng thôi, bởi dưới góc độ báo chí, hay kể cả trên khía cạnh… nghệ thuật, thì sứ mệnh mà những người lính ấy đang tham gia “đẹp” quá! Nhân văn quá! Và đó lại là một nhiệm vụ mới của quân đội ta, một niềm tự hào mới của đất nước ta, khi chúng ta góp sức mình cho những “công việc chung của thế giới”: Ngăn chặn xung đột, chiến tranh, và kiến tạo hòa bình. Tôi cũng còn nhớ vào khoảng năm 2016, có một bộ phim của Hàn Quốc chiếu trên một số kênh truyền hình ở Việt Nam, được người dân, đặc biệt là giới trẻ, ưa thích mang tên “Hậu duệ mặt trời”. Nội dung của bộ phim đó kể về hoạt động của lực lượng Gìn giữ Hòa bình Hàn Quốc, trong đó có cả sự xuất hiện của bệnh viện quân y dã chiến. Trùng hợp là phim ra mắt đúng vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị triển khai Bệnh viện Dã chiến đầu tiên (Bệnh viện Dã chiến cấp hai số 1) tại Nam Sudan.
Mạc Đức Trọng - một trong hai chiến sĩ Mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam - tặng diều cho trẻ em tại Juba (Cộng hòa Nam Sudan) - năm 2017. |
Thế là người dân cả nước, đặc biệt là giới trẻ, được một phen xôn xao, ví von lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam giống như những “Hậu duệ mặt trời” phiên bản đời thực. Có người còn nói lái đi thành “Hậu duệ Lạc Hồng”, rồi hình dung lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam theo kiểu siêu anh hùng trong phim hành động… Chính bản thân tôi, trong thời gian đầu đồng hành với lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam với tư cách một phóng viên quân đội, cũng cảm phục và ngưỡng mộ các đồng đội Mũ nồi xanh của mình với tâm lý đó.
Nhưng rồi, càng gắn bó với họ, quan sát cuộc sống, quá trình thực hiện nhiệm vụ của họ, tôi lại càng thấm thía lời nói có phần hơi “phũ” của người chiến sĩ năm nào.
Những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, khi đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh, họ vẫn là anh Bộ đội Cụ Hồ. Họ không giống như nhân vật phim ảnh, không cao siêu, không nổi trội, mà khiêm nhường, gần gũi… Có khi họ không nghĩ rằng mình đang góp phần mang hòa bình tới cho một đất nước, mà họ chỉ nghĩ: Mình đang làm một điều gì đó để tạo ra niềm vui cho những con người đã chịu nhiều khổ đau, vất vả vì xung đột và đói nghèo.
Gìn giữ Hòa bình là một sứ mệnh cao cả. Nhưng đầu tiên, cũng chính là gìn giữ và tạo ra những niềm vui, dù là nhỏ nhất. Bởi thế, dù là các đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp hai (đang thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan) hay Đội Công binh (đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Abyei - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Sudan), hay là các sĩ quan lên đường thực hiện nhiệm vụ độc lập, thì trong hành trang của họ cũng có những món đồ rất đặc biệt: Bút mầu cho lũ trẻ, hay những quả bóng đá; hoặc là hạt giống cây trồng cho người dân ở khu vực Bentiu, nơi Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam đóng quân.
Niềm vui có thể từ những món quà nho nhỏ ấy, và còn có thể đến từ… một bữa ăn. Như những bữa tối mà thi thoảng bộ đội Việt Nam tại Thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi hay tới nấu cho những đứa trẻ bị bỏ rơi do hậu quả của các cuộc xung đột. Có nhìn sâu vào những ánh mắt trẻ thơ ấy, chúng ta mới thật sự hiểu: Hạnh phúc đôi khi không phải là bất cứ điều gì cao xa quá.
Vậy đấy, để “giải cứu thế giới” thì trước tiên, hãy giải cứu những cái bụng đói của trẻ em nghèo…
Bộ đội Việt Nam nấu cháo bữa tối cho trẻ em bị bỏ rơi ở Thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi. |
Họ bảo vệ Tổ quốc theo cách của mình
Tại sao chúng ta lại cử bộ đội đi tới những nơi xa xôi, gian khổ, khó khăn, nguy hiểm, và dường như không liên quan gì tới Việt Nam? Vậy mà có đấy! Tất cả những điều tốt đẹp họ đã làm, tất cả những khó khăn, nguy hiểm mà họ đã vượt qua, đã góp phần lan tỏa một thông điệp lớn ra toàn thế giới: “Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chúng ta sẵn sàng chìa tay với bạn bè quốc tế trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Điều đó có nghĩa là, cộng đồng quốc tế cũng sẽ sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ chúng ta…
Hành trang của mỗi chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam lên đường không chỉ là những chiếc ba-lô. Lên đường, họ mang theo cả niềm tự hào và hy vọng mà Tổ quốc - nơi có những người thân yêu nhất của họ - gửi gắm. Niềm tự hào đó sẽ làm nên sức mạnh, động lực, để họ không bao giờ cho phép mình lùi bước trước khó khăn, và thật sự trở thành những sứ giả hòa bình đến từ Việt Nam, với niềm tin vững chắc: Tham gia kiến tạo hòa bình cho thế giới cũng là bảo vệ đất nước, từ sớm, từ xa.
Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân chính nghĩa, tròn 80 năm qua, đã làm nên nhiều chiến thắng vẻ vang trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong nhịp bước quân hành thời đại mới, đã có thêm một lực lượng mới góp phần khẳng định tính chính nghĩa của Quân đội ta: một đội quân bảo vệ Tổ quốc, cũng là một đội quân bảo vệ Hòa bình. Đó chính là lực lượng Mũ nồi xanh - những người đang cố gắng nối dây cho từng cánh diều nhỏ cưỡi gió, trên khoảng trời xanh thăm thẳm ở châu Phi xa xôi…
Kể từ khi người lính Bộ đội Cụ Hồ đầu tiên đội chiếc mũ nồi xanh lên đường vào năm 2014, sau 10 năm triển khai, đến nay, Việt Nam cử hơn 1.000 lượt quân nhân trong vai trò các sĩ quan cá nhân cùng sáu đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp hai và ba đội hình Đội công binh luân phiên tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei. Cán bộ, sĩ quan Việt Nam luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện bản lĩnh, năng lực chuyên môn, được lãnh đạo, các quan chức Liên hợp quốc nhiều lần khen ngợi, đánh giá cao.