Thách thức trước ngưỡng cửa “già hóa”
Tại Việt Nam, những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ 2007 và cũng vừa vượt qua mốc 100 triệu dân, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của nước ta trong hiện tại và tương lai, trong đó là xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già...
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định, Việt Nam còn khoảng 15 năm nữa để bước vào giai đoạn dân số già. Từ giai đoạn bùng nổ dân số, sau một thập niên thực hiện chính sách kế hoạch hóa dân số (bắt đầu từ năm 1993), tổng tỷ suất sinh bình quân của nước ta đã giảm mạnh từ 3,5 xuống 2,1 con/phụ nữ. Cơ cấu dân số thay đổi, lực lượng lao động chiếm đa số, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007.
Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số, Bộ Y tế nêu rõ, nếu trong 10 năm, từ 1979-1989, dân số tăng thêm 20% thì người cao tuổi tăng thêm 25%; giai đoạn 1989-1999, các tỷ lệ tương ứng là 18% và 33%. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, giai đoạn (1999-2016), dân số tăng thêm 21,1%, còn người cao tuổi tăng thêm 49,4%. Đáng chú ý là những người 80 tuổi trở lên, nhóm đang được hưởng trợ cấp xã hội, nếu không có lương hưu hoặc các loại trợ cấp khác là nhóm tăng nhanh nhất.
Đơn cử chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 1/12/2023, số người hơn 60 tuổi là hơn 1,3 triệu người, chiếm tỷ lệ 12,24% tổng dân số. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tuổi thọ bình quân của người dân thành phố là 76,6 tuổi, cao hơn trung bình cả nước. Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của thành phố là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8%. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, những số liệu này cho thấy, thành phố đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Già hóa dân số tại thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình tăng cao.
Các chuyên gia nhìn nhận, với thực trạng già hóa dân số nhanh, nước ta sẽ chịu nhiều tác động, ngoài việc làm suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân của quốc gia. Chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng bảy đến tám lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, vì vậy, với số lượng người già tăng lên, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt một áp lực lớn, chi tiêu công tăng để hỗ trợ người già không có nguồn thu nhập và các chương trình hỗ trợ khác.
Các nghiên cứu về người cao tuổi cũng đã chỉ ra với tốc độ già hóa vào nhóm nhanh nhất thế giới thì trong tương lai, người cao tuổi Việt Nam cùng lúc đối mặt với khó khăn về nhà ở, chăm sóc y tế và an sinh xã hội.
Còn theo ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một nghiên cứu tại bệnh viện cho thấy, người cao tuổi ở Việt Nam sau 60 tuổi mắc hai đến ba loại bệnh, con số này tăng lên gần bảy loại bệnh ở sau tuổi 80. Hiện nay, Việt Nam cũng đối mặt tình trạng mức sinh thấp. Điều này sẽ tác động lên cấu trúc gia đình với mô hình “4-2-1”- tức bốn người là ông bà nội ngoại, hai người là bố mẹ sẽ trông đợi vào sự chăm sóc của một người là con cháu trong gia đình. Ông Anh cũng cho rằng, người cao tuổi sẽ được chăm sóc tốt hơn, giảm chi phí hơn khi được người thân chăm sóc. Tuy nhiên, thực tế với cấu trúc gia đình hiện tại, người già cần có hệ thống y tế và đội ngũ trợ giúp phù hợp trong tương lai.
Đề xuất các chính sách ứng phó
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, có khoảng hơn 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu và trợ cấp hằng tháng; sống dựa hoàn toàn vào thu nhập không cao và không thường xuyên, chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào con cháu…
Dự báo nếu năm 2023 cứ hơn bảy người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ một người cao tuổi thì đến năm 2036 là hơn ba người và đến năm 2049 chỉ còn hơn hai người. Tình trạng này sẽ còn đáng lo ngại hơn ở những gia đình sinh một con. Đây là một số đặc điểm cơ bản, quan trọng nên được xem xét khi xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam để bảo đảm công bằng cho tất cả các nhóm tuổi, hướng đến phát triển bền vững.
Để thích ứng với già hóa dân số, dân số già, phía Bộ Y tế đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến sau khi trình Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Dự án Luật Dân số xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh. Ngoài ra, một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình già hóa dân số hiện nay cũng được đưa ra như hoàn thiện chính sách dân số, trong đó kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước; phát triển các dịch vụ dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp thời kỳ già hóa dân số; xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực; xây dựng chính sách việc làm đa dạng và phát triển thị trường lao động phù hợp với thời kỳ già hóa dân số.
Về vấn đề này, tại phiên thảo luận chiều 4/11/2024 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ cần chú trọng hai vấn đề lớn. Cụ thể, từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chất chiến lược.
Cùng đó, theo các chuyên gia, cần sớm hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội tích hợp, đa tầng và hiện đại, chủ động thích ứng với già hóa dân số nhanh. Theo đó, hoàn thiện thể chế, chính sách an sinh xã hội theo hướng chủ động, tích hợp, có sự điều phối và liên kết giữa các hợp phần bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và việc làm; hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi...
Theo quan điểm của ông Nguyễn Trung Anh, người cao tuổi sẽ được chăm sóc tốt hơn, giảm chi phí hơn khi được người thân chăm sóc. Tuy nhiên, thực tế với cấu trúc gia đình hiện tại, người già cần có hệ thống y tế và đội ngũ trợ giúp phù hợp trong tương lai. Hệ thống y tế cần bắt nhịp với tình trạng già hóa dân số. Cần có thêm những trung tâm chăm sóc cho người cao tuổi, viện dưỡng lão...
Già hóa dân số là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam. Bài học kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy nếu không có chính sách kịp thời sẽ gây tác động rất lớn đến kinh tế và xã hội. Vì thế, để thích ứng với già hóa dân số, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và không chỉ là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực, mà là một chiến lược dài hạn của cả quốc gia. Trong đó, cần tập trung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và tạo việc làm và môi trường làm việc cho người cao tuổi.
Trước xu hướng kết hôn muộn và mức sinh giảm, dự báo theo phương án trung bình, dân số già (từ 65 tuổi trở lên) của Việt Nam sẽ tăng nhanh từ 7,4 triệu người vào năm 2019 lên 25,2 triệu người vào năm 2069. Tức là nếu năm 2019, cứ hai trẻ em có một người già thì đến năm 2069, cứ hai trẻ em sẽ có ba người già.