Tạo việc làm, chuyển nghề cho người cao tuổi

Đề xuất các chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi nhằm thích ứng với già hóa dân số, dân số già, được coi là một trong những điểm đáng chú ý tại dự án Luật Dân số do Bộ Y tế đang xây dựng, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm nay và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người cao tuổi vẫn phải mưu sinh nhọc nhằn mỗi ngày. Ảnh: Khiếu Minh
Nhiều người cao tuổi vẫn phải mưu sinh nhọc nhằn mỗi ngày. Ảnh: Khiếu Minh

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất xây dựng các chương trình và dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. Xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi. Thực hiện các chương trình và dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn người cao tuổi,...

Tuổi cao vẫn phải bươn chải kiếm sống

Không chỉ sống chung với nhiều bệnh tật khi tuổi cao, nhiều người cao tuổi vẫn phải chật vật mưu sinh do không có lương hưu và trợ cấp hằng tháng.

Ông Nguyễn Văn Sơn (67 tuổi) hiện làm bảo vệ cho một cửa hàng thời trang tại Hà Nội chia sẻ, ông làm nghề thợ xây từ thời còn trẻ, nhưng 5 năm trở lại đây sức khỏe sa sút, không còn đủ sức để dãi nắng dầm mưa nên ông chuyển nghề. Qua một công ty môi giới việc làm, ông được tuyển vào làm bảo vệ với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Công việc này ông coi là phù hợp và đủ chi trả các chi phí sinh hoạt, ăn uống mỗi tháng. Song điều ông lo ngại là không có khoản tích lũy nào để phòng ngừa khi trái gió trở trời, ốm đau.

Nhiều người rơi vào hoàn cảnh như ông Sơn, ở tuổi ngoài 60 đến 70 vẫn phải bươn chải trên những con phố, góc chợ của Hà Nội với mức thu nhập thấp để trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh, như chia sẻ của ông Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố: “Một điều đáng buồn là hiện nay còn nhiều người 60, 70 tuổi phải ra đường buôn bán, tìm kế sinh nhai. Phần lớn người cao tuổi nhận mức lương hưu thấp. Tỷ lệ người cao tuổi không được hưởng bảo hiểm xã hội, không được nhận trợ giúp xã hội còn cao và có xu thế tăng dần”. Ông Thành cho rằng, với tốc độ già hóa nhanh như hiện nay, thành phố cần có một chương trình hành động cụ thể.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2016, ở Việt Nam, đến tuổi hưu, trung bình sống thêm 18,3 năm; đối với nữ là 24,7 năm. Trong số người cao tuổi, nhiều người khỏe mạnh, có khả năng và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và nhu cầu lao động, vẫn có thể tiếp tục làm việc bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, có cuộc sống ý nghĩa hơn và tích cực hơn. Tuy nhiên, 57% số người cao tuổi hoạt động kinh tế là làm nông nghiệp, tức là khu vực có năng suất thấp. Người cao tuổi ở thành thị, thường có sức khỏe tốt hơn, kiến thức tay nghề cao hơn nhưng tỷ lệ hoạt động kinh tế chỉ có 20%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn lên tới 42,5%. Đây là dấu hiệu cho thấy, chúng ta chưa tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Hiện vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi có nhu cầu còn hạn chế. Mức lương bình quân của người cao tuổi gần 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 34,0% mức lương bình quân trên thị trường.

Tạo vốn và môi trường làm việc phù hợp

Từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội, nhằm ứng phó hiệu quả. Cụ thể, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người cao tuổi vay vốn ưu đãi để sản xuất-kinh doanh (Thông tư số 96/2018/TT-BTC). Người cao tuổi có thể vay vốn tín dụng ưu đãi từ hai nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống.

Với đề xuất xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi. Bộ Y tế nhận định, những giải pháp này sẽ giảm bớt áp lực về dân số đối với các đô thị lớn và bảo đảm nguồn nhân lực đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng, miền. Đưa lao động từ các khu vực đông dân nhưng ít tài nguyên sang khu vực ít dân nhưng giàu tài nguyên để tận dụng tối đa nguồn lao động cho quá trình phát triển. Đồng thời, tăng cường đầu tư và phát triển kinh tế tại các vùng, miền chưa được phát triển; hỗ trợ để đẩy mạnh quá trình tái định cư và phân bố dân cư hợp lý; khuyến khích người dân sinh sống và làm việc tại các vùng đang thiếu hụt lao động.

Những đề xuất này được các chuyên gia đánh giá phù hợp tình hình già hóa dân số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có nguồn ngân sách hỗ trợ và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành.

Về vấn đề này, GS Giang Thanh Long (Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, thích ứng với già hóa dân số là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam. Trong đó, cần tập trung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và tạo việc làm và môi trường làm việc cho người cao tuổi. Trong tương lai không xa, chúng ta cũng sẽ phải sử dụng nguồn lao động là người cao tuổi như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... bởi tỷ lệ người già trong cơ cấu dân số gia tăng. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Thí dụ, một số nước khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi ở một số vị trí phù hợp, kèm theo đó là chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Hay tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho người cao tuổi, được bảo vệ, chống phân biệt đối xử với người cao tuổi ở môi trường làm việc... từ đó khuyến khích người cao tuổi làm việc, GS Long nói.

Tạo mọi điều kiện kéo dài thời gian lao động cho người cao tuổi không chỉ là giải pháp thích ứng với xu hướng già hóa dân số mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Cả nước có hơn 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương, thu nhập thấp. Trong đó, gần 80% số người lao động cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình.