Đồng chí Hoàng Sâm (1915-1969) tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 ở Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Quảng Bình. Sau khi cùng gia đình rời quê hương sang Thái Lan kiếm sống, nhờ sự sáng dạ và nhanh nhẹn, Trần Văn Kỳ đã được Thầu Chín (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong thời gian hoạt động tại Thái Lan) lựa chọn và huấn luyện trở thành liên lạc của Người. Dưới sự dìu dắt của Thầu Chín, Trần Văn Kỳ đã tích cực tuyên truyền vận động bà con Việt kiều tham gia các tổ chức cách mạng.
Năm 1933, người thanh niên Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao phụ trách địa điểm liên lạc và in phát truyền đơn. Trong thời gian ở Thái Lan, Trần Văn Kỳ thể hiện là một đảng viên năng nổ và có nhiều đóng góp cho phong trào yêu nước của bà con Việt kiều.
Năm 1934, Trần Văn Kỳ bị lộ và bị mật thám Thái Lan bắt giam rồi trao cho Lãnh sự quán Pháp. Sau một năm giam giữ, do không có bằng chứng kết tội, Trần Văn Kỳ được thả và bị trục xuất khỏi Thái Lan. Ông được tổ chức bí mật đưa sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1937, theo sự phân công của cấp trên, Trần Văn Kỳ về nước và làm việc tại Tỉnh ủy Cao Bằng, phụ trách cơ quan in và công tác giao thông liên lạc ở biên giới cho tới năm 1939. Năm 1940, Trần Văn Kỳ sang Tĩnh Tây để bắt liên lạc với cấp trên. Cũng tại đây, Trần Văn Kỳ được gặp lại Thầu Chín và được tham dự lớp huấn luyện cán bộ về công tác tổ chức đoàn thể quần chúng do Người trực tiếp giảng dạy. Lúc này, Trần Văn Kỳ mới biết Thầu Chín chính là Bác Hồ và được Bác đặt tên là Hoàng Sâm.
Đầu năm 1941, Hoàng Sâm được cấp trên giao nhiệm vụ cùng các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ Bác Hồ từ Trung Quốc trở về Pác Bó (Cao Bằng) sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Cuối năm 1941, Đội du kích Cao Bằng gồm 12 người được thành lập, Hoàng Sâm được cử làm Đội phó rồi Đội trưởng. Từ 1940-1943, ông làm Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh và Tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Kạn phụ trách tự vệ chiến đấu trừ gian và củng cố cơ sở cách mạng, tổ chức du kích khu vực biên giới hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Ngày 22/12/1944, Hoàng Sâm được tín nhiệm cử làm Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) và trực tiếp chỉ huy đánh thắng trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhớ lại sự kiện này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết: “Đội trưởng Hoàng Sâm thoát ly gia đình từ nhỏ, tham gia hoạt động cách mạng, đã qua Xiêm La (Thái Lan), Trung Quốc rồi trở về nước hoạt động. Qua nhiều năm bị đế quốc truy nã, anh vẫn lăn lộn trong đồng bào Kinh, Thổ, Mán, Nùng, nhiều lần vũ trang chiến đấu đánh vào các đội quân tuần tiễu của Pháp, làm cho bọn thổ phỉ cũng phải kinh sợ”.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1950), Hoàng Sâm được giao giữ chức vụ Khu trưởng Khu 2, Chỉ huy Mặt trận Tây Tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Sâm khi ông mới 33 tuổi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, chỉ huy tiếp quản Hải Phòng. Từ năm 1955-1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn và Tư lệnh Quân khu 3. Giữa năm 1968, ông được lệnh vào làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên.
Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: “Tôi với anh Hoàng Sâm gắn bó trong công tác với nhau nhiều năm và có nhiều kỷ niệm, nhất là khoảng thời gian khi anh làm Tư lệnh Quân khu 3, còn tôi làm Chính ủy. Anh chỉ huy rất kiên quyết, luôn suy nghĩ độc lập, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng rất cởi mở, thẳng thắn và chân thành lắng nghe mọi người. Mọi vấn đề lãnh đạo được đặt ra về xây dựng và chiến đấu của Quân khu, chúng tôi luôn nhất trí, ý hợp tâm đầu”.
Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết thêm, năm 1968, chiến trường miền nam, trong đó có chiến trường Trị Thiên-Huế rất ác liệt, Thiếu tướng Hoàng Sâm được điều vào làm Tư lệnh mặt trận Trị Thiên. Một thời gian sau tôi cũng được điều vào tăng cường cho mặt trận này. Tháng 10/1968, tôi bị sốt rét ác tính làm mê man, tê liệt. Tư lệnh Hoàng Sâm thường xuyên đến thăm hỏi và nhiều lần ứa nước mắt, tưởng tôi không thể vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Anh quyết định chuyển gấp tôi ra miền bắc cứu chữa. Khi chia tay tôi, anh còn lưu luyến mãi với ánh mắt lo lắng. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Sau khi ra bắc, tôi được báo tin anh đã hy sinh ở chiến trường Trị Thiên. Tôi bàng hoàng, thương tiếc anh, một đồng chí chỉ huy quân sự tài năng, một người đồng chí gắn bó thân thiết.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang, dù đồng chí Hoàng Sâm xa quê hương từ nhỏ, song nhân dân Quảng Bình vẫn luôn nhớ về ông - người con ưu tú của quê hương, người đảng viên kiên trung, vị chỉ huy quân sự tài năng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.