Tư duy và chính sách đột phá

Tình hình thế giới và khu vực tác động nhiều chiều đến văn học, nghệ thuật. Quá trình toàn cầu hóa, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa diễn ra ngày càng quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, phát triển rất nhanh, tiếp tục làm thay đổi phương thức sáng tạo, lưu trữ, giới thiệu, phát hành các sản phẩm văn học nghệ thuật.
0:00 / 0:00
0:00
Vở ballet “Giselle” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ảnh: VNOB
Vở ballet “Giselle” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ảnh: VNOB

Nhiều mong mỏi, ít kết quả

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) ban hành ngày 16/6/2008 về phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới ra đời cách đây hơn 16 năm, nhận định: Nhìn tổng thể, văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng.

Bên cạnh ưu điểm, kết quả đạt được, Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong công tác và đời sống văn học nghệ thuật. Đó là “hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”. Nghị quyết đồng thời nêu mục tiêu, quan điểm, giải pháp, trong đó xác định: “Chính phủ xây dựng nghị định về các hội văn học nghệ thuật, khẳng định các hội là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, được đầu tư, chăm lo cho sự phát triển. Nghiên cứu phương thức huy động các nguồn lực cho hoạt động của các hội theo hướng đa dạng hóa và việc sử dụng nguồn lực các hội một cách hợp lý, tạo cơ hội cho ra đời các tác phẩm tốt. Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, xuất bản, công diễn, trình chiếu, triển lãm, tặng giải thưởng các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”.

Dù đã có chủ trương, biện pháp nêu trên, quá trình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Rõ nhất là việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn học nghệ thuật nói chung, Nghị quyết số 23-NQ/TW nói riêng, còn chậm, chưa đồng bộ.

Chưa có chính sách đột phá trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ văn nghệ sĩ tài năng; đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đúng tầm, đúng mức; chưa xây dựng và vận hành được các công trình văn học nghệ thuật quy mô, có khả năng phục vụ những hoạt động lớn, yêu cầu cao về nghệ thuật và kỹ thuật biểu diễn theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số cơ quan, cá nhân còn có cách hiểu chưa đúng, cho rằng đầu tư kinh phí cho hoạt động văn học nghệ thuật là sự “bao cấp” của Nhà nước. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật còn nhiều bất cập, chưa xác định rõ vai trò của các chủ thể gắn với đặc thù của từng lĩnh vực. Việc thực hiện chính sách tôn vinh, trao giải thưởng, khen thưởng, hỗ trợ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập. Việc sáp nhập một cách máy móc, xơ cứng, vô cảm các đoàn nghệ thuật ở địa phương, nhất là nghệ thuật truyền thống, làm xóa nhòa đặc trưng của các loại hình nghệ thuật, gây khó khăn cho hoạt động của văn nghệ sĩ, dẫn đến tình trạng “nghiệp dư hóa” nghệ thuật chuyên nghiệp.

Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng; chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phê bình, phổ biến, lưu giữ tác phẩm. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, quan tâm rộng rãi của công chúng và có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ. Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng đánh giá, hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác và định hướng tiếp nhận.

Để văn học nghệ thuật “vừa có nền, vừa có đỉnh”

Cơ chế kinh tế thị trường một mặt tạo điều kiện tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn học nghệ thuật nhưng mặt khác, làm gia tăng xu hướng thương mại hóa, hạ thấp tiêu chuẩn giá trị thẩm mỹ, nhân văn của các tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và phát biểu chỉ đạo quan trọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) giúp nâng cao nhận thức sâu sắc của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới chỉ rõ: Đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật. Chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Văn học, nghệ thuật là một bộ phận hết sức quan trọng của nền văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nó phản ánh đời sống hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, quy luật đặc thù của nghệ thuật, vì thế, nó dễ dàng đi vào tâm hồn, tình cảm, nhận thức, góp phần quan trọng tạo nên cốt cách, nhân cách con người. Tuy nhiên, không phải cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu; cán bộ lãnh đạo, quản lý; bộ phận tham mưu, giúp việc nào cũng hiểu đúng, đủ, sâu sắc và “chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật”... để có ứng xử phù hợp.

Tính chất “đặc biệt tinh tế” của văn học, nghệ thuật còn được thể hiện ở chỗ: Không phải cứ có tiền, nhiều tiền, có đủ mọi điều kiện vật chất tốt thì người nghệ sĩ có thể tạo ra tác phẩm chất lượng cao. Nhà văn châm biếm, trào phúng Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin (1915 - 1995), trong truyện “Chỉ tại lắm ruồi”, kể về một nhà văn không sáng tác được gì và đổ lỗi do thiếu hết thứ này đến thứ khác. Nhưng khi đã có đủ, có thừa, tình trạng vẫn thế. Anh ta liền nêu lý do duy nhất còn lại là do bọn ruồi gây phiền hà, làm anh ta mất cảm hứng, mất tập trung (!).

Sau cùng, điều quan trọng nhất của sáng tạo văn học, nghệ thuật là tài năng, tâm huyết, vốn sống, trải nghiệm, lao động phi thường, tiếng gọi tự thân, tự giác của người nghệ sĩ. Dưới chế độ phong kiến, thực dân; trong đấu tranh cách mạng sinh tử; trên trận tuyến nóng bỏng, đầy bom đạn… nhiều nghệ sĩ đã sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ. Trong đó, có những danh nhân lớn của dân tộc, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh... và có những văn nghệ sĩ được nhiều thế hệ công chúng nhớ tới: Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Anh Đức, Nguyễn Thi, Trần Kiết Tường, Diệp Minh Châu…

Nhiều năm qua, Chính phủ đã có chương trình đầu tư thông qua Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các hội viên văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương theo từng giai đoạn, như 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020, 2021-2025... Bên cạnh đó là các đề án khác của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội chuyên ngành về khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh một giai đoạn, vấn đề cụ thể trong lịch sử dân tộc.