- Thưa đồng chí, ra đời cách đây tròn 20 năm, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng, cần thiết, góp phần đáng kể giảm thiệt hại về người và tài sản, trong bối cảnh các thảm họa thiên tai, khí hậu và cả do con người gây ra xuất hiện ngày càng khó lường, quy mô và tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Đồng chí có thể phác họa những nét căn bản về hành trình 20 năm qua của Cục Cứu hộ-Cứu nạn?
- Trong 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, với chức trách, nhiệm vụ được giao, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã tham mưu hướng dẫn, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân triển khai lực lượng, phương tiện ứng trực, kịp thời ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, sự cố cháy nổ, cháy rừng, sập đổ công trình, hóa chất độc, xạ, đã tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hàng vạn người, hàng trăm nghìn phương tiện tàu thuyền của ngư dân trên biển, góp phần quan trọng giảm thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã hoàn thành tốt chức năng Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội tham mưu giúp Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch cấp quốc gia, nghị định của Chính phủ; đặc biệt là Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Từ khi thành lập đến nay, Cục đã tham mưu xử lý khắc phục gần 62.000 sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, điều động hơn 4,6 triệu lượt người tham gia; trong đó, lực lượng Quân đội tham gia gần 4 triệu người chiếm hơn 81%; cứu được gần 75.000 người và gần 6.700 phương tiện, góp phần giảm thiệt hại về người, tài sản, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Điển hình như: Ứng phó bão Chan Chu xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền trung ( tháng 5/2006); xử lý dầu tràn quy mô lớn trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố ven biển (tháng 4/2007); tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ (tháng 10/2007); ứng phó bão Hải Yến (tháng 10/2013); tìm kiếm máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia (tháng 3/2014); tìm kiếm, cứu nạn 12 công nhân trong vụ sập hầm Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng (tháng 12/2014); xử lý sự cố cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông, thành phố Hà Nội (tháng 9/2019); ứng phó lũ lụt, sạt lở đất lịch sử tại Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (tháng 10/2020); cứu nạn 12 thuyền viên tàu Vietship bị chìm tại Cửa Việt trong điều kiện bão đang đến gần (tháng 10/2020); tìm kiếm cứu nạn vụ chìm tàu du lịch tại Cửa Đại, Quảng Nam (tháng 7/2022) và tại Cù Lao Chàm (tháng 7/2024); ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (tháng 9/2024).
- Tinh thần “vì nhân dân quên mình” đã được các chiến sĩ bộ đội thể hiện rõ nét trong nhiều tình huống ứng phó thiên tai, thảm họa, để lại dấu ấn sâu đậm với người dân sở tại và nhân dân cả nước. Đồng chí có thể chia sẻ về phương pháp giáo dục cán bộ, chiến sĩ để thấm sâu tinh thần đó, và những kỷ niệm đặc biệt trong hành trình ứng cứu nhân dân?
- Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ song vô cùng vinh quang; cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn xác định nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội, là mệnh lệnh từ trái tim. Để cán bộ, chiến sĩ luôn thấm nhuần tinh thần “vì nhân dân quên mình” trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đã thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương bằng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác triển khai thực hiện, thường xuyên đổi mới phương thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Nêu cao tinh thần “vì nhân dân quên mình”, không quản ngại khó khăn, hy sinh, thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng “Bộ đội phải chủ động đến với dân, chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”, trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tình cảm máu thịt giữa bộ đội với nhân dân rất thiêng liêng, cao cả; mỗi tình huống, mỗi nhiệm vụ để lại những dấu ấn khác nhau. Tôi xin chia sẻ kỷ niệm sâu đậm nhất trong nhiệm vụ ứng cứu, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua. Khi chúng tôi vào tìm kiếm nạn nhân ở làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), người dân đã đặt niềm hy vọng vào bộ đội, vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ sớm tìm được người thân của họ. Đó chính là động lực cổ vũ chúng tôi quyết liệt hơn trong công tác tìm kiếm, chạy đua với thời gian, không sợ hiểm nguy, chỉ có mục đích cuối cùng là sớm tìm được nạn nhân. Chúng tôi xác định đây là mệnh lệnh của trái tim, việc tìm kiếm các nạn nhân chính là tìm kiếm người thân của mình. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn không quản gian nan, vất vả, hiểm nguy. Có đồng chí trong quá trình dầm mình trong bùn để tìm kiếm nạn nhân, chân bị vật nhọn đâm bị thương nhưng sau khi băng bó lại vẫn tiếp tục công việc của mình. Những hành động như thế đã để lại trong lòng người dân niềm tin tưởng và góp phần xoa dịu những tổn thất họ đang phải trải qua. Hình ảnh người dân xếp thành hàng dài từ sân Nhà văn hóa thôn Làng Nủ ra phía ngoài để tiễn những người lính kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đã gây xúc động lòng người. Trên tay nhiều người cầm những phần quà như trái cây, bánh, nước uống... để gửi tặng các chiến sĩ thay lời cảm ơn về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đã vất vả vì người dân Làng Nủ. Trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn một số cán bộ, chiến sĩ bị ốm nhưng đã vượt lên tất cả, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình, một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.
Bộ đội chạy đua với thời gian, tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thôn Làng Nủ (Lào Cai). Ảnh: Phạm Bằng. |
- Không chỉ ứng phó các sự cố, thảm họa trong nước, Cục Cứu hộ-Cứu nạn còn có nhiều hoạt động hợp tác nâng cao năng lực và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Xin đồng chí cho biết cụ thể về hoạt động này?
- Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế đạt được kết quả tích cực về phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn với các nước, tổ chức trong khu vực, trên thế giới nhằm chia sẻ thông tin về dự báo, cảnh báo sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, trang bị phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự; nhất là các nước có chung đường biên giới đất liền, trên biển, có quan hệ truyền thống và các nước có nền khoa học tiên tiến.
Xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về ứng phó sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Nổi bật là đối tác với bang Oregon (Mỹ); ghi nhớ hợp tác về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực Singapore (RHCC); diễn đàn hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (HADR) với quân đội các nước ASEAN và các đối tác.
Tham gia nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương trên các diễn đàn: Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) về các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); nhóm thường trực quân sự các nước ASEAN ứng phó thiên tai, thảm họa; thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản, Australia về phòng thủ dân sự, quản lý tình trạng khẩn cấp; Hội thao Quân sự quốc tế (Armygame) tại Liên bang Nga. Tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa: Hỗ trợ nước bạn Lào ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện Attapeu ngày 23/7/2018; hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023, được nước bạn và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
- Không chỉ là lực lượng chính xử lý các tình huống ứng phó thảm họa, Cục Cứu hộ-Cứu nạn còn có chức năng tham mưu chiến lược về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặt trong bối cảnh xã hội hiện nay, để nâng cao năng lực xử lý tốt các tình huống, xin đồng chí cho biết những định hướng phát triển lớn trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ-cứu nạn?
- Để chủ động phòng ngừa, ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phòng thủ dân sự, Quốc hội ban hành Luật Phòng thủ dân sự, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, kế hoạch quốc gia và nhiều đề án trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống, sự cố, thiên tai, thảm họa của các lực lượng, trong đó xác định lực lượng quân đội, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt.
Thời gian tới, tôi cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường và tìm kiếm cứu nạn (phòng thủ dân sự).
Một nhiệm vụ quan trọng, đó là xây dựng cơ quan và tổ chức lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách về phòng thủ dân sự bảo đảm tinh gọn mạnh, phù hợp từng vùng, miền, làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự. Thúc đẩy hợp tác quân đội các nước, các tổ chức trong khu vực và quốc tế để chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo; kinh nghiệm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Xây dựng cơ chế, quy chế hợp tác, hỗ trợ trong các tình huống sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới…
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!
Ghi nhận, biểu dương những thành tích và kết quả đã đạt được của Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Cục Cứu hộ-Cứu nạn tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất.