Cấp bách triển khai chính sách thích ứng

Chung quanh vấn đề già hóa dân số sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam, phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế.

- Thưa ông, già hóa dân số đang trở thành vấn đề đối với toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Với mức sinh ngày càng thấp và tuổi thọ ngày càng cao, việc già hóa dân số tại nước ta là một xu hướng tất yếu, và nếu không có chính sách thích ứng hiệu quả, hệ lụy sẽ ra sao?

- Già hóa dân số là hiện tượng không thể tránh khỏi ở hầu hết các quốc gia, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2022, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam chiếm khoảng 12,86% dân số; tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% (năm 2029) và lên 20,20% (năm 2039); Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm… nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.

Tuổi thọ tăng hay “già hóa dân số” là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Già hóa dân số là một xu hướng tất yếu khi mức sinh ngày càng thấp và tuổi thọ ngày càng cao. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta. Chúng ta phải có những chính sách thích ứng kịp thời và phù hợp với già hóa dân số để hạn chế những khó khăn, thách thức nêu trên.

- Theo ông, tính cấp bách của việc xây dựng và triển khai các chính sách thích ứng với già hóa dân số như thế nào?

- Cấp bách là một từ có thể nói là không thể thiếu khi chúng ta nói về vấn đề già hóa dân số. Đây là một thách thức mà nếu không giải quyết ngay từ bây giờ, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai gần. Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh; theo dự báo, như trên đã nói, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam sẽ đạt 20,20% vào năm 2039.

Vì vậy, cần có các chính sách kịp thời và tổng thể để giải quyết vấn đề này. Cần có các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, an sinh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đào tạo và phát triển lực lượng lao động trẻ, khuyến khích gia đình và cộng đồng tham gia vào việc chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, chính sách nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, giúp họ có thể sống vui khỏe, đóng góp vào xã hội, thay vì chỉ là gánh nặng cho hệ thống xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần tạo ra một môi trường khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các ngành nghề chăm sóc người cao tuổi, từ đó tạo ra công ăn việc làm và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tóm lại, việc triển khai các chính sách thích ứng với già hóa dân số không chỉ là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực, mà là một chiến lược dài hạn của cả quốc gia. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, những hệ quả có thể sẽ rất khó kiểm soát trong tương lai gần.

- Trước thực tế hiện nay chúng ta đối mặt xu hướng già hóa dân số nhanh chóng, xin ông cho biết, Việt Nam đã xây dựng và triển khai chính sách thích ứng với già hóa dân số như thế nào?

- Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Năm 2009, Luật Người cao tuổi được ban hành đã quy định về các nội dung phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Bộ Y tế đã đưa vào đề xuất xây dựng Luật Dân số chính sách thích ứng với già hóa dân số và dân số già nhằm xây dựng các giải pháp góp phần thích ứng với già hóa dân số, dân số già; có biện pháp giải quyết xu hướng già hóa dân số trong thời gian tới.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (Chương trình 1579). Nội dung chủ yếu của Chương trình 1579 là tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, bảo đảm cho mọi người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.

Chương trình 1579 triển khai trên phạm vi cả nước, tập trung tại các tỉnh, thành phố và địa bàn có tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên cao hơn bình quân chung của cả nước; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo, với các chỉ tiêu cụ thể, các giải pháp đồng bộ và toàn diện. Nhóm đối tượng chính của Chương trình là: Người cao tuổi, gia đình có người cao tuổi, người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi; người quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ưu tiên người có công với cách mạng, người cao tuổi tại hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng ở thế yếu trong xã hội.

Cấp bách triển khai chính sách thích ứng ảnh 1

Người già cần có hệ thống y tế và đội ngũ trợ giúp phù hợp trong tương lai. Ảnh: Khiếu Minh

- Vậy, trong các chính sách hiện hành, có những khó khăn và thách thức nào trong việc thực hiện các biện pháp đối phó với già hóa dân số, thưa ông?

- Mặc dù Việt Nam đã có những chính sách khá đầy đủ và toàn diện, nhưng thực tế, việc thực hiện các chính sách này vẫn gặp một số thách thức lớn.

Thứ nhất, nhận thức, hành vi của người dân chưa thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Để có tuổi thọ cao là mơ ước của toàn nhân loại, là sự phấn đấu không ngừng của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Tuy vậy, theo các nhà nhân khẩu học, tốc độ “già hóa dân số” nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe; quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống; hệ thống an sinh xã hội. Vì thế, để thích ứng với một xã hội già hóa đòi hỏi mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội phải có cách ứng xử phù hợp.

Thứ hai là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Chúng ta đang thiếu nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội cho người cao tuổi, từ các bác sĩ, y tá, cho đến các nhân viên xã hội. Điều này khiến cho việc chăm sóc người cao tuổi chưa được đáp ứng đầy đủ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Thứ ba, việc tạo ra một hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đồng bộ và hiệu quả vẫn là vấn đề cần cải thiện. Hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão, dịch vụ hỗ trợ tại nhà cho người cao tuổi vẫn còn thiếu và không đồng đều giữa các khu vực.

Thứ tư là khó khăn về nguồn lực tài chính. Việc chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng, nhưng ngân sách dành cho các chương trình này vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có bảo hiểm xã hội, nhưng còn một bộ phận lớn người cao tuổi chưa được bao phủ đầy đủ, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực không chính thức.

Thời gian tới, Cục Dân số, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với già hóa dân số, đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh ở nước ta.

- Xin cảm ơn ông về chia sẻ quý báu này!