Hướng hợp tác cần được khuyến khích

Năm 2015, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim tư nhân đầu tiên trang trọng gắn logo Cục Điện ảnh Việt Nam lên tấm poster, bên cạnh tên của nhiều đơn vị tư nhân đồng hành khác. Từ thành công ban đầu, bộ phim được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, khi cái bắt tay giữa Nhà nước và tư nhân được kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm đồng thời cả hai yếu tố nghệ thuật và phát hành thương mại cho tác phẩm điện ảnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim “Maika-Cô bé đến từ hành tinh khác”.
Cảnh trong phim “Maika-Cô bé đến từ hành tinh khác”.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Chọn hướng khai thác đề tài thiếu nhi, lấy bối cảnh một vùng quê nghèo, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” lúc đó được đánh giá là dự án “không hấp dẫn khán giả”. Nhờ tận dụng đầu mục “phim thiếu nhi” trong danh mục đề tài được ưu tiên, nhờ sự cố gắng đến cùng để đưa vào triển khai phương thức mới của lãnh đạo Cục Điện ảnh thời điểm đó, kịch bản đã nhận được 70% tổng dự toán kinh phí đặt hàng của Nhà nước. “Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chừng ấy vẫn là chưa đủ, vì vậy các đối tác đã tăng thêm vốn góp. Thêm nữa, một trong những đối tác đồng thời là đơn vị phát hành nên họ triển khai một kế hoạch đưa phim ra rạp khá hoàn hảo”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ thêm.

Nhờ triển khai hiệu quả mô hình mới mẻ này, tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ không chỉ đạt doanh thu ấn tượng 78 tỷ đồng khi ra rạp mà còn được vinh danh bằng những giải thưởng cao nhất (Cánh diều Vàng, Bông sen Vàng cho phim cùng các cá nhân xuất sắc), được chọn là đại diện Việt Nam tham dự vòng loại Oscar 2017.

Thế nhưng, tiếc là sau năm 2015, một số thủ tục liên quan tới đấu thầu đã khiến việc Nhà nước đặt hàng sản xuất phim bị ngắt quãng. Lý do là bởi Luật Điện ảnh 2006 và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định việc sản xuất phim đặt hàng phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Thông tư liên tịch hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính đã được soạn thảo nhưng không thể ban hành vì chưa tìm được phương án khả thi, phù hợp với thực tế sản xuất phim. Bởi thế, như một hệ quả tất yếu, Bộ Tài chính không thể bố trí được ngân sách dẫn tới thực trạng phim do Nhà nước đặt hàng hoàn toàn vắng bóng suốt ba năm sau đó.

Phải đến cuối 2018, nhờ Chính phủ cho phép một cơ chế tạm thời xếp lại Thông tư nêu trên, phim Nhà nước đặt hàng mới được tiếp tục triển khai. Sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, điện ảnh nước nhà có thêm một vài bộ phim áp dụng mô hình này nhưng hiệu ứng phòng vé đều khá khiêm tốn, dù nội dung và nghệ thuật được đánh giá khá tốt từ giới làm nghề.

“Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) ra rạp năm 2020, với câu chuyện xúc động về ba cô thanh niên xung phong xinh đẹp bám trụ nơi rừng già Trường Sơn năm 1967 cũng chỉ đạt doanh thu xấp xỉ 880 triệu đồng. “Thạch Thảo”, câu chuyện tình yêu học đường lãng mạn như những dòng “lưu bút tuổi học trò”, công chiếu năm 2018, do Cục Điện ảnh đặt hàng Galaxy M&E và Fortune Projects sản xuất, chỉ khiêm tốn nhận về gần 920 triệu đồng từ bán vé.

Thất bại lớn nhất có lẽ thuộc về “Maika-Cô bé đến từ hành tinh khác”, công chiếu năm 2022. Dù có điểm tựa là một nhân vật đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả màn ảnh nhỏ, lại được bảo chứng bởi tên tuổi đạo diễn Việt kiều Hàm Trần, bộ phim chỉ thu lại khoảng một phần năm tổng kinh phí đầu tư.

Một cái bắt tay công-tư hiệu quả, tại sao không?

Khoản 2, Điều 5, Luật Điện ảnh về Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh đã quy định rõ, “Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động: Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam”. Những mảng đề tài này nếu được khai thác hấp dẫn, đậm đặc bản sắc Việt, sẽ đủ sức bắc nhịp cầu đưa điện ảnh nước nhà vươn mình ra ngoài biên giới.

Đương nhiên, không thể đòi hỏi thành công từ mọi bộ phim áp dụng mô hình hợp tác công-tư, bởi điện ảnh luôn là cuộc chơi rất khó đoán định kết cục. Chỉ khi có được niềm tin mà cơ quan quản lý mạnh dạn trao gửi, các đơn vị làm phim tư nhân mới đủ dũng cảm đồng hành cùng ê-kíp triển khai xây dựng tác phẩm thuộc những mảng đề tài mặc định khó hấp dẫn số đông.

Một động thái tích cực đã được Cục Điện ảnh thực hiện từ cuối năm 2022, khi mời gọi mọi cơ sở điện ảnh gửi kịch bản tham gia xét duyệt theo chương trình sử dụng nguồn ngân sách giai đoạn 2023-2025, nhằm xóa bỏ tư duy cục bộ, tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị tư nhân và nhà nước. Việc Nhà nước có thể góp vốn với tỷ lệ phần trăm linh động, tùy theo tính khả thi cũng như năng lực của đơn vị sản xuất với từng dự án cụ thể, cũng đã được cơ quan quản lý gợi mở. Ngoài ra, “nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những tác phẩm theo mục tiêu Nhà nước đặt ra” hoặc “tính tới việc thay thế quy trình đặt hàng bằng khâu duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất” là những đề xuất tâm huyết mà Tiến sĩ Ngô Phương Lan đưa ra, “để có được những tác phẩm khắc tên Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới”.

"Muốn phát triển bền vững công nghiệp điện ảnh, buộc phải duy trì tốt cơ chế hợp tác công-tư. Khi phim được doanh nghiệp góp vốn cùng sản xuất, họ sẽ có trách nhiệm cao hơn, sẽ làm mọi cách đưa tác phẩm đến với khán giả để có doanh thu”.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam