Để người sáng tác và công chúng đều được hưởng lợi

Trong chuyến công tác mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có dịp gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của một số lãnh đạo các hội sáng tác văn học nghệ thuật của Thành phố về những giải pháp thiết thực trong nâng cao hiệu quả đầu tư sáng tác văn học nghệ thuật nói chung. Song hành với đó có việc nâng cao trách nhiệm tăng cường quảng bá các tác phẩm tốt đến với công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh sơn dầu “Hà Nội 1972”, 160x290cm, của họa sĩ Nguyễn Trung Tín được chọn trưng bày tại Triển lãm Mở cửa, giới thiệu tác giả-tác phẩm tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2016.
Bức tranh sơn dầu “Hà Nội 1972”, 160x290cm, của họa sĩ Nguyễn Trung Tín được chọn trưng bày tại Triển lãm Mở cửa, giới thiệu tác giả-tác phẩm tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2016.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh:

Cần một bước chuyển mới của nhà quản lý và văn nghệ sĩ

Để người sáng tác và công chúng đều được hưởng lợi ảnh 1

Từ góc độ của một người làm công tác ở hội nghề nghiệp, phải nói là cá nhân tôi cũng có rất nhiều trăn trở. Anh em ở các đơn vị Hội cũng vậy.

Sau năm 1986, đời sống văn học nghệ thuật phát triển phong phú, các món ăn tinh thần vô cùng đa dạng. Thế giới dần trở nên phẳng trước mắt mỗi chúng ta, đòi hỏi từng người sáng tác phải nỗ lực vượt bậc mới mong có thể tiếp cận thế giới, tiếp cận công chúng mới. Đơn cử, chúng ta cứ nói về tác phẩm chất lượng cao, tiếp cận các giải thưởng quốc tế. Vậy văn nghệ sĩ của chúng ta cũng cần được đào tạo theo các tiêu chuẩn chung của quốc tế, tức là phải đưa họ đi học. Chứ cứ ở trong nước, bao nhiêu năm trôi qua mà vẫn một giáo trình đó để giảng dạy kiến trúc, mỹ thuật, cùng lắm là tiếp cận trực quan hình ảnh tác phẩm của thế giới theo cảm tính mà chưa được học hỏi họ một cách bài bản, có nền tảng lý thuyết thì rất khó để theo kịp. Chẳng hạn như thành công của làn sóng Hàn Quốc là kết quả của việc đầu tư cho nhiều thành phần thuộc công nghiệp văn hóa đi học ở Mỹ từ gần 30 năm trước, xác định mục tiêu của họ là chinh phục quốc tế. Ta nhìn thành quả bề nổi của họ sẽ khó mà thấm được hết cách vận hành bên dưới của họ để dần tạo ra thành quả đó.

Trong bối cảnh mới của đất nước, có lẽ cũng cần nhiều bước chuyển mới trong tư duy quản lý và đầu tư cho sáng tác văn học nghệ thuật nói chung, cho các tác phẩm chất lượng tốt nói riêng. Khoan bàn về thế nào là chất lượng cao, chất lượng tốt, ta có thể đặt ra gợi mở cho việc thay đổi cung cách đầu tư được không? Thí dụ: Trong cơ chế thị trường, nhà đầu tư/đặt hàng sáng tác cũng xác định chấp nhận rủi ro 10% được không? Ta không dàn trải kinh phí mà dành 10% tổng kinh phí hỗ trợ ban đầu cho đề cương tác phẩm được chọn tham gia chung cuộc một đợt phát động hay trại sáng tác nhân chủ đề nào đó. Tác giả có trách nhiệm tự hoàn thành và công bố. Tác phẩm nào có tiếng vang trong xã hội hơn cả thì tác giả của nó sẽ được nhận nốt 90% tổng kinh phí còn lại…

Khi tham gia vào công nghiệp văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật cũng là một dạng hàng hóa, sản phẩm, cho dù là đặc biệt, và khi nó được nhận một sự đầu tư xứng đáng, nó cũng phải xứng đáng được tưởng thưởng đặc biệt từ thị trường, từ công chúng. Chứ lâu nay, phần lớn văn nghệ sĩ đều không thể sống được bằng công việc sáng tác, bằng việc bán tác phẩm.

Bên cạnh đó, bản thân từng văn nghệ sĩ cũng cần xem xét lại động lực sáng tác tác phẩm hay của mình. Không thể cứ tiếp tục “đổ thừa” cho hoàn cảnh. Đúng là ở bối cảnh hiện nay, chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp xã hội là rất cao. Với mức thu nhập bình quân chỉ ở hạng trung bình như của phần lớn văn nghệ sĩ, họ rất khó để tồn tại giữa thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh nếu không mải miết bươn chải. Nhưng trong bao năm tháng chiến tranh hay khó khăn thời bao cấp, không ít văn nghệ sĩ vẫn dấn thân và có được nhiều tác phẩm ở lại trong lòng công chúng mọi tầng lớp. Lớp văn nghệ sĩ hôm nay có thể học hỏi gì từ hai chữ “dấn thân” của thế hệ trước?.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật-Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh:

Xây dựng cơ chế mới về trao quyền và trách nhiệm

Để người sáng tác và công chúng đều được hưởng lợi ảnh 2

Từ góc độ của người sáng tác, thành thật mà nói, con đường sáng tác của một họa sĩ thường thay đổi liên tục, không ai là người sáng tạo mà lại đi từ đầu đến cuối một kiểu sáng tác; cũng có thể họ trở lại với cái đã từng thể hiện về nội dung hoặc hình thức, nhưng là trở lại ở một nấc bậc tư duy mới, khác. Nghệ sĩ đích thực luôn đi tìm mình. Nhất là khi bắt đầu xác quyết dấn thân, họ đã có một ý niệm sáng tác riêng, đòi hỏi một sự tận tâm, tận hiến. Chính vì thế, không phải ai cũng dễ dàng ngắt quãng mạch tư duy, cảm xúc để đầu tư cho một “đề bài” đặt hàng hoặc nhân đợt phát động nào đó.

Nghệ thuật là tự thân nảy nở và sự nảy nở đó đem lại lợi ích cho đất nước. Chúng ta đã thấy, họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã có những tác phẩm để đời trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại về đề tài chiến tranh cách mạng, và đó không hề là tác phẩm “được đầu tư” hay “đặt hàng” từ nhà nước, hội đoàn.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có được những tác phẩm tốt về đề tài chiến tranh cách mạng, về sự phát triển đổi mới của đất nước… bởi tôi tin rằng vẫn có không ít cá nhân tâm huyết sáng tác về những chủ đề ấy. Chúng ta có thể thay đổi cách tiếp cận, chẳng hạn trao quyền cho đội ngũ giám tuyển để họ có đủ điều kiện đi tìm chọn các tác giả thật sự tâm huyết với những đề tài, chủ đề chính luận, có tầm vóc về chính trị, lịch sử. Khi có người đồng hành tin cậy, người sáng tác tâm huyết sẽ càng thêm tâm huyết, muốn làm. Đội ngũ giám tuyển có chuyên môn, có thời gian tương xứng dành cho tác giả-tác phẩm nên họ thật sự cần được tin tưởng. Đội ngũ giám tuyển ấy có thể là một nhóm cá nhân, có thể là cơ quan đại diện như Hội Mỹ thuật chẳng hạn. Vấn đề là cần có cơ chế để trao quyền như vậy.

Thực tế lâu nay cho thấy, các đợt phát động sáng tác hằng năm theo các chủ đề chính luận của Hội nghề nghiệp có những phần hạn chế nhất định trước dòng chảy cuộc sống nhanh, mạnh mẽ, dẫn đến thiếu hiệu quả do đầu tư dàn trải hoặc thông tin không đến được người cần.

Đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh:

Thúc đẩy hợp tác công-tư để không lãng phí tài năng và tài chính

Để người sáng tác và công chúng đều được hưởng lợi ảnh 3

Một vài năm trở lại đây, Hội chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi phương thức đầu tư dàn dựng vở diễn từ kịch bản đạt giải A của Trại sáng tác kịch bản hằng năm. Đây là kinh phí từ ngân sách cấp cho Hội và trong gói này, chỉ có chi phí cho hai buổi công diễn. Chúng tôi tìm cách kéo dài đời sống của vở diễn thông qua hợp tác với một số sân khấu xã hội hóa. Họ có sẵn cơ sở vật chất và diễn viên. Hội có kịch bản và lựa chọn/chi trả thù lao cho đạo diễn tên tuổi, giàu kinh nghiệm. Vậy là các diễn viên sẽ có dịp học hỏi thêm. Khán giả của họ sẽ có thêm món ăn tinh thần để lựa chọn. Sự hợp tác này làm tăng suất diễn lên tới 10-15 buổi có bán vé, một con số có thể là khiêm tốn nhưng thật sự khả quan đối với một vở diễn có nội dung chính luận.

Phải nhắc lại là Thành phố Hồ Chí Minh có 11 sân khấu tư nhân sáng đèn thường xuyên. Đây là một nỗ lực rất lớn của họ giữa thời buổi cạnh tranh với đa dạng, phong phú các loại hình nghệ thuật và phương tiện giải trí như hiện nay. Để duy trì hoạt động, các sân khấu này đều vừa phải tìm cách thu hút diễn viên có tên tuổi, có kịch bản phù hợp để bán được vé đồng thời vẫn cố gắng cân đối nguồn thu để đầu tư các vở chính luận, mang đề tài lịch sử, nhằm khẳng định sức nặng chuyên môn chuyên nghiệp của mình, cũng là để thỏa đam mê với nghề dù biết chắc sẽ lỗ vốn. Chính vì vậy, việc kết hợp các sân khấu này với những chương trình từ ngân sách nhà nước sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên, chẳng hạn như chương trình Sân khấu học đường, hoặc các đợt phục vụ chính trị. Cho đến nay, có hai sân khấu tư nhân đã tham gia các hợp tác như vậy. Qua đó, các sân khấu tư nhân nhận được kinh phí hỗ trợ biểu diễn, đồng thời tăng thêm khả năng kết nối với đa dạng đối tượng khán giả tiềm năng.