Áp lực từ thay đổi cơ cấu dân số

Năm 2024, gần 20% dân số Singapore ở độ tuổi 65 trở lên. Con số này đã tăng gấp đôi so thời điểm năm 2010 và dự kiến sẽ lên mức 25% vào năm 2030. Tình trạng già hóa dân số đang tạo nên những thách thức lớn đối với kinh tế và an sinh nước này.
0:00 / 0:00
0:00
Singapore là một trong 10 nước có hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới.
Singapore là một trong 10 nước có hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới.

Thâm hụt kinh tế do già hóa

Singapore trở thành nước có dân số già từ năm 2017 và dự kiến trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2026. Điều đó bắt nguồn từ việc tỷ suất sinh con ở đây có sự suy giảm rõ rệt khi chỉ đạt 1,05 trẻ mỗi phụ nữ trong năm 2022, thấp hơn mức cần thiết để duy trì dân số là 2,1. Thậm chí, con số này còn giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 0,97 trong năm 2023. Dân số Singapore cũng chỉ tăng trung bình 1,1% mỗi năm.

Với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng, lực lượng lao động của Singapore sẽ ngày càng thu hẹp, gây áp lực lên thị trường lao động và nền kinh tế. Thủ tướng Singapore, ông Lawrence Wong, khi còn là cựu Bộ trưởng Tài chính, thông báo trong bài phát biểu về ngân sách vào tháng 2/2022: “Chi phí y tế sẽ chiếm phần lớn trong sự gia tăng chi tiêu xã hội của chính phủ đến năm 2030 do dân số già đi”.

“Dân số già sẽ thay đổi hoàn toàn cách xã hội vận hành, từ nền kinh tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe đến việc lập kế hoạch nghỉ hưu đầy đủ”, cựu Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định.

Theo dự báo của Chính phủ Singapore, sự dịch chuyển cơ cấu dân số này sẽ làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 1,5 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2060, và dân số cao tuổi sẽ vượt qua số người trong độ tuổi lao động trong những thập kỷ tới.

Các chuyên gia tài chính Ngân hàng DBS ước tính: Để có mức chi tiêu tối thiểu 3.500 SGD mỗi tháng trong vòng 15-20 năm sau nghỉ hưu, trung bình người dân cần khoản vốn là 900.000 SGD (tương đương khoảng 671.000 USD). Các khảo sát gần đây cho thấy, nhiều người Singapore chưa sẵn sàng nghỉ hưu vì họ mong muốn sẽ tiếp tục làm việc qua tuổi 65 để xoay xở cuộc sống đắt đỏ theo thời gian.

Theo Ngân hàng HSBC, ba nỗi lo lớn nhất của người dân Singapore khi về hưu, đó là sức khỏe yếu, khó khăn về tài chính và không có đủ tiền để trang trải cho y tế. Singapore đã tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) trong hai giai đoạn: từ 7% lên 8% bắt đầu từ ngày 1/1/2023 và từ 8% lên 9% bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

Lý do Chính phủ nước này đưa ra bởi ngân sách cần phải chuẩn bị chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi, bao gồm trợ cấp thuốc men nhiều hơn để giảm gánh nặng chi phí y tế cho người cao tuổi và gia đình của họ. Số tiền thuế bổ sung sẽ được phân bổ để xây dựng thêm bệnh viện, phòng khám đa khoa và các cơ sở khác để người cao tuổi có thể tiếp cận các dịch vụ y tế.

Hóa giải tác động

Trước áp lực ngày càng nghiêm trọng tới nền kinh tế của hiện tượng già hóa dân số, nhiều năm qua Chính phủ Singapore tập trung vào ba yếu tố chính bao gồm: tăng dần tuổi nghỉ hưu, cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, cải thiện chương trình Quỹ Phòng xa Trung ương (CPF).

Từ năm 2022, Singapore đã nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 63, và sẽ tăng lên 65 vào năm 2030. Nước này còn đưa ra chính sách tái tuyển dụng với lao động lớn tuổi. Hiện nay, độ tuổi tái tuyển dụng lao động ở Đảo quốc Sư tử là 68 tuổi và sẽ là 70 vào năm 2030. Chính sách tại quốc gia này cho phép người lao động sẽ không bị sa thải vì lý do độ tuổi trước khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ 3% chi phí lương, đồng thời phải tạo cho lao động lớn tuổi những công việc phù hợp trong giai đoạn tái tuyển dụng.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm hưu trí trong 10 năm qua của Singapore đã được sửa đổi, bổ sung rất nhiều lần. Những sự thay đổi này hầu hết liên quan đến mức đóng góp và quyền lợi hưởng theo chiều hướng có lợi hơn cho người dân thông qua chương trình quỹ CPF - một chương trình quỹ bảo hiểm xã hội tiết kiệm toàn diện, ra đời từ năm 1995.

Để giúp người lớn tuổi đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghỉ hưu của họ, Singapore đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia quỹ CPF được chuyển tiền tiết kiệm cho vợ hoặc chồng của họ. Người cao tuổi có ít hoặc không có khoản tiết kiệm cũng có thể nhận được khoản hỗ trợ của chương trình hỗ trợ người già nghèo khổ.

Vào năm 2016, Chính phủ nước này đã triển khai kế hoạch đổi mới hệ thống, bao gồm: cung cấp lượng tiền tối thiểu từ quỹ CPF cho những người nghèo nhất cả nước, linh hoạt hơn trong việc rút tiền hưu trí, tăng mức đóng góp nhất định và bảo đảm lãi suất hằng năm. Theo Báo cáo Chỉ số Lương hưu toàn cầu năm 2019 của Melbourne Mercer (MMGPI), Singapore là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10 nước có hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới.

Vào tháng 7/2023, Singapore ra mắt chương trình Healthier SG, một dự án tăng cường chăm sóc y tế dự phòng. Chương trình ưu tiên những người từ 40 tuổi trở lên. Tham gia chương trình này, người dân Singapore có thể liên hệ thường xuyên với bác sĩ để khám sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm. Chương trình Healthier SG cũng sẽ cung cấp thuốc giá rẻ hơn cho các bệnh mạn tính tại các phòng khám bác sĩ đa khoa.

Theo Dự báo của Liên hợp quốc, các quốc gia Đông Nam Á chịu gánh nặng rõ nét của sự thay đổi cơ cấu dân số. Giống như Singapore, Việt Nam hiện đứng thứ ba Đông Nam Á về tỷ lệ người cao tuổi, trong khi thu nhập bình quân chỉ xếp hạng 6.