Bản Chỉ thị ngắn gọn, súc tích này có thể coi là cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng ta (1). Đó không chỉ là “kim chỉ nam” cho Đội quân giải phóng trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, mà còn là cơ sở và nền tảng để xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam về sau - một Quân đội của dân, do dân và vì dân.
Ở thời điểm lúc đó, về mặt hình thức đây chỉ là một chỉ thị thành lập đội vũ trang tuyên truyền, trong đó xác định rõ tên Đội, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, quan hệ giữa đội quân chủ lực này với các lực lượng vũ trang địa phương trong xây dựng và tác chiến, hình thức chiến thuật và nguyên tắc tác chiến. Song bản chỉ thị này lại hàm chứa giá trị lịch sử hết sức to lớn, đề cập đến những nội dung cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng ta. Đây đều là những vấn đề có tính chất sống còn như: Kháng chiến toàn dân, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân; khởi nghĩa vũ trang; chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân... Những vấn đề này được lãnh tụ Hồ Chí Minh đúc kết sau 30 năm bôn ba nghiên cứu, tìm tòi con đường cứu nước, học tập và vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng của Mác-Lênin, kinh nghiệm của cách mạng thế giới, kế thừa và phát triển kinh nghiệm giữ nước của các bậc tiền nhân.
Bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, trước hết đã khẳng định đường lối cách mạng của Đảng, đặc biệt là khẳng định chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941): Muốn đánh đuổi đế quốc Pháp, phát-xít Nhật và bọn tay sai, phải dựa vào sức mạnh của quần chúng, phải dùng bạo lực cách mạng, để khi thời cơ đến thì có thể phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Khi thời cơ chưa tới thì “không được đùa với khởi nghĩa” mà phải tìm ra một hình thức thích hợp để thúc đẩy phong trào đi tới. Hình thức thích hợp đó chính là vũ trang tuyên truyền, chính trị kết hợp với quân sự nhằm tạo thế, tạo lực, khi thời cơ đến kịp thời nắm bắt để giành thắng lợi hoàn toàn.
Lúc bấy giờ, mặc dù cuộc đấu tranh vũ trang mới khởi phát nhưng trong bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự kết hợp lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang nhân dân, lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đó là “cuộc kháng chiến của chúng ta phải là cuộc kháng chiến toàn dân; cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân” (2). Sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân trước hết bắt nguồn từ sức mạnh của chính nhân dân. Chiến tranh nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh thật sự vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, muốn xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh cần phải có nền tảng lực lượng chính trị mạnh, quần chúng giác ngộ cách mạng cao, đoàn thể quần chúng rộng khắp và vững chắc. Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo. Quân đội phải dựa vào dân, “dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được”. Quân đội được xây dựng, phát triển và chiến đấu theo những nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Về phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang: Phải kết hợp quân sự với chính trị. Về nghệ thuật quân sự, phải vận dụng lối đánh du kích; tích cực, chủ động, bí mật, nhanh chóng, cơ động linh hoạt “nay Đông, mai Tây”... Về nguyên tắc hoạt động: Phải đánh thắng trận đầu. Về phương hướng phát triển: Phải không ngừng xây dựng và phát triển lực lượng, làm cho đội quân nhỏ bé đầu tiên nhanh chóng trở thành một đội quân hùng mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Lời Tuyên thệ trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Những nguyên tắc cơ bản về chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hàm chứa trong bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là sự đúc kết, kế thừa và phát huy đến trình độ cao truyền thống “toàn dân đánh giặc, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”; truyền thống tổ chức quân sự: Kết hợp vũ trang toàn dân với xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Sinh ra và lớn lên trong phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp và liên tục của quần chúng, Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập đã là một đội quân công nông mang bản chất của giai cấp công nhân, quân đội của toàn dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản. Tiền thân của nó là các đội Tự vệ Đỏ ra đời trong cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, là các tổ chức vũ trang ra đời trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa như các đội du kích Cao Bằng, du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Du kích Ba Tơ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân...
Trải qua chặng đường 80 năm, dù thời thế có nhiều đổi thay và nhiều lần thay đổi tên gọi: Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (12/1944-5/1945), Việt Nam giải phóng quân (5/1945-11/1945), Vệ quốc đoàn (11/1945-5/1946), Quân đội quốc gia Việt Nam (5/1946-1950), Quân đội nhân dân Việt Nam (từ năm 1950) nhưng tính dân tộc, tính nhân dân và bản chất cách mạng của Quân đội ta không hề thay đổi. Được tôi luyện và trưởng thành trong bão táp cách mạng và khói lửa chiến tranh, dưới ngọn cờ của Bác Hồ và Đảng ta, Quân đội nhân dân Việt Nam từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu đã phát triển thành một quân đội hùng mạnh; từ đội quân được trang bị vũ khí thô sơ tiến lên trang bị hiện đại; từ một quân đội chỉ có bộ binh là chủ yếu phát triển lên binh chủng hợp thành với nhiều quân, binh chủng; từ hoạt động phân tán với tác chiến du kích là chủ yếu tiến lên hoạt động tập trung, tác chiến chính quy hiệp đồng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân và là lực lượng nòng cốt cho toàn dân tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lần lượt đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang với quân đội và nhân dân hai nước Lào và Campuchia.
Chặng đường lịch sử vẻ vang 80 năm qua đã khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi là một quân đội của dân, do dân và vì dân; mãi mãi là “Bộ đội Cụ Hồ” với bản chất cách mạng trong sáng và truyền thống cao đẹp: “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập lực lượng vũ trang kiểu mới của dân tộc ta. T/c LSQS.S. 5/1994.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập. Sdd.
“Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội mà nền tảng của nó ăn sâu vào trong dân tộc”. “Họ chiến đấu “vì lý tưởng độc lập, tự do”; họ có một niềm tin dựa trên ý thức hệ vững chắc và lòng căm thù ghê gớm với quân thù”; họ là “những anh bộ đội Cụ Hồ sống giữa nhân dân và được nhân dân ủng hộ. Với Việt Minh, chính quyền, dân chúng và quân đội là một. Đó là sức mạnh to lớn của họ” - Đây là những lời nhận xét của các tướng lĩnh Pháp về Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ sau thất bại ở Điện Biên Phủ.