Khi tư nhân đã “mở đường”...

Đưa văn chương Việt Nam ra với thế giới chưa bao giờ được đề cập nhiều đến vậy, trong bối cảnh mối quan tâm của quốc tế dành cho văn hóa Việt Nam nói chung ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đặt sang một bên vấn đề tuyển chọn, cho đến nay, số lượng các bản dịch tác phẩm văn học Việt Nam vẫn hết sức khiêm tốn và mới là kết quả ban đầu từ nỗ lực của một vài nhà xuất bản và doanh nghiệp tư nhân đăng ký hoạt động phát hành, xuất bản.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội chợ sách Frankfurt 2024, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục giới thiệu nhiều tựa sách của tác giả Việt Nam đến với thế giới. Nguồn: NXB Kim Đồng
Tại Hội chợ sách Frankfurt 2024, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục giới thiệu nhiều tựa sách của tác giả Việt Nam đến với thế giới. Nguồn: NXB Kim Đồng

Mạnh dạn và kiên trì

Bên cạnh việc một vài cá nhân tác giả được các nhà xuất bản từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức trực tiếp ký hợp đồng bản quyền, cho đến hiện tại, Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Kim Đồng có lẽ là hai đơn vị xuất bản hiếm hoi của Việt Nam mạnh dạn đầu tư cho mảng sách dịch văn học Việt Nam. Dễ hiểu là họ sẽ chỉ dịch những cuốn sách do họ xuất bản, nhất là những tác giả nổi tiếng, được đông đảo bạn đọc trong nước quan tâm. Tiếng Anh là ngôn ngữ được ưu tiên lựa chọn.

Nhà xuất bản Trẻ đã chọn dịch và giới thiệu một số tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần… Thử tìm kiếm bản dịch sách của Nguyễn Nhật Ánh ở định dạng sách điện tử, phát hành qua sàn giao dịch điện tử Amazon, chúng tôi nhận thấy mức độ quan tâm của bạn đọc quốc tế ít nhiều khả quan. Bản dịch tiếng Anh “I See Yellow Flowers in Green Grass” (của tiểu thuyết “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”) được đơn vị xuất bản độc lập của Mỹ Hannacroix Creek Books, Inc. mua bản quyền phát hành của Nhà xuất bản Trẻ từ cuối năm 2020. Tính đến ngày 30/11/2024, bản điện tử của sách này đứng thứ 67 trong xếp hạng sách dành cho trẻ em và viết về cuộc sống nông thôn (Children’s Books on Country Life); thứ 457 trong xếp hạng sách viết về cuộc sống nông thôn của trẻ em (Children’s Country Life Books); thứ 5.136 trong xếp hạng sách điện tử dành cho trẻ em (Children’s eBooks)...

Nhà xuất bản Kim Đồng lựa chọn “Búp sen xanh”, cuốn tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng, để dịch sang tiếng Anh (tựa là “The Green Lotus Bud”). Tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Đức, năm 2023, đã có đối tác nước ngoài đề nghị ký hợp đồng xuất bản, phát hành “The Green Lotus Bud” với Nhà xuất bản.

Tuy nhiên, để có được một số kết quả khả quan ban đầu như trên, các nhà xuất bản phải mất nhiều năm và nhiều đầu tư về nhân lực cũng như tài chính, chấp nhận xác định đây là sự đầu tư cho quảng bá và tiếp thị hình ảnh, thương hiệu của nhà xuất bản, thay vì đầu tư để có lợi nhuận.

Xây dựng chiến lược xuất khẩu văn chương Việt Nam

Cùng với việc cần nguồn lực tài chính lớn, việc xuất bản bản dịch sách văn học Việt Nam còn cần rất nhiều sự đầu tư về nguồn lực con người, đặc biệt là ngay từ khâu tuyển chọn tác giả, tác phẩm và dịch thuật. Việc dịch tiếng Việt sang ngôn ngữ khác, giới chuyên môn hay dùng từ “dịch ngược” là thử thách khó chịu, dẫu thú vị, ngay cả với những người có trình độ ngoại ngữ cao, bởi đặc tính “lắt léo mà tinh tế” của tiếng Việt. Chính vì vậy, không chỉ mất thời gian tìm kiếm, chờ đợi người có chuyên môn và am hiểu văn hóa, con người Việt Nam để dịch văn học Việt Nam, công đoạn dịch thuật này thường kéo theo sự gia tăng về kinh phí.

Dù có nhiều năm tháng, mối quan hệ và kinh nghiệm nhất định trong giao dịch bản quyền với phía các nhà xuất bản của Trung Quốc, cho đến nay, Chibooks vẫn chưa thể có được một hợp đồng nào để xuất bản tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch sang tiếng Trung. Hiện tại, doanh nghiệp này mới dừng lại ở việc dịch tóm tắt hoặc dịch chương đầu một số tác phẩm văn học của các nhà văn trong lựa chọn của mình, như Hồ Anh Thái, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang...

Gần đây nhất, việc một tác giả Hàn Quốc lần đầu trong lịch sử được trao giải Nobel về văn chương đã gây sự chú ý đặc biệt lớn với thế giới, bởi lẽ, số lượng những tác giả bản xứ châu Á được giải Nobel văn chương vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay (đến nay là chín người, trong đó có ba người gốc Á nhưng sinh sống ở phương Tây). Nhưng nhìn rộng hơn, kỳ tích này có sự góp công của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea/LTI Korea), một tổ chức trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc, thành lập từ năm 1996 với tên gọi ban đầu là Quỹ dịch thuật văn học Hàn Quốc. Tổ chức này không chỉ tập trung vào việc lựa chọn dịch thuật tác giả, tác phẩm văn học có chất lượng cao của Hàn Quốc mà còn đào tạo đội ngũ dịch thuật văn học nhiều thứ tiếng, xây dựng và cập nhật dữ liệu quốc tế về văn học Hàn Quốc.

LTI Korea cam kết thúc đẩy vị thế của văn học và văn hóa Hàn Quốc trên trường quốc tế. Thông qua các hoạt động của Viện, đến nay đã có hơn 2.000 tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản với 44 thứ tiếng (hiện nhiều nhất là tiếng Anh với 3.431 đầu sách, tiếng Việt có 416 đầu sách), 1.490 người đã hoàn thành khóa đào tạo về dịch thuật của Viện. Cơ quan này cũng xuất bản định kỳ ấn phẩm tiếng Anh “Korean Literature Now” (Văn học Hàn Quốc ngày nay), phát hành toàn cầu như một kênh thông tin cập nhật chính thức về đời sống và thành quả văn chương của đất nước.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia cũng đã có chiến lược đầu tư cho việc dịch thuật và quảng bá văn học nước này ra thế giới. Họ chọn ra 100 đầu sách và đầu tư một triệu USD cho việc dịch thuật. “Tiếp đó họ cũng rất đầu tư cho các khâu quảng bá, truyền thông, đưa sách đi triển lãm ở nhiều triển lãm sách quốc tế có tên tuổi liên tiếp. Bù lại, họ đã bán bản quyền thành công cho rất nhiều quốc gia”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho biết.

Từ trải nghiệm của một dịch giả kiêm chủ một doanh nghiệp luôn ưu tiên cho việc đưa văn chương Việt Nam ra thế giới, bà Chi nhận định: “Để đạt được hiệu quả lâu dài, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thành lập hẳn cơ quan chuyên trách công việc này, làm thật bài bản và chuyên nghiệp như các nước vẫn đang làm”. Bởi theo bà, việc các đơn vị tư nhân có tự lực cánh sinh đưa văn học Việt Nam nói riêng, sách của Việt Nam nói chung ra bên ngoài đi chăng nữa, cũng chỉ là nhỏ lẻ, như muối bỏ biển và không thể làm dài lâu. Thành công của họ, nếu có, vẫn dừng lại là “sự bù đắp về tinh thần”.