Tìm giải pháp cho nhu cầu cấp thiết

Trong bối cảnh Việt Nam có số người cao tuổi gia tăng nhanh chóng, bài toán đào tạo lượng lớn điều dưỡng viên lão khoa đang trở thành nhu cầu thực tế nhằm bảo đảm trọng trách chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Việc chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng. Nguồn: Greenfield School
Việc chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng. Nguồn: Greenfield School

Bà Hồng, 80 tuổi, sống ở Thủ đô Hà Nội, là bệnh nhân mắc đái tháo đường và chứng đãng trí tuổi già. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân của bà đều phải nhờ vào người con trai. “Vào những ngày thời tiết thất thường, mẹ tui đã từng bị tụt huyết áp đến mức gia đình phải gọi cấp cứu. Gia đình tôi luôn mong muốn tìm được một điều dưỡng lão khoa vừa kiểm soát thực đơn dinh dưỡng, theo dõi y tế và hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày, nhưng đúng là mò kim đáy bể”, ông Tùng chia sẻ.

Tính riêng tại Hà Nội, số lượng người cao tuổi từ 75 trở lên ước tính khoảng 250 nghìn người. Đây là nhóm cần nhiều sự trợ giúp xã hội và chăm sóc y tế nhất. Để có thể phục vụ bộ phận này, Thủ đô cần tới 10 bệnh viện, khoa lão và trung tâm y tế chăm sóc lão khoa...

Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm nay, khoảng 80% số người cao tuổi Việt Nam cần hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, 36% số người cao tuổi và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Dù số lượng điều dưỡng tại các cơ sở y tế trong nước lên tới hơn 132.000 người, nhưng con số này vẫn là quá ít ỏi, nhất là khi Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tỷ lệ điều dưỡng ở nước ta chỉ đạt gần 2 điều dưỡng/1 bác sĩ, mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta kém Thái Lan tới ba lần và kém Nhật Bản tới 12 lần ở chỉ số này. Điều này đã và đang đặt ra thách thức cho Việt Nam về việc cải thiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực, đồng thời phải bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.

Theo Bộ Y tế, quy mô đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước hiện nay là 13.000 sinh viên mỗi năm. Việt Nam đang thiếu 23.000 nhân viên y tế về y học dự phòng và công cộng. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, chúng ta cần tới 20.000 sinh viên mới tốt nghiệp ra trường mỗi năm.

Tại Tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao” tổ chức năm 2024, các chuyên gia một lần nữa dự báo, đến năm 2036, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Nhu cầu của thị trường dịch vụ cho người cao tuổi sẽ tăng chóng mặt với khoảng 20 triệu “khách hàng tiềm năng” trong vòng 10 năm tới.

Hiện tại, cả nước có 12 trường đại học và 10 trường cao đẳng đào tạo ngành điều dưỡng nhưng không nhiều trường đào tạo chuyên ngành lão khoa. Điều này là nguyên nhân chính tạo nên áp lực lớn cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Do đó, giải pháp mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về “chăm sóc người cao tuổi” của các trường trung cấp, cao đẳng sẽ cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt, mất cân đối nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thực tế, bộ môn lão khoa ở các trường không chỉ gói gọn trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mà còn liên quan đến các vấn đề lão hóa ở mỗi độ tuổi khác nhau. Trong những năm gần đây, các chuyên gia y tế đã liên tục kiến nghị các bộ, ngành cần xây dựng mã ngành chăm sóc người cao tuổi ở các bậc đại học, cao đẳng và trung cấp.

Dẫu vậy, nghề điều dưỡng là công việc đầy rủi ro, vất vả. Khi đời sống được cải thiện, không nhiều học sinh hứng thú với ngành học này. Đó là chưa kể tới sự đãi ngộ rất thấp nếu làm việc tại các cơ sở y tế trong nước. Sinh viên mới ra trường khi chưa thuộc biên chế cũng không nhận được khoản tiền 40% phụ cấp đặc biệt. Tất cả là những lý do khiến công việc điều dưỡng viên vốn đã thiếu người, chuyên khoa lão lại càng thiếu trầm trọng hơn.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải cố gắng sử dụng nhân lực tốt nghiệp nhiều chuyên ngành khác nhau, bên cạnh ngành điều dưỡng. Sau khi tuyển dụng, các cơ sở này phải đào tạo lại nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về chăm sóc người cao tuổi trước khi giao nhiệm vụ chính thức. Đây cũng là điểm yếu gây lãng phí của quá trình đào tạo trong nước.

Đầu năm 2024, Australia đã thể hiện cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thông qua thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề. Phái đoàn giáo dục nước này đã tìm hiểu các cơ hội tiềm năng của thị trường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang bùng nổ tại Việt Nam, cũng như chia sẻ với các đối tác nước ta về năng lực đào tạo của Australia nhằm đáp ứng các nhu cầu thị trường hiện tại.

Rõ ràng, không chỉ Việt Nam mà các nước phát triển trên thế giới cũng đang đối mặt bài toán thiếu nguồn nhân lực chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi. Nhu cầu bức thiết này cần được giải quyết nhanh chóng trước xu hướng già hóa dân số hiện nay.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam đào tạo 13.000 sinh viên khối ngành sức khỏe. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra, tầm nhìn đến năm 2050 đạt 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ và 90 điều dưỡng trên 10.000 dân, Việt Nam sẽ cần tới 20.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.