Nhà tôi ơi

Tôi đã thử làm một trải nghiệm cho riêng mình bằng cách ngồi yên, quan sát những người đến mua sắm ở quầy thực phẩm châu Á tại siêu thị Carrefour của Pháp. Tôi muốn biết họ là ai, người Pháp hay châu Á, trẻ hay già, Việt Nam hay Lào, Campuchia, tôi muốn nhìn thấy và phán đoán về cảm xúc của họ khi nhìn thấy hạt gạo Việt Nam, gói bún Việt Nam, chai tương ớt Việt Nam, bình nước mắm Việt Nam nằm trong kệ hàng giữa nước Pháp. Tôi hình dung về xúc cảm của họ thông qua ánh mắt, thông qua khoảng thời gian mà họ lưu lại trước mỗi gian hàng... chỉ là đơn thuần chọn một món hàng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, hay là gì khác nữa? Chỉ là đơn giản tìm món hàng để nấu một món ăn cho giống hương vị "ở nhà" hay là để cảm xúc vô thức xâm chiếm khi nhìn thấy hình ảnh thân thương ở một góc nào đó trong lòng, được hiển hiện trong hình hài của đồ vật? Cũng như thế, tôi đi chợ Tết trong siêu thị của người châu Á, chỉ để lắng nghe những đối thoại, nhìn thấy vẻ hân hoan của những cụ già cân đong từng đồng euro khi chọn mua đồ ăn, nhưng lại sẵn sàng nhặt lên bó đào, cành mai không hề rẻ mà không tiếc - chỉ để nhà có hương vị Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng nhau sửa soạn đón Tết.
Cùng nhau sửa soạn đón Tết.

Trải nghiệm này, với tôi là quý giá.

Phải nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, bước chân líu quíu, lắng nghe giọng nói líu lô Pháp-Việt trộn lẫn, thậm chí là thứ ngôn ngữ tiếng Việt rất sơ khai với vốn từ đơn giản, thì mới thấy hết được "nhà tôi" là gì trong lòng nhiều người xa xứ.

Có một thực tế mà nếu nhìn thật sâu vào đời sống của những người Việt tại Pháp thì không thể không nhận ra, là dù đã có khi chia đôi chiến tuyến bắc nam, dù có khi giọng nói nơi này làm e ngại nơi kia thì hơi ấm của "nhà tôi" vẫn làm người ta thấy gần gũi, nếu không nói là cần để mà lớn lên.

Nhà tôi ấy là những bữa cơm thuần Việt với thịt kho, cá kho mà đám trẻ ngồi chung quanh có thể chỉ còn bập bẹ được vài từ đơn giản của thứ ngôn ngữ được gọi là mẹ đẻ. Nhà tôi ấy là những góc bé tí trong căn nhà, để vài kỷ vật của đời cha mẹ thuở còn ở Việt Nam. Nhà tôi ấy là những câu chuyện, rất ít khi được nhắc đến, thậm chí có thể được nhắc đến như một vết xước ở trong lòng, nhưng luôn tha thiết, không quên. Hoặc nhà tôi ấy là niềm tự hào, nỗi nhớ nhung không che giấu dù có thể đã hoàn toàn hòa nhập, trưởng thành và tìm được một vị trí xứng đáng ở "căn nhà" mới. Nhà tôi ấy, nếu có dịp, lại trở về - thân thương, lưu luyến.

Nhà tôi ơi ảnh 1

Cùng nhau sửa soạn đón Tết.

Phải ngồi hàng giờ để nghe, phải đi nhiều lễ hội, phải giao du với nhiều tầng lớp người Việt ở Pháp để thấy những căn nhà vô hình trong lòng nhiều người, vô thức hoặc có đầy đủ ý thức. "Căn nhà" ấy, giàu nghèo to nhỏ khác nhau nhưng luôn làm tôi xúc động.

Làm sao không xúc động khi chứng kiến một lễ hội Ici Việt Nam của thế hệ người Việt Nam hầu hết là sinh ra và lớn lên tại Pháp, hòa nhập trọn vẹn vào đời sống và sinh hoạt của người bản địa, nhưng hai năm một lần lại tụ nhau để khoe ra với người Pháp về những nét đẹp của Văn hóa Việt mà họ đã được khám phá qua cha mẹ, có thể không đầy đủ, nhưng nó cho thấy một tình yêu sâu kín - thậm chí hoàn toàn chưa bao giờ được định vị chính xác có gọi là tình yêu hay không, nhưng luôn tồn tại.

Phải được ngồi trong sân khấu kịch của Pháp để xem Saigon Saigon và lắng nghe những chia sẻ về mong muốn được kể câu chuyện lịch sử Việt Nam cho người Pháp nghe, thì sẽ hiểu.

Cũng như vậy, có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ có gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Pháp mà không nói điều gì đó về Việt Nam? Caroline Guela, Ina Ich, Bao Vương, Paul Nguyen, Trần Anh Hùng, Huy Trần Minh... Mà họ, đều là những người đã hòa nhập, đã tạo nên được chỗ đứng cho riêng mình trên một đất nước mới.

Đôi khi tôi tự hỏi những căn nhà ấy được xây dựng lên bằng gì? Nó tồn tại, trong lòng mỗi người dù là có ý thức hay vô thức, nhưng nó được xây lên bằng gì?

Có thể từ thịt kho, từ nem, từ phở từ những bữa ăn hằng ngày. Có thể từ những vết xước trong sâu thẳm ký ức của cha mẹ, có thể từ niềm tự hào, có thể cả từ nỗ lực tự thân?! Nhưng những chất liệu ấy rõ ràng đã khiến cho căn nhà ấy hiện hữu.

Nhà tôi ơi ảnh 2

Nấu bánh chưng ngày Tết tại Pháp.

Lớn có, nhỏ có, khác nhau nhưng hiện hữu.

Có một lần trong công viên giữa Paris, tôi gặp một người phụ nữ đã già ngồi trên ghế đá đọc sách. Nhìn vào đôi mắt xanh của bà, chiếc gò má, nét phảng phất của đôi môi... có gì đó Á Đông rất khó nói, tôi đã liều làm một thử nghiệm. Tôi gọi "cô ơi cho cháu hỏi". Người đàn bà ngẩng phắt lên nhìn tôi, líu ríu nói tiếng Pháp, bà bảo bà không hiểu tiếng Việt, chỉ hiểu từ cô ơi. Chúng tôi trò chuyện và tôi quả đã không nhầm, bà chỉ còn một phần tư dòng máu Việt trong người, tuy thế do từ bé đã chơi với bà ngoại mỗi mùa hè mà bà vẫn nhớ vài từ "tiếng Việt Nam". Bà nhớ Tết, nhớ chiếc bánh tét, nhớ mùi thịt kho, nhớ "trò chơi gì mà vẽ ô và xếp sỏi vào chơi"... Bà nhớ, và rất vui vì trên đường đời có người nhận ra một phần tư dòng máu của bà, để bà thấy mình vẫn có cả một nơi khác nữa để thuộc về.

Có nhiều chất liệu khác nhau để tạo nên những viên gạch cho căn nhà trong lòng mỗi người ấy, nhưng văn hóa - không điều gì khác, chính văn hóa đã làm nên mạch vữa để những căn nhà ấy được tồn tại, được xây.

Và Tết, Tết đến là lúc "căn nhà" ấy cũng được ấm cúng hơn, hệt như một căn nhà vật lý nào đó nằm sâu trong nước Pháp. Người ta chăm sóc góc nhỏ của căn "nhà tôi" ấy bằng những ký ức từ mùi, từ vị, từ mầu.

Mùi trái cây, mùi thức ăn, mùi hương trầm... Mầu hồng đào, vàng mai, xanh mướt của lá dong, quả bưởi... Vị mặn của nước mắm, thơm dẻo của chén cơm và đôi khi cả của giọt nước mắt rưng rưng, gạt không kịp làm mặn trên môi.

Tôi may mắn được đi qua nhiều căn nhà, được tin cậy mở cửa cho vào, được hít căng lồng ngực, mở rộng giác quan để đón nhận hết những gì mà tôi thấy, được cất giấu trong những ngôi nhà nằm giữa lòng người ấy. Tôi chiêm ngưỡng vẻ cẩn trọng của gia chủ khi chăm sóc ngôi nhà của mình bằng việc cố giữ lại những phong tục tập quán, truyền lại nó cho thế hệ sau. Cũng có người, không cố ý chăm sóc gì, để mặc cho cỏ cây nơi khác đến mọc, nhưng căn nhà ấy - vẫn là nơi để họ về, khi có dịp.

Nhà tôi - một căn nhà không nằm trong khái niệm vật lý mà nằm trong tiềm thức, được xây dựng, cất kỹ trong lòng của nhiều người Việt xa nhà.

Những ngày này, sẽ lại có những bà mẹ Việt Nam cuốn khăn kín bưng đi trong gió lạnh nước Pháp, tay ôm thùng nem đã chiên sẵn mang ra bưu điện gửi cho con ăn Tết dù có thể sau 30 tiếng trên đường thì nem cũng không còn tươi. Cũng sẽ lại có những chiếc ô-tô hối hả chất đầy bánh trái, giò chả tỏa đi khắp nơi, là của những đứa con ghé vội về để ăn bữa cơm với cha mẹ cho ấm cúng ngày Tết. Khi ấy, ngôi nhà trong tâm thức và ngôi nhà vật lý đã là một.

Nó là căn nhà Việt.

Nhà, khi ấy là rộng lớn.