Ngôi trường mang tên "Ðại học Nhân dân Việt Nam"

NDO - Trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, nhân dân Hà Nội đã chứng kiến sự ra đời của một ngôi trường đại học đặc biệt, một nhà trường kiểu mới có một không hai trong nền giáo dục Việt Nam ở một thời điểm lịch sử sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Với nội dung chương trình giảng dạy "khoa học xã hội và chính trị", với phương châm giáo dục "lý luận liên hệ mật thiết với thực tế"... theo mô hình do Bác Hồ thiết kế nhằm đào tạo một lớp thanh niên trí thức mới, từ ngôi trường này, những Thanh niên ưu tú của toàn miền bắc đã tình nguyện gia nhập Ðội 56 - Ðoàn Thanh niên xung phong Trung ương, tỏa đi khắp các vùng miền, nếm trải biết bao chông gai, thử thách với một ý chí sắt đá là đem hết sức mình phụng sự cho Tổ quốc.

Khi tiếng súng trên chiến trường Ðiện Biên đã ngừng nổ, Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc thắng lợi đã mở ra một thời kỳ mới đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào thời điểm ấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đối với lãnh đạo Ðảng và Chính phủ trong tiến trình tiếp quản Thủ đô là làm thế nào để nhanh chóng khích lệ tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức, sinh viên, học sinh hàng chục năm qua bị kìm kẹp trong vùng địch chiếm. Một giải pháp quan trọng được lựa chọn lúc bấy giờ là mở Trường đại học Nhân dân, ngôi trường có thể coi là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày khai giảng tưng bừng với sự tham gia của 1.200 học sinh, sinh viên đầu tiên của nhà trường diễn ra tại Khu Ðấu xảo (nay là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội) cách nay năm mươi sáu năm mãi mãi là ký ức không phai mờ đối với những cựu sinh viên năm xưa. Nhà sử học Ngô Ðăng Lợi nhớ lại, hồi ấy, khi ông đang là cán bộ cơ sở của xã Ðoàn Xá, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng thì có giấy gọi nhập học. Ðiều khiến ông không khỏi bất ngờ là tại đây, ông được học tập dưới sự hướng dẫn của những người thầy danh tiếng mà với một người cán bộ trẻ ở một xã vùng sâu như ông không bao giờ nghĩ là mình có thể được gặp như thầy hiệu trưởng danh dự Phạm Văn Ðồng, hiệu trưởng Hoàng Minh Giám cùng các thầy Võ Nguyên Giáp. Các thầy Nguyễn Khánh Toàn dạy "Triết học duy vật biện chứng", thầy Ðoàn Trọng Truyến giảng về "Kinh tế chính trị", thầy Tố Hữu giảng về "Duy vật lịch sử"... Và điều bản thân ông cũng như các anh chị em sinh viên khác trong trường cũng hết sức bất ngờ là tại đây, họ đã có vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.

Những người có mặt trong buổi lễ khai giảng Trường đại học Nhân dân ngày 19-1-1955 vẫn mãi khắc nghi lời Bác căn dặn: "Những điều nên làm: Phải vạch rõ ranh giới, vạch rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Ðối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù... Ðiều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Ðiều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn..."(H). Nhắc đến vinh dự ấy, nhà giáo Trần Hữu Dụng, thành viên ban liên lạc sinh viên Ðại học Nhân dân Việt Nam và đội viên Ðội 56 - Ðoàn Thanh niên xung phong Trung ương không khỏi bồi hồi xúc động, ông cho biết thêm sau khi đọc song bài phát biểu Bác Hồ còn ân cần nhắc nhở sinh viên nam nữ trong trường cần phải cư xử với nhau đúng mực, coi nhau như anh em một nhà, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ...

Nhớ về một thời hoa niên tươi đẹp của mình, mỗi một học viên của ngôi trường đại học đặc biệt năm nào đều mang trong lòng những ký ức riêng. Với cô Trần Thị Nhẫn, một trong số những nữ sinh Hà Nội thời ấy mạnh dạn vượt qua những khuôn phép của gia đình cùng anh em lên đường đi xây dựng nhà máy chè Phú Thọ thì đó những tháng ngày vất vả nhưng cũng thật vui. Ðến bây giờ nhiều lúc bà vẫn tự hỏi rằng lúc ấy nguồn sức mạnh nào đã giúp một cô gái thành thị yểu điệu như bà lại có thể trở thành một chị cấp dưỡng tay năm tay mười, thông thạo từ việc bán mua, trao đổi lương thực với nhân dân địa phương đến việc mổ thịt lợn, thịt bò cho anh em cải thiện. Mỗi lần gánh sắn luộc và nước chè xanh ra công trường tiếp tế cho anh em, chỉ cần nghe thấy tiếng hò tếu táo: "Chị nuôi mang sắn ra rồi, chúng ta tạm nghỉ để còn ăn thôi, hò lơ hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai hò lờ" hay "Sắn ai khéo luộc thế này, làm cho cái bụng tôi đây no kềnh, hò lơ hó lơ..." là các chị em cấp dưỡng quên cả mệt nhọc.

Riêng với nhà báo Hàm Châu thì cứ mỗi lần hồi tưởng về thời Ðại học Nhân dân, ông lại nhớ đến bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" của Bác Hồ. "Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời, người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công". Mỗi bài giảng của các thầy, mỗi buổi sinh hoạt tổ, rút kinh nghiệm chung hay những buổi kiểm điểm, phê bình nhau gay gắt đến mức nảy lửa thời Ðại học Nhân dân, ông cùng biết bao anh chị em khác đã giác ngộ được rằng, ngôi trường đã tôi luyện cho họ trở thành người trí thức cách mạng có thể lăn lóc khắp mọi miền đất nước, dám nếm mật nằm gai để làm những việc thiết thực, hữu ích cho cuộc đời mà không màng đến danh lợi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Ðoàn Thanh niên xung phong Trung ương, sáu mươi phần trăm sinh viên của trường vào ngành giáo dục, số khác được điều động về các cơ quan Trung ương và địa phương thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Từ những thanh niên trí thức được đào tạo trong một môi trường học tập, rèn luyện ưu tú, họ đã phát huy được khả năng trong lĩnh vực công tác mà mình đảm nhận, giữ vững tác phong của những con người có ý thức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao và có nhiều đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những ngày tiếp xúc với các cô bác từng là cựu sinh viên của Trường đại học Nhân dân để thu thập tư liệu cho bài viết này, điều mà tôi cảm nhận được từ họ là tinh thần khảng khái và lửa nhiệt tình trước cuộc sống, trước công việc dường như chưa hề nguội lạnh, dẫu hầu hết các cô bác đều đã vào tuổi "xưa nay hiếm". Họ nhắc về ngôi Trường đại học Nhân dân và Ðội 56 - Ðoàn Thanh niên xung phong Trung ương với một niềm tự hào rất đáng trân trọng. Và như thầy Khoa Minh, một trong những người từng tham gia giảng dạy tại Ðại học Nhân dân, thì: "Nhìn lại quãng đường đã qua, ta thấy hầu hết các học viên của trường đều có một sự trưởng thành lớn, nhất là về quan điểm chính trị, lý luận, phẩm chất, tác phong, lối sống... Nhìn chung, tuyệt đại bộ phận anh chị em đã được thử thách qua những chuyển biến lớn của đất nước và thế giới, tin tưởng và đường lối mới của Ðảng. Ðó cũng là thành quả quý báu nhất của Trường đại học Nhân dân Việt Nam mà sứ mệnh, mục đích của nó là tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng và sử dụng tốt mọi lực lượng trí thức của dân tộc...".

Còn với họ, những thanh niên trí thức ngày nào giờ đã thành ông, thành bà thì vẫn giản dị gọi nhau bằng một cái tên gợi nhiều điều về những tháng ngày tươi đẹp của tuổi trẻ: "Quân ta".

-----------------

(*) Trích "Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường đại học Nhân dân Việt Nam". Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2000, tập 7, trang 454-455.