Trường Sa luôn trong tim
Chuẩn bị cho hải trình đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống trên quần đảo Trường Sa, thông qua Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, sát ngày tàu khởi hành, anh chị em báo chí háo hức lập nhóm trao đổi làm quen nhau trước chuyến đi.
Có người từng được đặt chân đến Trường Sa, nhưng hầu hết đều đi lần đầu, tuy chưa gặp mặt nhau, nhưng cảm nhận được một sự đồng cảm sâu xa. Ngoài những vật dụng cần thiết, chúng tôi đều suy nghĩ làm gì để lưu giữ những kỷ niệm quý giá của chuyến đi? Nhiều người từng đi truyền đạt lại kinh nghiệm, thêm một giấy đi đường (không quyết toán), hoặc một lá Quốc kỳ mang theo suốt hành trình để đến mỗi đảo xin đóng con dấu cùng chữ ký của đảo trưởng mang về lưu giữ. Có người mong mỏi: xin Trường Sa một nắm đất nhỏ mang về đất liền; hay nhặt một viên đá san hô giữ nguyên vị mặn mòi của biển. Có người lại chuẩn bị một chai thủy tinh nhỏ lấy nước biển khi tàu đi qua đường xích đạo...
Quà Tết mang đến Trường Sa năm nay được hết lòng chăm chút. Bên cạnh thực phẩm, nhu yếu phẩm, trà, mứt, bánh kẹo nếp, lá dong… còn có những con lợn say sóng nằm bẹp dưới đuôi tàu; quất, đào chằng buộc kỹ hai bên mạn tàu; xe đạp, đồ chơi trẻ em... lỉnh kỉnh như chuyến du xuân của một gia đình lớn.
Anh Nguyễn Văn Thành, một thành viên trên tàu, phấn khởi vì đào Nhật Tân (Hà Nội) đã có mặt trên các đảo yêu thương. Đào được đặt mua từ làng hoa Nhật Tân, được chủ nhân dành nhiều tâm huyết chăm chút, căn thời gian chuẩn nhất với mong muốn hoa đào nở hiện diện trên đảo trong những ngày Tết đến xuân về để quân dân Trường Sa được đón một cái Tết đầm ấm, đủ đầy như trên quê hương mình.
Một điều thú vị nữa là trên đảo Trường Sa có khá nhiều hoa lan. Đem điều này thắc mắc, Chính trị viên đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Tiến Điệp cho biết, hoa lan nhiều năm nay đã thành món quà Tết đầy yêu thương của doanh nhân Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt tặng cho quân và dân Trường Sa...
Trường Sa giờ là đảo xanh xinh đẹp và trù phú. Vườn thuốc nam của Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa tuy nhỏ nhưng khá đa dạng. Những rẻo đất, thùng xốp được quân dân tận dụng để trồng rau xanh hiện diện thân thuộc giản dị. Có điện, có nước ngọt, đời sống quân dân trên đảo cải thiện hơn rất nhiều so với trước kia. Quân dân đã gần như chủ động được rau xanh trong bữa ăn hằng ngày trong những năm gần đây...
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo, Thượng tá Trần Quang Phú say sưa giới thiệu về cây xanh và khát vọng phủ xanh Trường Sa vẫn đang được cán bộ, chiến sĩ nỗ lực mỗi ngày để hiện thực hóa. Chỉ những dãy vườn ươm được bao bọc bằng lưới đen vòng quanh cao đến ngang thắt lưng, giọng người sĩ quan hải quân háo hức: “Mưa như thế này anh em tập luyện vất vả, nhưng cây xanh trên đảo được tưới tắm no đủ. Mới tuần trước, biển động, những ngọn sóng bạc đầu đổ ụp vào rặng phi lao bao quanh đảo, lá cháy gần hết. Nhưng rồi, mưa xuống lại gột sạch muối biển bám trên lá, để cây hồi sinh”.
Đất san hô ở đây nhiều người nhầm tưởng khô cằn, nhưng thực tế cho thấy khá tương thích với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao đang được trồng thử nghiệm trên đảo như nhàu, mù u, chà là, chuối... ngoài những loài cây vốn đặc trưng ở đây như bàng, bàng vuông, phi lao, muống biển, cây tra (thường gọi là cây nho biển)... Quân và dân Trường Sa bên cạnh phủ xanh đảo còn tự nguyện nhận trách nhiệm san sẻ hỗ trợ cây giống cho các đảo lân cận như An Bang, Đá Tây...
Xuân ấm trên đảo
Thượng tá Phạm Tiến Điệp là người luôn quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Ở đảo nhiều năm nay có một truyền thống ngày càng được phát huy, đó là trong những ngày Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa, chỉ huy các cấp phân công nhau gọi điện chúc Tết gia đình, người thân của cấp dưới, làm sao bảo đảm 100% gia đình người thân cán bộ, chiến sĩ của đảo được cấp trên gọi điện chúc Tết, động viên thăm hỏi. Đây là nội dung rất quan trọng để bảo đảm toàn quân phấn khởi đón Tết. Nhiều ngày qua lãnh đạo chỉ huy đơn vị rất quan tâm đối với hoạt động đón Tết cho toàn quân và dân trên đảo bảo đảm tiêu chí đón Tết vui vẻ an toàn nhưng vẫn luôn không quên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cao.
Trước giờ tàu khởi hành mang Tết từ đất liền ra với quân và dân trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Đ.V.T |
Tết ở Trường Sa giờ đây mang nhiều nét truyền thống để quân và dân trên đảo luôn cảm thấy ấm áp như đang sống trên chính quê hương mình vậy. Nhiều hoạt động như tổ chức thi gói bánh chưng, thi nấu và trình bày mâm cỗ Tết; thi hái hoa dân chủ, các trò chơi dân gian nhảy bao bố, ném vòng cổ chai, bóng đá, bóng chuyền... cho toàn quân và dân tham gia tạo không khí vui đón Tết ấm cúng, và để cảm thấy thật sự an lành ấm áp trên chính quê nhà Trường Sa.
Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi luôn phát huy truyền thống chiến đấu anh dũng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần đoàn kết chủ động linh hoạt sáng tạo trong mọi tình huống. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng tình cảm đồng chí đồng đội, tình quân dân càng sắt son bền chặt. Mong muốn quân dân trên đảo đón một cái Tết ấm áp an vui nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn không quên nhiệm vụ, luôn đề cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu...”.
May mắn được có mặt ở Trường Sa vào ngày cuối cùng khép lại năm 2024, chúng tôi thắp nén tâm nhang ở Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, rồi nhẹ bước vào ngôi chùa duy nhất trên đảo. Hương trầm phảng phất trong không gian tĩnh lặng chỉ có rì rào tiếng sóng vỗ, mỗi người trào dâng niềm xúc động và lòng thành kính biết ơn sâu sắc...
Ngay hôm tàu 561 cập đảo, Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ cùng cả kíp vừa cấp cứu thành công một ngư dân bị viêm ruột thừa 72 giờ lênh đênh vượt biển về Trường Sa cấp cứu... Bác sĩ Nông Hữu Thọ công tác ở Bệnh viện Quân y 175 TP Hồ Chí Minh, chuyên về ngoại khoa lồng ngực, tháng 1/2024 nhận nhiệm vụ ra công tác tại Trung tâm y tế Trường Sa. Ngày ra đảo, bác sĩ Thọ chưa kịp tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp, dự kiến sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ đợt này về, nhà trường sẽ tổ chức lễ trao bằng muộn cho anh. Hỏi đến chuyện này, bác sĩ trẻ người dân tộc Nùng cười bẽn lẽn: “Việc đó cũng không cần thiết nữa, hoàn thành nhiệm vụ ở đảo trở về đơn vị, em còn nhiều việc phải làm...”.
Chúng tôi chia tay Trường Sa một ngày mưa tầm tã. Cán bộ, chiến sĩ, sư trụ trì chùa, các thầy giáo, người dân... đứng trên đảo, còn chúng tôi dưới boong tàu. Những cánh tay vẫy mãi. Những giọt nước mắt gạt vội. Tiếng hát của người đi kẻ ở hòa vào sóng biển:
Ngày qua ngày, đêm qua đêm
Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương.
Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa.
Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ
Ta vẫn vượt qua...
Trường Sa xanh giữa trùng khơi. Ảnh |Trung Kiên |
Rồi đây những ngày tháng đẹp đẽ này sẽ thành ký ức khó quên. Đó là những sáng sớm ra đứng trên boong tàu ngắm biển bình yên, vài con hải âu vụt xuống mặt nước cắp cá; đó là sau những cơn mưa bất chợt, nắng lại hửng sáng cả góc trời, chúng tôi gặp lại cảm xúc trẻ thơ khi phát hiện cầu vồng đột nhiên xuất hiện rực rỡ ; đó là những đêm đại dương sâu thẳm, hồi hộp âu lo ôm chặt nhau vượt qua hiểm nguy khi bất chợt giông gió, biển cuộn sóng còn chiếc ca-nô của đoàn công tác trồi sụt trên sóng mãi không cập bờ. Trên hết thảy, sâu đượm hơn hai tiếng chủ quyền với những dải đất thiêng liêng giữa trùng khơi của Tổ quốc...