Mùa phong sương kết trái

Sớm tinh mơ người bến Mỏi Mòn chưa kịp tỉnh giấc đã nghe lào xào rồi tiếng trống thùng thình. Mấy ông trên thị trấn xuống đưa xấp hình, trong cả trăm lao động Việt bên Cam lục ra đâu được mấy chục người của bến Mỏi Mòn. Già có, trẻ có. Người đi trước phải dụ được người đi sau không là nó đánh chết. Chết thì nó đào mồ chôn trong rừng, không thì thả xuống sông. Có tiền chuộc ba trăm triệu thì mới thả người về. Tiếng khóc ào ạt. Người gọi thằng Tí, người kêu con Mén. Trời ơi những đứa con phù sa!
0:00 / 0:00
0:00
Mùa phong sương kết trái

Chín Cam lặng thinh vào nhà cầm ra cái hộp. Bao nhiêu vàng đây bán ra chắc cũng đủ chuộc mấy chục người bến Mỏi Mòn phải không mấy chú. Vậy nè, mấy chú cứ cầm qua bển, gì chứ giáp miệt Hồng Ngự cách con sông là nhiều sòng bài lắm. Hồi xưa tui trốn từ đó qua đây mà. Cái đêm đó tụi nó chục thằng xé đồ tui. Xé luôn cái đời con gái của tui. Chừng giam tui năm bảy tháng chúng thấy cái bụng chành ành ra mới lơ là, nhờ đó tui trốn được. Giờ mà để tụi nhỏ bên đó thêm ngày nào là lành ít dữ nhiều ngày đó. Mấy ông trên thị trấn ngó bà chấm mắt ghe kể chuyện đời mà thản nhiên không giọt nước mắt, lừng khừng đôi chút rồi phủi tay cái rột. Tiền bạc gì đâu, biên phòng mình đang phối hợp để giải cứu. Báo cho bà con hay vậy thôi. Bà con yên tâm chờ.

Mấy ông cán bộ nổ máy ghe đi, cái nỗi chờ bắt đầu thấp thỏm theo từng ngày trên bến. Ai đó hỏi sao bả kể tỉnh queo mà không khóc? Cũng ai đó trả lời, chắc cạn nước mắt từ cái đêm mưa giông sấm chớp mờ mờ ảo ảo. Chín Cam nghe nhưng lặng lẽ cúi xuống nhìn đất. Đất nuốt chửng hết tất thảy mọi nỗi đau.

Bây giờ là tháng chín, mưa sa, nước sấp đồng. Phong sương cũng bắt đầu vàng lá. Từ bắc An Hòa xuôi con nước sông Hậu qua cầu Côi là về bến Mỏi Mòn. Cái bến nghe tên là buồn quắc quéo lòng dạ. Chẳng biết ai đã đặt tên cho cái bến quê ngộ kỳ đời vậy. Chỉ biết thương hồ mỗi lần cần chấm mắt ghe thì phải tới xứ này. Xứ gì mỗi đàn bà bồng con leo nheo lóc nhóc. Xứ gì mấy bà già tóc trắng phếu vẫn ngày hai buổi ra đồng cày cuốc. Xứ lạ quá chừng, đi từ đầu xóm đến cuối xóm tìm được một thằng đàn ông khó còn hơn phong sương có trái. Bận ông nào đó từ miệt bưng Lềnh tuốt Hồng Ngự ghé qua, ngó dáo dác cái xóm rồi thở dài thườn thượt buông câu ráo hoảnh. Chín Cam đưa mắt ngó lên rồi cặm cụi chấm thêm vệt chỉ thiên mầu xanh dương ngay giữa con mắt ghe. Dấu chấm nhỏ như đầu kim. Chẳng ai nhìn thấy, ngay cả chủ ghe còn chưa chắc biết.

Thoảng khi người ta cũng thấy năm ba đàn ông từ thị trấn xuôi ghe về bến ở lại tuần lễ hay nửa tháng rồi đi. Đó là mấy người thợ làm nhà, hoặc lái về thu mua lúa, lấy trái cây. Chỉ vậy thôi, cái xóm vẫn cô liêu u tịch.

★★★

Chín Cam dáng người dong dỏng cao, gắn với đất này cũng hơn ba chục năm trời. Người ta gọi Chín Cam vì bả trốn biên giới mà lặn lội về đây như cái cơ duyên ông trời sắp đặt. Lang thang khắp nơi nhưng khi đò chở ngang qua cái bến có vòm cây vàng lá, một chiều mùa hạ, bả kêu đò ngừng lại, cái bụng đã lúc lỉu như trái mít chín cây to hơn vòng tay ôm. Cắp nách cái giỏ đệm đựng dăm bộ đồ, Chín Cam chỉ miếng đất sát chảng ba rồi hỏi mua, kêu thợ dựng nhà, chừng hai tuần sau nhà vừa xong là Chín Cam đẻ. Đêm mưa giông sấm chớp ì đùng. Tiếng khóc trẻ con lẫn tiếng mưa, tiếng thét gào lẫn tiếng sấm giăng, tiếng này chưa dứt đã chồng lên tiếng kia, trùng trùng cả đêm thâm sâu miệt bưng.

Xứ này cũng có đàn ông chứ, nhưng mà dần dà rồi cũng đi. Đi vì bị bắt lính sung quân những năm trái hỏa châu sáng chói trời đêm. Đi rồi chẳng về. Cũng có khi đi vì cơ cầu cực khổ miệt bưng sao giữ chân những người mang chí lớn. Đám già đã thế, đám trẻ lớn lên thấy xanh đỏ đèn vàng thị thành xa hoa cũng đùm túm nhau đi. Thoảng khi về là những lúc đã rệu rã úa nhàu. Đứa về giao con cho má, cho bà, cho chị. Đứa về quậy thừa sống thiếu chết để moi móc mớ tiền chắt chiu từ ruộng đồng vườn tược rồi đem đi. Bỏ lại cái miệt bưng bến Mỏi Mòn những phận đàn bà chẳng biết nổi nênh gì mà tròng trành đơn độc.

★★★

Trên cái bàn thờ lớn giữa nhà Chín Cam là mười hai cây cọ vẽ. Hằng ngày, Chín Cam thắp nhang đầy đủ ba bận. Sáng tinh sương gà gáy, trưa đứng con nước sông, và chiều tím lím bờ. Đều đặn như thế. Chín Cam có cái nghề chấm mắt ghe trứ danh vang cả miệt sông Hậu. Ghe thương hồ mần ăn buôn bán, ghe đi sông đi biển, ghe chở hàng vào lạch ra búng đều kéo đến bến này nhờ Chín Cam chấm mắt. Chín Cam hành nghề từ sau cái hôm đẻ xong ra tháng. Chín Cam tùy tuổi chủ ghe mà vẽ mầu mắt, tùy ngày giờ hữu duyên ghe đến mà chấm. Cũng có khi Chín Cam lắc đầu phủi tay kêu chủ ghe về đi. Ghe này không chấm. Chấm là nghịch ý hà bá. Chủ ghe đưa xấp tiền dày cộp, Chín Cam vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Đất có thổ công, sông có hà bá. Chấm mắt ghe là điểm nhãn để ghe thấy đường mà đi. Sông nước cũng có hồn thiêng anh linh trú ngụ. Đâu phải cứ có ghe là chạy. Phải thuận theo ý hà bá nữa mấy ông ơi. Chủ ghe nghe Chín Cam nói thì càu nhàu một đỗi mới lui ghe khỏi bến.

Chín Cam một mình một nghề, sống khá giả nhất xóm, nhưng mà cũng cô độc nhất bến. Như lời mụ Tám kể thì ngay cái lúc rước đứa con Chín Cam ra đã là một cục thịt chẳng thoi thóp. Không tay, không chân. Màng bọc chung quanh trắng trơn không một chút máu. Má mụ Tám kinh hoàng đặt xuống giường miệng rì rầm khấn vái. Chín Cam bắt đầu la hét. Mụ Tám khi đó vừa qua hai mươi sợ điếng hồn nép vào một góc nhà.

Lần đó không phải chỉ có tiếng mưa, tiếng sấm, hay tiếng la hét mà mụ Tám còn nghe thấy tiếng chân rì rầm đi về phía ngôi nhà. Tiếng chân càng ngày càng rõ. Trong màn mưa trắng xóa, mụ Tám nhìn ra phía hiên nhà, hình như là cả nhóm binh lính. Mờ mờ. Ảo ảo. Thoắt ẩn. Thoát hiện.

★★★

Phong sương một cây chín rễ, một cành chín lá, một lá chín vân, một vân chín tẻ. Nắng ưng, mưa cũng chịu. Cứ bám đất mà sống. Phong sương cằn cỗi khô khốc, mười năm mới có hoa, năm chục năm có trái. Hoa phong sương năm cánh, đầu cánh nhọn như mũi dao, mầu trắng ngà. Hoa chẳng có hương. Trái phong sương nhỏ như trái trứng cá màu trong suốt. Tựa thể nhìn thấy rõ hột nằm bên trong. Lá phong sương non xanh, già vàng, chừng bắt đầu trổ bạc thì rụng dần xuống. Gặp đất lá sẽ nhuốm mầu nâu. Gặp sông sẽ hóa mầu vàng. Cây phong sương như một thứ lạ lùng của người bến Mỏi Mòn, đôi khi sống cả đời chỉ thấy trái một lần. Cũng có khi chẳng bao giờ thấy trái phong sương, bởi chưa kịp thương đất này họ đã bỏ đi mất tiêu.

Mấy người thương hồ ghé bến Mỏi Mòn vài lần cũng thấy lạ. Hễ mỗi khi chấm mắt ghe, Chín Cam hay hái mớ lá vò ra thành thứ nước rồi vẽ mồi lên hai bên mắt ghe. Vẽ xong lại lấy nước sông rửa cọ, mới bắt đầu pha mầu vẽ nổi cặp mắt ghe lên. Những khi vẽ Chín Cam hay đọc gì đó nho nhỏ trong miệng. Có khi như hát. Có khi như khóc. Ghe cũng có hồn. Hồn ghe như hồn người. Nhìn vào mắt là biết.

Chín Cam hay nói vậy, mỗi khi nhìn ánh mắt xanh lè, môi run bần bật vì sợ của chủ ghe. Nhưng Chín Cam chấm mắt ghe nào thì ghe đó thuận con nước mà làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt. Gặp sóng to gió lớn ghe vẫn không chìm. Gặp bọn gian thương trộm cướp ghe sẽ hất mũi ba cái. Gặp người thiện lành đức độ ghe sẽ cúi đầu ba cái. Chẳng biết đúng sai, nhưng lời đồn nhanh hơn gió, mạnh hơn bão, và dễ khiến người ta tin hơn bất cứ lời nói chân thật nào trên đời này. Dân thương hồ cứ thế mà tìm đến. Chín Cam cũng chẳng ầu ơ ví dầu gì cả, cứ một cặp mắt ghe là chín trăm ngàn, tiền bỏ vào phong bao đỏ, Chín Cam thượng lên bàn thờ thắp nhang đảnh lễ rồi chọn một cây cọ trong bộ mười hai cây mà vẽ. Cũng chẳng ai quan tâm tại sao dùng cây cọ này vẽ mà không dùng cây kia, cũng đâu ai hỏi sao ghe đó mắt mầu xanh, ghe tui mắt đỏ. Chỉ biết lặng lẽ nhìn Chín Cam chấm mắt ghe mà thành toàn tin tưởng.

★★★

Một sớm tàn mùa, lá vàng chuyển sang bạc. Lá rơi xuống đất nhuốm màu hiu hắt, lá rơi dọc triền sông phủ lên vẻ cô tịch. Gió bắt đầu se sắt. Nước ngọt đồng. Lác đác trên cành còi cọc vài bông phong sương ti hí nở. Mấy ông cán bộ xã cho ghe to cập bến. Mấy đứa nhỏ chạy ùa về đám người đang loi ngoi ngóng chờ. Nước mắt thấm đất. Tiếng khóc thấm trời. Bến chộn rộn. Mụ Tám cười hề hà. Thằng này tao đỡ ngay mùa nước ngập đồng, nay dong dỏng cao. Con này tao rước lúc hạn nứt nẻ như gót chân người châu thổ, nay tóc dài đen nhánh. Thằng này, con kia, về được là vui rồi. Khóc chi bây. Đất này luôn giang tay đón những phận đời rủi rong. Đất đâu có bao giờ bạc, chỉ người bạc với đất mà thôi. Lẫn trong mớ người là mấy gương mặt hốc hác đàn ông, tay cầm cái ba-lô lừng khừng. Về luôn đi bà con. Tui lập cái xưởng đóng ghe. Tui chỉ cho cái nghề để mình mưu sinh. Sông nước còn phù sa thì mình còn sống được. Giàu nghèo gì đó cũng đâu bằng sống trên quê mình. Xứ lạ người xa đâu bằng đất quê bếp nhà. Ai đó nói bà Chín Cam tính hay thiệt mà bà gốc Cam hay Việt vậy chèn?

Chín Cam cười bâng lâng. Cam hay Việt đâu có quan trọng mấy bà ơi! Đất này cho tui cuộc đời mới, quê hương mới, là máu mủ ruột rà của tui. Chừng khi đi qua gieo neo dâu bể rủi may phận mình, người ta mới ngộ ra đâu là bản xứ. Người có bỏ đi, người không lại tìm. Như cây phong sương này thiệt ra cái hột của nó theo gió theo nước mà trôi về xứ này. Chừng cắm rễ, thuận trời mà ký thác đời mình nơi đây. Đơm hoa rồi kìa, bấm đốt ngón tay tui tính, năm nay là nó kết trái. Mà hễ phong sương kết trái là được mùa ấm no nhen bà con.

Tiếng cười rào rạo trên bến. Phong sương theo gió rơi lả tả. Lá thấm vào đất. Lá hòa vào sông. Đục trong gì đó cũng cạn một đời với bến này mà thôi.