Sống trong đời sống...

Một reo vui trong nắng sớm

Bọn tôi thức dậy khi Lô Lô Chải đã ngập trong nắng sớm. Tôi thì “về nhà”, còn vài người bạn thì theo tôi “về nhà”, là cái cách tôi gọi mỗi khi về miền núi. Núi rừng ở đâu nhà tôi ở đấy.

Minh họa | NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa | NGUYỄN VĂN ĐỨC

Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, ngửa mặt lên là nhìn thấy cột cờ với lá cờ rộng, đỏ chói, bay phần phật trong gió.

Tôi quyết định cho các bạn ngủ một đêm dưới chân Lũng Cú chỉ vì ai cũng thích quá một bức ảnh chụp bầu trời đêm đầy sao, từ dưới cái chân núi ấy. Trong đêm, hàng triệu ngôi sao, chi chít, nhấp nháy không ngừng.

Đây là xứ sở của tôi. Những ngọn núi thiêng liêng của tôi. Trên gáy tôi có dòng chữ “I’m back to you, mountain”, một cách gọi khác tên một cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao”. Trở về! Trở về! Càng ngày nỗi khát khao trở về càng lớn hơn, rõ nét, sâu sắc hơn, thấm thía hơn. Nhất là những lúc cô đơn quá, những lúc nhận ra trong rất nhiều mối quan hệ khách sáo ở thành phố, lại chẳng có một sự ràng buộc giằng níu nào tới mức không thể không có.

Bạn có đồng ý với tôi rằng ý nghĩ đó thảng hoặc vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của bạn không?

Nhưng mà người ta ai cũng phải sống một cuộc đời với những trách nhiệm có thật và những gánh nặng. Tôi hay đùa khi người ta hỏi tôi tuổi gì, tôi bảo tôi tuổi con lạc đà. Con lạc đà với những cái bướu rất to, suốt đời thồ trên lưng những gánh hàng nặng trĩu và đi xuyên qua sa mạc. Nó sinh ra chỉ để làm cái việc đó. Đó là kiếp phận của nó. Tôi cũng thế, và thực ra bạn cũng thế. Chất đầy những gánh nặng lên lưng và kẽo kẹt đi suốt cuộc đời. Ngay cả những ước mơ thật là đẹp, xét cho cùng, chúng cũng chất thêm gánh nặng lên vai ta.

Khi chúng tôi đi ngang qua một anh Mông uống rượu say ở chợ phiên, say quá và anh ta không thể nào về nhà được, nằm sõng soài ra bên vệ đường, đầu cắm vào một bụi ngô, ngủ như chết, ai cũng thốt lên: “Sướng thế!”. Sướng thật ấy chứ. Còn gì bằng cái cách sống hồn nhiên như cỏ cây trong cuộc đời này, ở thập niên này của thế kỉ 21. 

Bạn tôi bảo: Anh ấy chẳng nghĩ nhiều như bọn mình đâu. Ngày ngày thức dậy sớm, đi nương, chiều về ăn cơm với vợ con. Cơm no lên giường đánh một giấc thẳng cẳng. Đơn giản thế thôi. Tôi bật cười: Ừ thế tại sao chúng ta lại cứ phải nghĩ nhiều đến thế về tất cả mọi điều nhỉ?

Bọn tôi để mặc anh Mông dọc đường, có lẽ là phải tối mịt anh ta mới tỉnh rượu và khật khừ đi về nhà. May ra thì nhớ đường về đúng nhà mình, không thì chắc lại ngủ qua đêm đâu đó. Và cũng phải đến lúc tối mịt ấy thì bọn tôi mới đến nơi cần đến, một căn nhà kiểu truyền thống của người Lô Lô, nằm dưới thung lũng, nhỏ nhắn nhưng chắc chắn.

Trời lạnh lắm. Bốn, hoặc năm độ là cùng. Cộng thêm với những cơn gió cuồn cuộn thốc tháo không biết đến từ bên phải hay bên trái, đằng trước hay đằng sau của ngôi nhà. Gió, như những lưỡi dao, rất mỏng rất sắc, lạng từng nhát một như đao phủ. Quần áo khăn mũ kín mít cũng chả nhằm nhò gì. Cả bọn ngồi uống rượu bên nồi lẩu gà đen, món duy nhất có thể kiếm được trong buổi tối lạnh giá mịt mùng hiu hắt và quạnh vắng ấy. 

Cả làng người ta chả đi ngủ từ tám đời, may có con gà chủ nhà giữ lại cho từ buổi chiều chứ không thì nhịn đói đi ngủ thật. Từ đây ra trung tâm xã cũng chẳng xa mấy, nhưng trời tối mịt tối mò, đèn đường không có, đường mòn thì bé tí ti, sảy chân cái là dẫm xuống ruộng nhà người ta.

Uống rượu trời lạnh ở một nơi xa lạ trong đêm tối trời là thứ thú vị nhất, tất nhiên tôi chẳng uống được mấy. Nhưng một chút rượu dễ khiến người ta thấy yêu quá cái cuộc đời này, cái không gian thanh tĩnh này, cái sự cô quạnh và yên ắng và, cả cái sự chạm rất khẽ vào nhau này. Không có ti-vi, sóng điện thoại yếu, điện yếu, chỉ vàng vàng đủ sáng. Và trời thì càng lúc càng lạnh. Trong nồi, thịt gà đen tỏa ra mùi thơm sực nức quện với ngải cứu và rất nhiều loại rau có tên cũng như không tên.

Bất giác tôi nhớ những đêm tối đen và giá rét như thế này mấy chục năm trước. Cái thời nấu rượu còn bị coi là phạm pháp. Tối nào cả nhà tôi cũng ngồi quanh bếp lửa, không thắp đèn, chỉ nhờ ánh sáng lập lòe từ bếp lửa để bóc những bao tải sắn rất to. Bóc xong, luộc lên, đợi nguội rồi rắc men lên, ủ trong chum. Tất cả những công đoạn ấy đều làm trong đêm, mờ sáng thì đã sạch sẽ đâu vào đấy. Đi ngủ. Luôn là đi ngủ vào lúc mờ sáng. Nghĩ lại thấy thương mến đến thế.

Chẳng hiểu sao, khi đã đi qua rồi, thì những gì còn lại trong kí ức đều đẹp. Dù buồn hay dù thương, chúng cũng đều thật là đẹp. Khi cả nhà tôi đi ngủ thì con chó cũng mới thôi không chầu chực bên cạnh nữa mà tự đi ra cái ổ của nó. Tôi hỏi bố: Con chó nó có trí nhớ không hả bố? Bố tôi trả lời nghiêm túc, ông luôn trả lời rất nghiêm túc những câu hỏi hết sức vớ vẩn của tôi. Ông nói: Có chứ. Nếu không làm sao nó biết đường về mỗi khi ra khỏi nhà.

Con chó ấy, như mọi con chó khác bố tôi đã từng nuôi để trông nhà, đều lần lượt ra đi khi đã già. Tự dưng tôi lại nhớ đến nó với đôi mắt buồn bã. Tôi chưa từng nhìn thấy một con chó nào mà ánh mắt lại tươi vui cả. Ngay cả khi vui nhất là được yêu thương, đuôi vẫy loạn lên, mắt chúng vẫn thấm đẫm một nỗi u buồn rất khó hiểu. Trong đêm giá rét tối trời ấy, đôi mắt đen của con chó càng buồn hơn, dù nó lấp lánh vì bắt ánh sáng từ bếp lửa.

Ở đây thì chẳng có con chó nào. Đúng ra là có, nhưng chúng ở rải rác đâu đó trong những ngôi nhà đã lẫn vào bóng tối ngoài kia. Thỉnh thoảng lại nhí nhách sủa một vài tiếng.

Tôi nghe thấy tiếng gió hú trên đầu, tức là trên xà nhà. Nhà trình tường, mái ngói, không đủ kín để chặn hết những cơn gió. Chúng có thể len qua những khe cửa hẹp, rất hẹp. Chúng có thể len qua những viên ngói, mặc dù lợp rất kỹ. Chúng gợi cho tôi những đêm lạnh giá ấu thơ. Không chỉ là Trái đất nóng lên thật, mà căn bản là cái nghèo của những năm tháng xa xưa ấy khiến ai ai cũng nhớ là trời rét hơn bây giờ. Bọn tôi ngồi xích vào nhau, không thấy lạnh nữa. 

Có những lúc ai cũng tranh nói, nhưng có lúc chẳng ai nói câu gì, nhìn chằm chằm làn khói từ trong nồi gà hầm bốc lên, và ngẩng nhìn nhau qua làn khói ấy. Tôi thấy bạn tôi nhìn tôi bằng ánh mắt như chưa từng có trận tranh luận nào. Này, chúng ta sẽ có một ít ngày không phải làm lạc đà nữa, mà làm một con gì đó nhàn hạ hơn. Một con ngựa chẳng hạn. Ngựa miền núi cũng thồ, nhưng còn có lúc thảnh thơi. Mùa xuân còn được đi hội hẳn hoi. Có một sự reo vui gì đó rất đỗi trẻ thơ bất ngờ dấy lên. Hóa ra chúng ta chỉ khát khao có thế thôi.

Sáng hôm sau tôi dậy muộn hơn mọi người. Những người bạn của tôi quá háo hức với bình minh tuyệt đẹp hiếm có và khó lặp lại trong cuộc đời nên dậy rất sớm. Trời vẫn lạnh buốt như thế, lạnh một cách kiên định và tàn nhẫn. Nhưng nắng kìa! Nắng thật sự vàng như mật ong, rót xuống cả cái thung lũng mờ mờ trong màn sương huyền ảo khiến nó tan ra, tan ra từng chút một. Hóa ra chúng tôi ngủ qua đêm ở ngay cạnh cái hồ, một cái hồ rất nổi tiếng tên là Mắt Rồng. 

Nó gắn với một truyền thuyết. Tất nhiên, truyền thuyết nào cũng đều do con người bịa ra cả mà thôi. Nhưng mà cái hồ này thật sự có giá trị vô cùng lớn về mặt vật chất bởi vì ở cái nơi đầy đá này, khô hạn là một món quà bất đắc dĩ mà con người phải đón nhận từ thiên nhiên. Làm sao tự dưng lại có một cái hồ nước trong đến thế, đẹp đẽ đến thế? Người ta xới đất tới tận sát mép hồ. Đất tơi và xốp, và thơm, và ấm áp mềm mại. 

Một vài loại hoa màu nào đó vừa được thu hoạch xong nên mặt đất sạch sẽ, trống trơn, đang chờ một mùa gieo trồng mới. Lô Lô Chải đã thức dậy trong yên lặng hiền hòa, không ai bận tâm về việc sáng sớm có vài người lạ xuất hiện ở trong bản. Đằng nào thì bọn tôi cũng không ở lâu, đủ để làm phiền hay xới tung lên cái cuộc sống yên ả của họ.

Một người phụ nữ phốp pháp xuống hồ gánh nước sớm. Tôi lò dò đi ra và chào. Bà ngẩng lên, gương mặt ửng đỏ, mỉm cười và nói: “Chi pâu!”. Tôi đã đoán trước bà sẽ nói câu ấy, “không biết”, tức là tôi chẳng hiểu cô nói gì cả. Nhưng tôi vẫn hỏi, chỉ để nghe thấy giọng bà ấy. Đã lâu rồi tôi không nghe thấy người Mông nói. Tôi hỏi tiếp: Nước có lạnh không bà? Lại một câu “chi pâu” nữa. Vài câu nữa, vẫn chỉ “chi pâu”.

Tôi thấy nụ cười “không biết” của người phụ nữ phốp pháp ấy thật hạnh phúc. Hạnh phúc đôi khi chỉ là không biết, không hiểu, đơn giản thế thôi. Trong khi chúng ta lại cứ cố phải lý giải mọi điều xảy ra trong cuộc đời mình mà phần lớn chẳng giải quyết được gì.

Bằng một cách nào đó, tôi cảm thấy mình đang đặt nguyên cái “mắt rồng” đầy nước vào trong lòng mình và nó đang sóng sánh rất khẽ bởi những gợn sóng giao thoa khi những giọt nắng vàng óng mượt rót xuống mặt nước.

Bạn tôi từ phía sau cánh cổng gỗ mở rộng đi ra, nheo mắt nhìn tôi, mỉm cười hiền hậu và nói khẽ: Tôi thấy một niềm say mê trong mắt cậu.
Tôi lặng đi. Hơn cả say mê, tôi muốn nói thế.