Mong nhớ tháng ba

Tôi cứ hay mong hay nhớ tháng ba. Không hiểu vì lẽ gì. Phải chăng vì ngoài đồng lúa đương thì con gái. Những ngày tháng thảnh thơi chờ đợi nhưng phấp phỏng ấm no hay thiếu hụt. Là nỗi mong ngóng vô tình đọng lại trong tiềm thức lọt từ những bâng quơ, thở than của bà, của mẹ ngày nào. Hay tại vì tháng ba còn có những mùa hoa?

Tháng ba, hoa xoan đã rã cánh, chỉ còn lại dải mầu phơn phớt như đám mây đậu xuống vạt đất đầu nhà. Những chùm hoa nhỏ bé, mong manh ấy kéo theo lũ dĩn, muỗi rời xa. Vừa nhẹ nhõm lại vừa dâng lên cảm giác gì trông trống. Nhớ mùi khói hăng xè mù mịt khi bà móc lá xoan tươi vun thành đống và đốt mỗi chiều. Hơi khói lan trong gió, quẩn quanh vờn trên mái bếp ám gợi mùi cuối xuân khó lẫn.

Tháng ba, khi những cơn nắng đầu tiên nồng nồng kéo về cũng báo hiệu mùa hoa gạo. Ôi cái loài hoa quê mùa sao gợi thương, gợi nhớ đến khắc khoải. Cây gạo già lặng lẽ bên bến nước làng tôi, tắm nắng gội mưa để tháng ba dâng lửa. Tôi nhớ những chiều lẽo đẽo theo mẹ ra bến sông rửa rau, chao cỏ. Trong ánh hoàng hôn sắp tắt, màu nước bừng lên những tia rực rỡ cuối cùng, sóng sánh phù sa, bỗng bập bềnh một bông hoa đỏ. Mầu hoa gạo đỏ tươi trong ánh nước ấy găm vào tuổi thơ tôi như một dấu son, để lớn lên, mỗi mùa hoa về lại càng thương mẹ. Thương cả làng quê nhỏ bé, thắt thẻo bên bến sông. Thương những mùa giáp hạt, nhìn mầu hoa rực rỡ mà chông chênh, xao xác. Thương cả ngôi đền cũ kỹ, rêu phong. Tuần đôi ba lần thơm hương, đỏ đèn. Ngôi đền ấy gắn với huyền tích xa xưa. Ngó lên trên mái, thấy màu rêu trầm mặc như đang kể lại câu chuyện xa xăm.

Tháng ba, có một loài hoa bấy nay chỉ nghe trong những câu chuyện kể, những bài hát về các vùng đất xa xôi. Bất chợt một ngày bắt gặp khắp các nẻo đường, lối phố - hoa ban. Có phải đó là loài hoa do đất trời ban tặng? Mặc nắng táp, mưa sa; mặc gió rét, bụi đường... lặng lẽ bung hoa, lặng lẽ hết mình. Ôi loài hoa khiêm nhường mà kiêu hãnh! Như cô gái của núi rừng nhưng về đến phố phường mà không ngơ ngác, đã trở thành hoa của đồng bằng từ khi nào chẳng rõ. Có lẽ, con người cũng cần phải học loài hoa ấy; ở đâu cũng sống được, hoàn cảnh nào cũng an nhiên. Biết giấu niềm riêng mà phơi phới. Biết nhìn đời bằng con mắt trong veo và sẻ chia niềm trắc ẩn.

Tháng ba, tôi còn nhớ những buổi làm đồng của bố. Bố vốn "sát" cua, cá, ếch... Chiều chiều, theo người về cùng với chiếc gầu sòng, cái cuốc là những mớ cá tươi roi rói, những giỏ cua nặng trĩu, những xâu ếch lặc lè. Bữa cơm tối lại rộn ràng, thơm nức mũi. Nhiều khi ăn không hết, mẹ lại mang ra chợ bán, loáng cái đã về. Bỗng thấy biết ơn ruộng đồng vì những thảo thơm gần gũi thế. Ðâu chỉ có hạt lúa, củ khoai, còn biết bao nhiêu là thức vị, quà tặng từ cỏ dại, bùn đen, nước thẳm.

Tháng nông nhàn ấy, bố vẫn cần mẫn đi chợ. Xe hàng về, một bên sọt là đồ mới, bên kia là đồ cũ. Những ngày này lại có thêm nông sản bên sông. Khi là lạc, lúc đỗ, ngô, khoai... Bố bảo, họ không có tiền nên mang những thứ đó ra đổi. Cũng chỉ áng chừng, không cân kẹo gì hết. Người bán dễ, người mua cũng hồn nhiên. Lắm khi gặp bữa, còn nằng nặc mời ông bán hàng vào ăn cơm cùng, từ chối kiểu gì cũng không xong. Cứ thế, qua lại bao nhiêu năm bên ấy, bố đã thân quen với những xóm làng xa lạ tự khi nào. Dù cách một chuyến đò đã là tỉnh khác. Có lần tôi thắc mắc, sao tự nhiên bố lại đi chợ, và sao lại biết sang tận bên những làng đó bán hàng? Mẹ bảo, chắc cũng bắt đầu từ những tháng ba rỗi rãi, khi việc đồng áng đã vãn, lúa âm thầm đợi vụ. Bố mày lại là người chịu khó, hay lam hay làm.

Rồi cũng sẽ hết những mùa hoa. Hết những thắc thỏm, phập phồng trong ánh mắt. Từ lâu, mẹ không còn chao cỏ bến sông, bố cũng không còn qua đò đi chợ. Nhưng cuối xuân, khi tiết trời ưng ửng, nghe con chào mào hót rộn rã ngoài xa; khi lấp ló ngọn lửa nhỏ từ tán cây phía ấy - lòng lại bồi hồi mong nhớ. Những tháng ba!

Tản văn của Nhất Mạt Hương