Mở rộng lưới đỡ an sinh cho bảo hiểm y tế

Mới đây, Bộ Y tế đã có đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả bảo hiểm y tế cho một số nhóm bệnh phải chịu gánh nặng kinh tế rất lớn cho quá trình điều trị. Đây được coi là cơ hội cho người dân chẩn đoán và điều trị sớm một số căn bệnh, giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tỷ lệ tiền túi người dân phải bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Ảnh: Nhật Thịnh
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tỷ lệ tiền túi người dân phải bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Ảnh: Nhật Thịnh

Hệ thống bảo hiểm y tế còn nhiều thách thức

Đánh giá tác động chính sách Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế thực hiện cho thấy, chi phí điều trị cho sáu nhóm bệnh ung thư thường gặp, như ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến, từ Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2023 là hơn 6.100 tỷ đồng.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc cân đối thu chi Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ gặp khó khăn do mức đóng còn thấp, người dân phải tự chi trả bình quân hơn 40% chi phí khám chữa bệnh. Trong khi, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các nhóm bệnh này ngày càng tăng. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, năm 2023, trong tổng số gần 175 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả nước, có hơn 22,8 triệu lượt liên quan tới tăng huyết áp, tiếp sau là đái tháo đường, ung thư… Trước đó, năm 2022, có hơn 4,6 triệu người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến tăng huyết áp. Đến năm 2023, con số này tăng lên gần 5 triệu người, trong đó 97% là tăng huyết áp vô căn. Với đái tháo đường, năm 2022 khoảng 2,5 triệu người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tăng lên hơn 2,7 triệu người năm 2023. Đặc biệt, ông Phúc nói số người khám chữa bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do rượu ở lứa tuổi 50-59 tuổi chiếm tới 66%, trong đó 98% là nam giới.

Ông Lê Văn Phúc đánh giá, hệ thống bảo hiểm y tế sẽ gặp nhiều thách thức về cân đối quỹ còn do dân số già hóa, số người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường gia tăng, cũng như chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về bệnh không lây nhiễm. Và còn do có nhiều người bệnh nhập viện dù chưa cần thiết làm tăng chi bảo hiểm y tế. "Mức chi bảo hiểm y tế chưa thật sự hiệu quả, theo báo cáo của World Bank thì người dân chi tiền túi khám chữa bệnh ở Việt Nam còn cao - hơn 40%", ông bày tỏ.

Ngoài ra, có tình trạng một số nơi chỉ định người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các thiết bị xã hội hóa, trong khi vẫn có máy từ nguồn đầu tư ngân sách, làm cho người bệnh phải tự chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá. Một số cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng chưa minh bạch về tài chính, sử dụng hai biểu mẫu thanh toán khác nhau cho cùng một người bệnh, biểu mẫu thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi đúng những nội dung Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, trong khi thanh toán cho người bệnh thì liệt kê các khoản phải đóng thêm. Chính điều này gây khó khăn cho các cơ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Chưa kể, một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như quần áo mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú, nhưng một số nơi vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả.

Nhiều đề xuất chi trả có lợi cho người bệnh

Trước thực trạng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều thách thức, đề xuất của Bộ Y tế ưu tiên mở rộng chi trả bảo hiểm y tế các bệnh bao gồm: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B (trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) được nhìn nhận là có lợi hơn cho người bệnh. Đặc biệt, người dân sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.

Theo TS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ bệnh ung thư nói chung có khuynh hướng tăng, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Ung thư vú có khuynh hướng trẻ hóa, nhiều nữ giới 25 tuổi đã mắc bệnh. Song bệnh này hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị thành công, nếu phát hiện sớm tỷ lệ khỏi lên đến 85%, phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) tỷ lệ khỏi sẽ giảm xuống từ 35-45%.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư vú ở các giai đoạn từ 1 đến 4 lần lượt là 4,2 triệu, 12,1 triệu, 22,5 triệu và 17,7 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9-18,3 triệu đồng/năm, so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn. Tương tự, với ung thư cổ tử cung, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47-48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn sau.

Do vậy, phát hiện ung thư càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng quy định cơ chế thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục Bảo hiểm y tế chi trả mà người bệnh phải mua ngoài bệnh viện. Đề xuất được đưa vào dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc kéo dài, buộc người dân đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị.