Mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam

Các mô hình kinh doanh bao trùm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm bằng việc đầu tư vào các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, khả thi về thương mại và có thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá cả phải chăng ở quy mô lớn. Thông qua đó, các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm đóng vai trò mạnh mẽ trong việc dùng lợi nhuận tạo nên tác động xã hội và ngược lại.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bao trùm.
Chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bao trùm.

Hiểu đúng về kinh doanh bao trùm

"Kinh doanh bao trùm" (Inclusive business - IB) là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho người thu nhập thấp trên cơ sở khả thi về thương mại và tạo ra các giá trị chia sẻ. Có thể nhận diện mô hình IB thông qua các đặc điểm chính như góp phần cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người nghèo và người có thu nhập thấp; yêu cầu mức độ đổi mới sáng tạo cao; có thể được tạo ra bởi doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp xã hội và chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp quy mô vừa. Hiện nay, Việt Nam đã có các chính sách, chương trình thúc đẩy mỗi đặc điểm nêu trên, tạo tiền đề cho các mô hình IB phát triển trong thời gian tới.

Khi các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm tăng cường đầu tư vào các cộng đồng thu nhập thấp, các doanh nghiệp cũng sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng với giá cả phải chăng, nâng cao năng suất cũng như tạo ra các cơ hội sinh kế và thu nhập tốt hơn cho người dân. Nhắm mục tiêu vào các phân khúc thị trường có thu nhập thấp, các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, củng cố chuỗi giá trị, xây dựng các hoạt động hiệu quả hơn, khám phá các nguồn lợi nhuận mới và nâng cao khả năng cạnh tranh trong dài hạn.

Khác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các doanh nghiệp xã hội hay các mô hình trách nhiệm xã hội hoặc từ thiện, IB không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và tăng trưởng kinh doanh, mà dùng lợi nhuận để tạo ra tác động đến xã hội và ngược lại.

Rõ ràng, hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm, chúng ta có thể tạo ra các cơ hội tăng thu nhập, mức sống cho đối tượng người dân có thu nhập thấp, đồng thời cung cấp hàng hóa và dịch vụ phù hợp với mức sống người dân hơn, đặc biệt là nhà ở và giáo dục.

Cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực

Hiện nay Việt Nam chưa có chính sách hay quy định cụ thể nào về "kinh doanh bao trùm". Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh bao trùm đã được hỗ trợ phát triển ở từng đặc điểm của mô hình.

Thứ nhất, Việt Nam đã triển khai các chương trình và chính sách giảm nghèo, đạt được những thành tựu nhất định, điển hình như Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình 135. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 còn 2,75% và năm 2021 là 2,23%.

Thứ hai, sự quan tâm đến phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng cao, Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân, hài hòa hóa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm xã hội cũng như bảo vệ môi trường (Quyết định số 1362/QĐ-TTg năm 2019). Tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025", với mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và trách nhiệm xã hội, hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Đến năm 2025 hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ sinh thái giúp hỗ trợ kinh doanh bền vững, phát triển mô hình chuẩn cho kinh doanh bền vững thành công…

Thứ ba, doanh nghiệp xã hội được quan tâm phát triển. Từ năm 2014, các quy định của pháp luật về doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã được nêu cụ thể trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký DNXH theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP... Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với sự phát triển, sự nhân rộng cũng như quyền, nghĩa vụ của các DNXH.

Thứ tư, đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên trong chính sách phát triển thời gian gần đây, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, là điều kiện bảo đảm thực hiện mô hình kinh doanh bao trùm bền vững. Mục tiêu đổi mới sáng tạo được thể hiện trong Chiến lược phát triển quốc gia, trong các đề án Chính phủ, của các bộ, sở, ban, ngành, địa phương, trong hoạt động phát triển quốc tế, kết nối và thu hút đầu tư, trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định ba phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2030, đó là: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 cũng xác định phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo của nước ta đạt 40%.

Tại Việt Nam cũng đã có một số chương trình hỗ trợ, nghiên cứu thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm do các tổ chức quốc tế phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện, có thể kể tới như Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), các dự án hỗ trợ của Oxfam. Điển hình là hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP), Mạng lưới hành động hướng tới doanh nghiệp thu nhập thấp (iBAN) thực hiện nghiên cứu toàn diện và tìm ra các khuyến nghị chiến lược để thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam.

Một số khuyến nghị

Các mô hình kinh doanh bao trùm với những lợi ích không chỉ là kinh tế mà còn mang tới những tác động xã hội sâu sắc, đặc biệt với cộng đồng thu nhập thấp. Khái niệm kinh doanh bao trùm vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, do đó cần nhận thức rõ điểm tương đồng và khác biệt so với các mô hình kinh doanh khác. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu các chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp kinh doanh bao trùm.

Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của mô hình kinh doanh bao trùm, cần: nâng cao nhận thức về kinh doanh bao trùm thông qua hiệp hội doanh nghiệp, tập huấn, chương trình truyền thông; lồng ghép các giải pháp thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm vào các chương trình và kế hoạch phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân; tăng cường đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp các khóa tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp mô hình kinh doanh, hướng tới kinh doanh bao trùm; khuyến khích sự tham gia hợp tác của các bên, gồm Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư tác động, các đối tác phát triển…; thiết kế hệ thống công nhận và tôn vinh các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm đạt kết quả tốt.