Mầm xanh hy vọng

Với những trẻ em kém may mắn, tình yêu thương, sự đùm bọc là động lực tiếp thêm niềm tin, nghị lực vượt lên nghịch cảnh, tri ân cuộc đời bằng nhiều "trái ngọt". Với phương châm "yêu thương là hành động", ngôi trường nội trú mang tên Hy Vọng tại Đà Nẵng cùng nhiều mái ấm nhân ái trong cả nước đã lan tỏa tình thương yêu, khẳng định tinh thần, ý chí mãnh liệt vượt khó vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các em học sinh Trường Hy Vọng trong Ngày hội tới trường. Ảnh: Hoàng Thống Nhất
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các em học sinh Trường Hy Vọng trong Ngày hội tới trường. Ảnh: Hoàng Thống Nhất

Lan tỏa yêu thương

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng nghìn trẻ em bỗng chốc mồ côi, ngơ ngác, bơ vơ. Biết được thông tin đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình trăn trở, cần làm điều gì đó để giúp đỡ các em. Nhớ lại những năm tháng đi học Trường nội trú số 1 ở tỉnh Hà Bắc (cũ), được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con và dìu dắt, chỉ bảo của các thầy cô, mọi người gắn bó, giúp đỡ nhau, gắng sức rèn luyện đã trưởng thành, tích cực cống hiến cho đất nước, cùng phương châm "yêu thương là hành động" thôi thúc ông Bình cùng cán bộ Tập đoàn FPT quyết tâm xây dựng trường tiểu học, THCS, THPT Hy Vọng, cam kết tài trợ toàn bộ chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt cho 1.000 học sinh mồ côi vì đại dịch, có hoàn cảnh khó khăn.

Khởi đầu hành trình yêu thương đối mặt không ít chông gai, thử thách. Cuối năm 2021, Giám đốc Hoàng Quốc Quyền lặn lội vào các tỉnh, thành phố phía nam, tiếp xúc trẻ em mồ côi vì đại dịch, gặp gỡ những ông bố góa vợ, bà mẹ góa chồng, cụ già mất con. Trong không ít con ngõ ở TP Hồ Chí Minh tràn ngập mùi hương, văng vẳng tiếng mõ tụng kinh cầu siêu. Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện buồn. Có những bà mẹ đi viện khám bệnh, kẹt lại rồi mất vì Covid-19 mà hằng tháng trời con họ vẫn nghĩ là mẹ vắng nhà lâu ngày, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải về quê sống với ông bà. Rồi trăm ngàn cung bậc cảm xúc trải qua. Khi nghe thầy Quyền trình bày kế hoạch của nhà trường và cho xem cả giấy tờ tùy thân, người thân các em hiểu chuyện, tin tưởng thì ít, dò xét, hoài nghi thì nhiều, thậm chí có người đuổi thẳng, không ngừng chửi mắng vì nghi lừa bắt trẻ con, mời công an tới làm việc. Hóa giải nghi ngờ thành niềm tin chẳng dễ dàng. Một vài lần tiếp cận chưa nhận được gật đầu đồng ý, thầy Quyền vẫn không nản lòng, nhẫn nại lắng nghe tất cả bức xúc, lo lắng các gia đình chia sẻ, đồng cảm với đau thương chồng chất, dày công phân tích, thuyết phục nhiều ngày. Có nhà, thầy Quyền kiên nhẫn nói chuyện 9 tiếng lần lượt từ ông bà, họ hàng, hàng xóm để họ cảm nhận là trường thật lòng muốn giúp.

"Mưa dầm thấm lâu", cuối cùng tấm chân tình được thấu cảm. Mẹ em Thúy Anh lúc đầu còn phân vân, rồi cũng đồng ý gửi vào trường. Cảm giác phấn khởi thuyết phục thành công trường hợp đầu tiên trong đợt đầu đón 34 em về nhập trường đến giờ thầy Quyền vẫn không quên, vì sau bao khó nhọc thì niềm tin vào sự tử tế được khẳng định, công sức bước đầu được đền đáp. "Tôi đã nghèo, khổ rồi nên muốn con cháu tôi không hèn, bớt cơ cực, có môi trường tốt", phụ huynh tin tưởng kỳ vọng trao gửi, lương tâm không cho phép nhà trường phụ niềm tin của họ, nỗ lực nhiều hơn dẫu học sinh đông dần, công việc bộn bề, lo toan không ít.

Chắp cánh ước mơ

So với bạn bè cùng trang lứa, các em thiệt thòi hơn, nhưng bù lại được sống trong mái ấm tràn ngập tình yêu thương, đoàn kết, đùm bọc như anh em một nhà. Các em học được nhiều điều hay, lẽ phải, thấm thía giá trị của hạnh phúc, biết quan tâm, trân trọng mọi người. Những lời nhắn gửi trong lá thư của Chủ tịch Tập đoàn Trương Gia Bình như nói hộ nỗi lòng, nhắc nhở, khích lệ các em luôn cố gắng: "Vào phút cuối trước khi lìa đời, nỗi lo của cha mẹ chính là làm sao con mình sống tốt, học tốt và các con hãy tin từ trên thinh không cha mẹ vẫn dõi theo hằng ngày".

Với những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương, muốn hiểu chúng, cách tốt nhất là "ba cùng" đồng hành, luôn chân thành chia sẻ, nắm bắt tâm tư để kèm cặp, rèn nếp ăn, ngủ, học đúng giờ; dốc sức bảo ban, động viên để mỗi ngày thêm trưởng thành. Nhiều em bị sang chấn tâm lý nặng nề, ám ảnh cảm giác cha mẹ mất trên tay, hay day dứt vì mắc lỗi quên không nghe điện thoại, từ trên gác chạy xuống không kịp mà ba, mẹ đột ngột qua đời... Ba mất, bé Hưng ôm áo của ba suốt bốn tháng khi ngủ, cả ngày ở lỳ trong phòng, không tiếp xúc với ai. Bé Nhân mồ côi cả cha mẹ, ngày đầu đến trường u buồn, chỉ nói một câu. Các thầy, cô quản sinh, nhân viên tâm lý ân cần vỗ về an ủi để các em giãi bày, nỗi day dứt, đau buồn tận cùng nguôi ngoai và cảm nhận vẫn được sống trong tình yêu thương. Sau một tháng, bé Nhân mở lòng, nói nhiều hơn và nay đã hồn nhiên, chơi đùa cùng chúng bạn.

Đồng cảnh ngộ khiến bọn trẻ xích lại gần nhau, mau chóng hòa nhập ở môi trường mới, cảm giác rụt rè, tự ti lùi xa. Anh lớn dìu dắt em bé, các em hỗ trợ, giúp đỡ nhau, tích cực lao động, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Có em trước đây được chiều, không biết làm việc nhà, dậy muộn nay đã biết cách gấp gọn chăn màn, ăn xong tự dọn dẹp, hăng hái cùng các bạn làm đủ việc, từ rửa bát, trồng rau, giặt quần áo, quét sân, dọn vệ sinh... Thầy Hoàng Quốc Quyền chia sẻ, bí quyết thành công chính là tình yêu thương vô bờ cùng phương pháp kiên trì uốn nắn, dạy bảo, khích lệ, phát huy ý chí tự lực cánh sinh, biến nỗi đau thành sức mạnh trong môi trường kỷ luật. Buổi đầu có em chạy 1km đã thấm mệt, sau quãng đường tăng dần lên và giờ các em chạy tới 5km là chuyện bình thường. Những buổi hoạt động thể thao, văn nghệ tập thể tràn ngập tiếng cười đùa hồn nhiên của tụi nhỏ. Thay vì cảm giác bị thương hại, các em tiến bộ dần, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia, đồng cảm với nỗi đau, buồn khổ của người khác và bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Nhà gần trường, từ khi gửi bé Hưng, tháng đầu nhớ cháu, ngày nào bà nội cũng lên cổng trường dõi theo cháu từ xa. Từ một cậu bé béo phì, trầm tư nay khỏe mạnh, chín chắn, bà mừng vui khôn xiết.

Gắn bó với công việc đặc thù muôn vàn khó nhọc nhưng không làm giảm nhiệt huyết. Các giáo viên, cán bộ nhà trường gánh vác nhiều trọng trách, không chỉ nuôi dạy bằng tấm lòng nhân ái, thương yêu của người cha, người mẹ mà còn như nhà tâm lý, nhà giáo chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, từng con chữ. Các thầy cô bộc bạch, lấy niềm hạnh phúc của các con là niềm vui của mình, chỉ một lời cảm ơn, một cái ôm cũng thấy ấm lòng và còn học được nhiều điều từ tụi nhỏ. Phương pháp dạy học không nặng thành tích mà lấy tiến bộ làm trọng, các em còn học tin học, ngoại ngữ, phát triển khả năng sáng tạo, thuần thục kỹ năng mềm. Những buổi tiếp xúc với những người nổi tiếng tới thăm trường truyền cảm hứng, hun đúc đam mê, khát khao cống hiến. Có học sinh lớp 12, học kỳ hai ở trường đã lọt top 10 điểm cao nhất đỗ vào Đại học FPT. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều em bạo dạn, tự tin vì nói giỏi tiếng Anh, thông thạo vi tính, sôi nổi diễn thuyết, tranh luận cùng chúng bạn, say sưa hát vang lời ca viết về trường chất chứa bao niềm tin và mơ ước: Đàn chim tung cánh, bay khắp năm châu/ Rồi về Việt Nam xây dựng nước nhà/ Dù đi muôn nơi, vẫn nhớ khôn nguôi, ngôi trường thân yêu, tên là Hy Vọng.

Ngày hội tới trường tưng bừng hơn khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến chung vui. Chủ tịch nước ghé thăm từng căn bếp, phòng ở, thăm hỏi thân tình, tặng quà động viên, bày tỏ mừng vui khi các cháu khỏe mạnh, ánh mắt lấp lánh niềm vui, đong đầy yêu thương và nghị lực kiên cường, biểu dương các thầy cô, cán bộ tận tâm, tận lực nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo bằng cả tình thương, lương tâm và trách nhiệm.

"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có trẻ em kém may mắn để không ai bị bỏ lại phía sau. Chia sẻ câu chuyện của chính mình nỗ lực vượt khó vươn lên, đóng góp dựng xây quê hương, đất nước; nhấn mạnh chăm chỉ học tập, rèn luyện là cách tốt nhất báo hiếu ông bà, cha mẹ, tri ân những người giúp đỡ mình, Chủ tịch nước mong muốn mỗi học sinh phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, trở thành công dân có ích, góp sức vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mong muốn đó cũng là tâm nguyện của toàn xã hội là cần có thêm những ngôi trường, mô hình như Hy Vọng và chung tay, góp sức bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em phải là việc làm thường xuyên, để cuộc sống thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc.