Lời hứa, và những món quà

Ngày đầu năm 2023, tôi nhắn tin cho một ông chủ tịch một doanh nghiệp người nước ngoài, cảm ơn vì chương trình Tết của công ty anh. Tôi mới đọc thấy chương trình đó trên báo. Ông chủ ngoại phát động một chương trình tên là "Xây Tết". Cán bộ, công nhân chính thức năm nay sẽ bớt chút tiền thưởng, để công ty có thể tặng cho mỗi công nhân thời vụ một món quà Tết trị giá 300.000 đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Các phần quà Tết được nhân viên Công ty Tân Đệ (tỉnh Thái Bình) chằng buộc cẩn thận vào phương tiện cá nhân của từng người lao động. Ảnh: Mai Tú
Các phần quà Tết được nhân viên Công ty Tân Đệ (tỉnh Thái Bình) chằng buộc cẩn thận vào phương tiện cá nhân của từng người lao động. Ảnh: Mai Tú

1 Vì họ là một công ty xây dựng, nên số lượng nhân công thời vụ, công nhân của nhà thầu phụ (mà vốn về mặt lý thuyết công ty không có trách nhiệm về phúc lợi) lên đến hàng chục nghìn người. Nhưng năm nay, dù ngành xây dựng đang khó khăn, ông chủ Tây vẫn quyết định tặng quà Tết cho tất cả công nhân trên những công trường mình đang phụ trách.

Anh bảo, vì chúng ta ai cũng là người Việt Nam, người này ít, người kia nhiều, nhưng ai cũng là người Việt.

Mỗi dịp Tết đến, lại bắt gặp luồng quan điểm phân biệt Tây-Ta trong chuyện thưởng Tết. Nôm na, thì thưởng Tết là một tập quán văn hóa của riêng chúng ta. Nó tích cực về mặt tình cảm, nhưng đôi khi lại phiền hà về mặt kinh tế. Các công ty ngoại họ chủ trương khen thưởng theo hiệu quả kinh doanh, dù không mấy tình cảm nhưng lại rất công bằng. Cuối năm, không có những ông chủ váng đầu đi xoay tiền "thưởng Tết" và những nhân công tự kỳ vọng để rồi thất vọng.

Hồi ông chủ nọ mới tiếp quản công ty, có nhiều quan điểm bài xích, từ cả bên ngoài và nội bộ, cho rằng một ông Tây thì không thể đại diện được cho các giá trị của Việt Nam. Một doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam nên do người Việt làm chủ.

Giai đoạn ấy, có lần ngồi cà-phê với "ông chủ ngoại" ở Hà Nội, tôi nhớ anh đã tỏ ra rất bối rối và buồn.

2 Nhưng, người Việt Nam và một công ty Việt Nam được định nghĩa như thế nào? Có lẽ là bằng cách người ta nghĩ cho nhau với tư cách một cộng đồng.

Quà Tết không phải là một hoạt động kinh tế. Nó là một tập quán văn hóa. Nó là cách người chủ doanh nghiệp thể hiện rằng họ quan tâm đến tập thể của mình. Tôi cũng là chủ doanh nghiệp, dù rất nhỏ, tôi rất hiểu khi người ta ca ngợi sự sòng phẳng kiểu phương Tây, chỉ thưởng theo hiệu quả kinh doanh chứ không nặng nề "thưởng Tết". Chẳng ai (nếu giữ chặt tâm thế "kinh doanh") thoải mái khi xé toang kế hoạch tài chính năm ra chỉ để phục vụ một tập quán văn hóa.

Nhưng đó là cách - dù món quà ít hay nhiều - trong không gian văn hóa này, ta thông báo rằng mình đang quan tâm đến nhau như những con người. Đó là những người Việt Nam, mang những nỗi niềm rất Việt Nam, dù cả năm bôn ba nhưng muốn có mấy ngày đủ đầy thảnh thơi. Và cử chỉ thưởng Tết hướng tới tâm trạng đó.

3 Trong lời hứa của nhiều doanh nghiệp trong mùa Tết này, như tôi đọc báo, có một mệnh đề rất giản đơn: Thanh toán đúng hạn. Đó là lời hứa giản đơn đến mức ngày thường không phải nói ra. Nhưng bây giờ, nó lại là một lời hứa quan trọng. Vẫn bởi một lẽ: Nó thông báo rằng chúng ta đang quan tâm đến nhau như những con người.

Năm 2022 là năm của những lời hứa đổ vỡ: lời hứa lãi suất, lời hứa thanh khoản, lời hứa tiến độ, lời hứa đổi đời… Có phải là vì ta đã quá bận tâm về những lời hứa xa vời, mà quên rằng những lời hứa giản đơn, giữa người và người, có thể dễ dàng nhận ra từ lúc chúng được nói lên?

Thưởng Tết, trong một số bối cảnh, khi người ta thật sự hiểu về hoàn cảnh và tâm trạng của nhau, khi có sự thấu hiểu giữa người với người, hoàn toàn không cần xem xét đến khía cạnh kinh tế.