Giảm phát thải khí nhà kính

Loay hoay từ công đoạn kiểm kê

Từ năm 2023, khoảng 1.920 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính. Do lần đầu được triển khai ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và gặp nhiều vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp gặp rắc rối ở khâu phân loại và thống kê nguồn khí nhà kính.
Các doanh nghiệp gặp rắc rối ở khâu phân loại và thống kê nguồn khí nhà kính.

THEO Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên, công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên, tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên hoặc cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên sẽ phải thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính.

Định kỳ hai năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan thực hiện rà soát số liệu tiêu thụ năng lượng, công suất, quy mô của các doanh nghiệp thuộc danh mục lĩnh vực, đồng thời các cơ sở phát thải khí nhà kính cũng phải tiến hành kiểm kê và gửi báo cáo để cơ quan chức năng thẩm định. Chiếu theo nghị định, những đơn vị thuộc diện trên đã phải đưa ra những báo cáo cấp cơ sở đầu tiên.

Nằm trong danh sách doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình - MICCO đã thực hiện công đoạn này từ năm 2022 theo yêu cầu của Bộ Công thương. Tuy nhiên, việc báo cáo kiểm kê vẫn chưa được thực hiện với cơ quan kiểm định cấp cơ sở và doanh nghiệp cũng chưa nắm được cần làm việc với bộ phận nào để hoàn tất quá trình này.

"Hiện nay, doanh nghiệp chưa có người chuyên trách kỹ thuật kiểm kê. Chúng tôi mới bắt đầu tìm hiểu và cũng chưa có cơ sở thông tin để dự trù được chi phí kiểm kê, hay mức giảm phát thải cụ thể ở lĩnh vực của mình", bà Hoàng Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Asean Tire (doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm săm lốp tại Bắc Ninh) chia sẻ.

Theo chuyên gia kỹ thuật môi trường Trịnh Thu Hằng, đơn vị tư vấn kiểm kê khí nhà kính EPRO, nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm được đơn vị của mình có thuộc diện phải làm kiểm kê hay không. Thậm chí, cán bộ an toàn môi trường của họ còn không phân biệt được khí nhà kính khác gì các loại khí gây ô nhiễm khác.

HIỆN tại, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư hướng dẫn kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải vẫn đang trong quá trình biên soạn thông tư.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, công thức kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và lĩnh vực chưa đủ rõ ràng. Với những thông tư hướng dẫn đã được ban hành, chưa có ngành nào đưa ra được hướng dẫn tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính cụ thể cho từng giải pháp giảm nhẹ. Đơn cử như doanh nghiệp thuộc nhóm giải pháp chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh học sẽ cần công thức tính khác hoàn toàn với đơn vị thuộc nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp rắc rối, đặc biệt ở khâu phân loại và thống kê các nguồn khí nhà kính. Đơn cử như doanh nghiệp tại Việt Nam thông thường sẽ có ba nguồn phát thải. Hai phạm vi đầu là phát thải trực tiếp và gián tiếp. Thách thức thật sự nằm ở phạm vi thứ ba (có thể chiếm khoảng 75% tổng lượng phát thải và thậm chí 100% với một số ngành nhất định), do xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như hàng hóa và dịch vụ được mua, vận chuyển, nguồn phát sinh chất thải các loại và từ việc sử dụng sản phẩm.

Thí dụ, nhà máy xử lý rác có nguyên liệu đầu vào là thép, nhựa, thủy tinh, vật liệu điện tử… Ngoại trừ lượng phát thải trực tiếp, cần phải tính toán mức phát thải khí nhà kính để có được những vật liệu này. Chính vì vậy, khả năng tính toán chính xác của doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc nhiều vào tính minh bạch của đối tác cung cấp.

VIỆT Nam đang gặp phải nhiều thách thức do thiếu hụt nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở chưa thể ngay lập tức đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), nguồn lực về tài chính và chuyên gia đối với nội dung kiểm kê khí nhà kính trong bối cảnh hiện nay còn rất hạn chế, nếu nhìn vào số lượng lớn doanh nghiệp ở cấp cơ sở. Vụ đang nỗ lực phối hợp và tìm kiếm các hỗ trợ kỹ thuật nhằm triển khai hoạt động thu thập, xử lý số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo quy định của pháp luật.

Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozone (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ năm 2023, các bộ, ngành đã và đang khẩn trương tổ chức đào tạo cán bộ phụ trách quản lý môi trường tại các doanh nghiệp, cũng như cá nhân, tổ chức đào tạo, tư vấn về môi trường trên cả nước. Các nội dung đào tạo tập trung vào hệ thống quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (E&S), quản trị E&S, kiểm kê phát thải khí nhà kính, báo cáo phát triển bền vững và các nội dung có liên quan.

Kiểm kê khí nhà kính là nội dung mới, lần đầu được triển khai thực hiện ở Việt Nam nên cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây là tiền đề quan trọng cho mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch từ năm 2026-2030. Ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Chính phủ cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này.